19/10/2012 - 09:18

mDiabetes giúp Ấn Độ phòng chống bệnh tiểu đường qua mạng di động

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2/3 số ca tử vong trên thế giới liên quan đến các bệnh không truyền nhiễm (NCDs) như bệnh tim, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi mãn tính… và 80% trong số đó tập trung ở các nước đang phát triển. NCDs đã trở thành một cuộc khủng hoảng ở cấp độ thế giới, làm thay đổi bộ mặt sức khỏe toàn cầu và đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động ngay.

Giao diện của chương trình hướng dẫn phòng chống tiểu đường trên điện thoại iPhone. Ảnh: apple.com 

Trong bối cảnh đó, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ Arogya World được thành lập nhằm chống lại sự phát triển của các căn bệnh mãn tính và cải thiện sức khỏe toàn cầu. Một trong các giải pháp của Arogya World là mDiabetes, một chương trình phòng chống bệnh tiểu đường dựa trên tiện ích của điện thoại di động – thiết bị đang "phủ sóng" tới 75% dân số ở các nước đang phát triển. Chương trình này đang được triển khai thí điểm tại Ấn Độ, nước hiện có 900 triệu thuê bao di động và hơn 50 triệu người hiện sống chung với bệnh tiểu đường. mDiabetes là sản phẩm hợp tác của Arogya World với các đối tác có chung nguyện vọng muốn đẩy lùi NCDs, gồm hãng điện thoại Nokia (Phần Lan), Đại học Emory, Công ty bảo hiểm quốc tế Aetna, Tập đoàn Johnson&Johnson (Mỹ), công ty công nghệ sinh học hàng đầu của Ấn Độ Biocon và Ipsos, công ty nghiên cứu thị trường của Anh và Ireland.

Mục tiêu của mDiabetes ở Ấn Độ - nơi mà bệnh tiểu đường được ví như một "quả bom hẹn giờ" đối với sức khỏe dân số, gồm: hướng dẫn phương pháp phòng chống bệnh tiểu đường cho ít nhất 1 triệu người Ấn Độ, đánh giá tác động của việc giáo dục phòng tránh bệnh ở các trường học và công sở, và chứng minh những thay đổi về lối sống giúp ngăn chặn bệnh tiểu đường cho 50.000 người.

Về phương thức thực hiện, mDiabetes tiến hành gửi tin nhắn đến điện thoại di động của người dân để cung cấp miễn phí thông tin và cách phòng chống bệnh tiểu đường bằng 12 ngôn ngữ khác nhau, với cường độ 2 lần/tuần trong 6 tháng. Đại học Emony là đơn vị biên soạn tin nhắn nhằm nâng cao nhận thức của người dân, trong đó nhấn mạnh bằng chứng khoa học cũng như sự thay đổi lối sống một cách lành mạnh giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Đến nay, mDiabetes đã tiếp cận được 100.000 người dân và dự kiến sẽ đạt 1 triệu người vào năm tới. Kết quả ban đầu cho thấy, các tin nhắn từ mDiabetes nhận được nhiều phản hồi tích cực, với 85% người tham gia đánh giá nó dễ hiểu, hữu ích và họ sẵn sàng chia sẻ chúng đến người thân và bạn bè. Hiện Arogya World muốn đánh giá hiệu quả của chương trình mDiabetes ở khu vực thành thị và nông thôn Ấn Độ, trước khi áp dụng nó đối với những bệnh như tim mạch, ung thư…

Nếu chương trình mDiabetes đạt hiệu quả tốt ở Ấn Độ, nó có thể được nhân rộng ra các nước khác và hứa hẹn phát triển thành một giải pháp toàn cầu trong cuộc chiến chống các bệnh không truyền nhiễm.

HỒ TRÍ (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết