 |
Đĩa phần mềm lậu bán tràn lan trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: MSNBC |
Người dùng máy tính ở Trung Quốc sử dụng các phiên bản hệ điều hành Microsoft Windows bất hợp pháp sẽ bắt gặp màn hình đen. Đây là kết quả của việc Microsoft vừa bắt đầu triển khai kế hoạch chống phần mềm lậu ở Trung Quốc. Một chương trình chứng thực phần mềm chính hiệu đang được sử dụng để xác định liệu một máy tính có đang chạy các phiên bản Windows và Office giả hay không. Theo đó, màn hình máy tính của người dùng sẽ chuyển sang màu đen cứ mỗi 60 phút nếu nó không vượt qua cuộc kiểm tra. Động thái này đã tạo nên ít nhiều những phản đối từ phía bênh vực người tiêu dùng ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của qq.com cho thấy 66,53% người được hỏi kịch liệt phản đối chương trình, trong khi 87,44% người được xin ý kiến trên Sina.com cho biết chương trình sẽ làm cho họ mất hứng với việc mua các sản phẩm Microsoft chính gốc.
Microsoft không muốn người dùng hiểu nhầm giải pháp của họ. Họ giới thiệu chương trình Windows Genuine Advantage nhằm giúp người dùng xác định liệu hệ điều hành Windows họ đang sử dụng có phải là sản phẩm giả. Alex Kochis, giám đốc quản lý sản phẩm Windows chính hiệu, nói rằng chương trình sẽ mang đến cho người dùng cơ hội kiểm tra hệ điều hành họ sử dụng là thật. Theo Microsoft, phiên bản Genuine Advantage cho Office đã được tung ra ở 4 quốc gia Chile, Ý, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay, và cho đến giờ hơn 10 triệu người dùng đã xác thực phần mềm của họ.
Theo Scott Buchanan của nhóm Microsoft Office, trong khuôn khổ các nỗ lực chống phần mềm lậu, Microsoft cũng tung ra chương trình khuyến cáo Office Genuine Advantage (OGA) ở Trung Quốc. Nó là một phần trong cam kết của Microsoft nhằm bảo vệ khách hàng và đối tác trước sản phẩm giả. Khách hàng với Office chính hãng sẽ không bị ảnh hưởng bởi các khuyến cáo. Người dùng sử dụng Office không chính hãng sẽ nhận các hộp thoại khuyến cáo và sẽ được đưa đến lựa chọn để có sản phẩm chính gốc. Cảnh báo OGA không giống cảnh báo Windows, không tạo ra một màn hình đen mà thay vào đó sử dụng các cửa sổ nổi yêu cầu người dùng chứng thực phần mềm.
Theo Hiệp hội Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), 1/5 gói phần mềm PC trên thế giới là làm lậu hay giả mạo. Và mặc dù tình trạng làm lậu phần mềm đã giảm ở nhiều quốc gia, nhưng thị trường PC phát triển nhanh đã gây ra những thiệt hại ngày càng lớn, hiện lên tới khoảng 48 tỉ USD/năm.
Tỷ lệ phần mềm lậu ở Trung Quốc đã giảm trong mấy năm gần đây, từ 90% năm 2004 xuống còn 82% năm 2007. Tuy nhiên, thiệt hại lại tăng đáng kể, từ 3,5 tỉ USD năm 2004 lên hơn 6,5 tỉ USD năm 2007. Hỗ trợ Microsoft, sau nhiều năm điều tra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng với Bộ Công an Trung Quốc hồi năm ngoái đã bắt giữ một tổ chức làm phần mềm giả lớn ở tỉnh Quảng Đông. Tổ chức này đã sản xuất và phân phối phần mềm Microsoft giả trị giá hơn 2 tỉ USD.
Ngọc Tuyền (Theo Newsfactor, Chinaview)