13/06/2010 - 08:11

Mình vẫn có nhau!

Quan hệ vốn hữu hảo lâu nay giữa Nga và Iran đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn sau khi Mát-xcơ-va phá lệ, quay sang ủng hộ phương Tây trong việc áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Tehran xung quanh chương trình hạt nhân được cho là mờ ám của nước này.

Hôm 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, sau đó là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, đã lên tiếng khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Iran sẽ không ảnh hưởng đến việc Mát-xcơ-va cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 trị giá 800 triệu USD cho Tehran. Ông Lavrov còn nói cụ thể rằng nghị quyết chỉ quy định hạn chế hợp tác với Iran về các loại vũ khí tấn công, còn vũ khí phòng thủ thì không.

Thế nhưng chỉ một ngày sau đó, Thủ tướng Vladimir Putin (đang ở thăm Pháp bàn chuyện mua hàng không mẫu hạm Mistral) và Điện Kremlin lại tuyên bố Nga sẽ đóng băng việc chuyển giao S-300 cho Iran. Lý do của sự bất nhất này được giải thích là do “kẽ hở trong câu chữ của nghị quyết”. Đáng chú ý là trong cùng ngày, cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều thông báo rằng Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ đến Washington gặp người đồng cấp Barack Obama vào ngày 24-6 tới.

Chưa hết, ông Medvedev cuối tuần rồi còn thêm dầu vào lửa khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, gồm Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan) ở Uzbekistan rằng bất kỳ quốc gia nào đang bị LHQ trừng phạt đều không được tham dự hội nghị. Điều đó rõ ràng ám chỉ Iran, nước giữ qui chế quan sát viên và đang tìm kiếm chiếc ghế thành viên chính thức của SCO. Và thực tế là Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã không có mặt tại sự kiện này.

Còn nhớ, ngay sau khi Nga phát tín hiệu ủng hộ nghị quyết của LHQ hồi cuối tháng rồi, giữa nước này và Iran đã xảy ra “khẩu chiến”. Tổng thống Ahmadinejad chỉ trích ông Medvedev khuất phục trước sức ép của Mỹ và “suy nghĩ chưa tới” khi quyết định như vậy. Ông này còn dọa có thể sẽ xem Nga như kẻ thù. Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov nói ông Ahmadinejad không kiểm soát được cảm xúc của mình, còn Sergei Prikhodko, Cố vấn trưởng về chính sách ngoại giao của Tổng thống Medvedev, thì đề nghị ông Ahmadinejad hãy bớt “mị dân chính trị” đi.

Mặc dù “choảng” nhau như vậy, nhưng dường như cả Mát-xcơ-va và Tehran đều không muốn đẩy mối quan hệ bang giao giữa họ tới chỗ “ân đoạn nghĩa tuyệt”. Bằng chứng là hai ông Putin và Ahmadinejad đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh CICA tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-6. Hai ngày sau đó, ông Lavrov cho biết nhà máy điện hạt nhân Bushehr do Nga giúp Iran xây dựng vẫn sẽ được vận hành vào tháng 8 tới theo đúng kế hoạch (bất chấp sự phản đối của Washington), và hai bên đang thảo luận khả năng xây dựng thêm một số nhà máy nữa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngoài kim ngạch thương mại song phương mỗi năm 3 tỉ USD, họ còn rất cần nhau trong nỗ lực nâng cao vị thế của mình, với Iran là trong khu vực còn Nga là trên thế giới.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết