04/08/2013 - 19:48

CÔNG NGHỆ MỚI PHỤC VỤ SẢN XUẤT MÍA ĐƯỜNG

Mở ra nhiều triển vọng phát triển

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo giới thiệu thiết bị công nghệ mới phục vụ sản xuất mía đường tại Hậu Giang. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng: Các doanh nghiệp mía đường trong nước phải “hành động ngay” để cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…

CÔNG NGHỆ MỚI

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà máy đường, nhà cung cấp thiết bị máy móc trong và ngoài nước có nền công nghệ mía đường phát triển, như: Ấn Độ, Indonesia, Pháp, Trung Quốc...

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thị trường hóa chất và Công ty P.T Enzima Biotechnology (Indonesia) giới thiệu giải pháp sử dụng Enzyme, tăng hiệu suất thu hồi đường. Công ty Owtek Thiên Hòa (Việt Nam) giới thiệu giải pháp sử dụng các loại băng tải chuyên dùng cho đường hạt rời, bao đường và bã mía nhằm tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí quản lý. Công ty Chemical Systems Technologies (Ấn Độ) giới thiệu các thiết bị và giải pháp công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng và hơi nước trong công nghiệp đường. Đặc biệt, Công ty Triveni Turbine Limited và Công ty Isgec Heavy Engineering (Ấn Độ) giới thiệu các thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhiệt điện tại nhà máy đường (như các thiết bị lò hơi, turbine hơi nước áp dụng cho đồng phát nhiệt điện…) giúp các nhà máy tận dụng tốt nguồn nhiên liệu bã mía, tăng hiệu quả sản xuất…Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội thảo là cơ hội cho các nhà máy sản xuất kinh doanh mía đường gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với các chuyên gia; tiếp cận thiết bị máy móc, công nghệ mới trong sản xuất mía đường… để có quyết định cải tiến, đổi mới công nghệ, gia tăng hiệu quả sản xuất.

Hoạt động sản xuất ở Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng. Ảnh: X. TRƯỜNG

Ngoài ra, các nhà máy đường cũng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ khác nhằm tăng hiệu suất thu hồi đường và tận dụng tốt các nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Ông Piyabut, chuyên gia đến từ Công ty P.T Enzima Biotechnology (Indonesia), cho biết: “Sử dụng chế phẩm sinh học Enzima SR-60S (là một Enzyme dạng lỏng) trong quá trình sản xuất là giải pháp đơn giản, ít tốn chi phí mà các nhà máy đường cần quan tâm thực hiện. Enzyme có tác dụng làm giảm lượng dextran và tinh bột (là những tạp chất trong nước mía), giúp tăng hiệu suất thu hồi đường, làm tăng độ trắng của đường. Enzyme sẽ tự biến mất sau quá trình sản xuất đường nên không gây ảnh hưởng cho người sử dụng… Với những ưu điểm này, chế phẩm sinh học Enzyme được nhiều nhà máy đường tại các nước có nền sản xuất mía đường phát triển như: Thái Lan, Anh… áp dụng”. Theo chị Đinh Thị Thảo, Trưởng Phòng Giám sát, Công ty Owtek Thiên Hòa (Việt Nam), xu hướng sử dụng các loại băng tải thay thế nhân công bốc vác đang phổ biến trong nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Đối với lĩnh vực mía đường, hiện Owtek Thiên Hòa đã có hệ thống băng tải trung chuyển đường hạt rời, đường bao và băng tải chuyên dùng cho vận chuyển bã mía, với số lượng bã mía có thể chất cao lên đến 30m. Sử dụng các loại băng tải này sẽ giảm nhân công, chi  phí quản lý và tiết kiệm được thời gian cho quá trình sản xuất. Sau từ 1-3 năm đầu tư băng tải, doanh nghiệp có thể thu hồi vốn. 

ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM

Sử dụng các loại máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, ngành mía đường càng có nhiều cơ hội phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, tận dụng nguồn bã mía để sản xuất điện được các nhà máy đường quan tâm. Ông Huỳnh Long Định, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh, cho biết: “Bourbon Tây Ninh mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại. Công ty không chỉ sản xuất nhiều loại đường tinh luyện có chất lượng cao mà còn tận dụng bã mía để sản xuất nhiệt điện. Mỗi năm, Bourbon Tây Ninh sản xuất được khoảng 120.000 tấn đường các loại và sản lượng điện làm ra đạt trên 49.000Mwh. Sản xuất nhiệt điện từ bã mía rất hiệu quả nên Bourbon Tây Ninh rất quan tâm, đầu tư tìm hiểu công nghệ mới để có thể phát triển lĩnh vực trong thời gian tới”. Theo Công ty Triveni Turbine Limited (Ấn Độ) - doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị phục vụ sản xuất nhiệt điện từ bã mía, hiện nay các nhà sản xuất hệ thống các lò hơi và Turbine hơi nước áp dụng cho đồng phát nhiệt điện đã phát triển đa dạng về quy mô và công suất thiết kế. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp thiết bị này cũng sẵn sàng nhận thực hiện cung cấp giải pháp và tiến hành lắp ráp trọn gói cho khách hàng.

Khó khăn nhất hiện nay của các nhà máy đường là thiếu vốn đầu tư trong đổi mới thiết bị, công nghệ. Trong khi đó, Nhà nước chưa có các cơ chế  chính sách ưu đãi về vốn. Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề sản xuất điện từ bã mía góp phần cung cấp vào lưới điện quốc gia. Hiệp hội đã tổ chức hội thảo và có nhiều buổi làm việc với các cơ quan chức năng; có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa điện đồng phát từ bã mía lên lưới điện quốc gia vào sơ đồ tổng năng lượng quốc gia và được hưởng các chính sách ưu đãi. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương sớm hoàn thành cơ chế hỗ trợ các dự án điện bã mía và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) đã có dự thảo lần 4 Quyết định về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Biên Hòa, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho rằng: “Nước ta tốn khoảng 10.000 tỉ đồng/năm để mua điện từ Trung Quốc và mua dầu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong nước. Nếu Nhà nước kịp thời hỗ trợ các nhà máy đường tận dụng bã mía sản xuất điện sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn. Nếu có điều kiện thuận lợi, ngành mía đường có thể đạt mức điện phát ra lưới từ 70-130 Kwh/tấn mía.

     Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết