25/11/2009 - 20:51

THỊ TRƯỜNG MÁY VI TÍNH

Máy bộ và máy xách tay thịnh hành, giá giảm

Khách hàng chọn mua laptop tại Trung tâm Điện tử Tin học Trường Đại học Cần Thơ.
Ảnh: V. TUẤN

Sự thay đổi rất nhanh của công nghệ sản xuất máy vi tính cá nhân cùng với giá giảm đáng kể cũng như sự tiện lợi trong việc di chuyển, truy cập Internet không dây của nhiều dòng máy tính xách tay (laptop) có mặt trên thị trường trong thời gian qua đã tạo nên một xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng máy vi tính cá nhân. Tại TP Cần Thơ, có gần 80% thị phần là dòng máy bộ và laptop, một tỷ lệ mà trước đây vài năm ngay cả nhà phân phối lẫn giới kinh doanh máy tính đều chưa nghĩ tới...

MÁY CŨ KHÓ NÂNG CẤP

Công nghệ thông tin là ngành có tốc độ phát triển nhanh. Riêng trong lĩnh vực sản xuất phần cứng máy tính cá nhân thì tốc độ phát triển ngày càng vượt trội. Điển hình như bộ nhớ máy tính DDRAM III, chỉ mới được ra mắt trong vòng khoảng 6 tháng trở lại đây nhưng đã chiếm lĩnh một thị phần rất quan trọng trong cơ cấu RAM máy tính và nhanh chóng đẩy lùi DDRAM (DDRAM I) vào quá khứ.

Các dòng laptop của hãng Lenovo sản xuất trong quý III và quý IV năm nay đều sử dụng công nghệ DDRAM III này. Nếu như tự lắp ráp một máy tính để bàn cách đây khoảng 4 năm, sử dụng bo mạch chủ (mainboard) tích hợp khe cắm bộ xử lý (CPU) socket 478, hỗ trợ 2 loại SDRAM và DDRAM thì hiện nay muốn nâng cấp RAM lên cho máy chạy nhanh hơn cũng rất khó, vì 2 loại RAM này hiện nay không còn sản xuất nữa, chỉ rất ít DDRAM tồn kho ở vài cửa hàng nhưng giá lại rất cao so với DDRAM II. Hoặc nếu mainboard bị hỏng thì cũng bỏ luôn CPU vì hiện nay cũng rất khó tìm ra một loại mainboard có hỗ trợ socket 478 để tương thích với CPU. Trong khi đó, một máy tính tự lắp ráp thường có tuổi thọ thấp hơn một máy bộ do sự đồng bộ trong các linh kiện không cao như trong máy bộ. Một đặc điểm nữa là máy tính tự lắp ráp có độ rủi ro cao do các linh kiện kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái - đây chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng, hiệu suất làm việc cũng như độ bền của máy.

Anh Nguyễn Nhật Quang, người có gần 10 năm thâm niên làm nghề mua bán, lắp ráp máy tính cá nhân có cửa hàng tại chợ An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: Hiện có rất nhiều khách hàng muốn anh tìm cho họ mainboard để sử dụng CPU socket 478, hoặc SDRAM, DDRAM I nhưng anh vẫn rất khó tìm, nếu có tìm được thì giá cũng khá cao, do đó không mang lại hiệu quả kinh tế khi nâng cấp máy.

Máy tính tự lắp ráp có cái lợi lớn nhất chính là dễ nâng cấp, dễ thay thế linh kiện khi có hỏng hóc từng linh kiện, bộ phận nhưng với sự thay đổi công nghệ như hiện nay thì khi linh kiện bị hỏng cũng là lúc thị trường không còn bán nữa do đó việc nâng cấp một máy tính tự lắp ráp hiện nay là rất khó khăn, không hiệu quả.

XU HƯỚNG DÙNG MÁY BỘ VÀ LAPTOP

Sự thay đổi rất nhanh của công nghệ sản xuất máy tính cá nhân cùng với giá cả giảm đáng kể cũng như sự tiện lợi trong việc di chuyển, truy cập Internet không dây của nhiều dòng máy tính xách tay đã tạo nên một xu hướng tiêu dùng sang máy bộ và laptop.

Anh Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty Điện tử Tin học Viễn thông TPT, công ty có doanh số bán máy tính cá nhân hàng tháng thuộc nhóm lớn nhất TP Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: Hiện nay, máy laptop bán ra mỗi tháng của công ty chiếm đến 60% trên tổng số lượng máy bán ra, phần còn lại là máy tự lắp ráp và máy bộ, chỉ cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu bắt buộc dùng máy tính để bàn, cần màn hình lớn thì họ mới mua còn đa phần khách hàng cá nhân là mua máy laptop. Trong nhóm khách hàng mua máy tính để bàn thì xu hướng dùng máy bộ cũng ngày càng tăng. Anh dự đoán trong tương lai không xa dòng máy bộ sẽ qua mặt máy tự lắp ráp trong phân khúc thị phần còn lại của máy tính cá nhân. Máy bộ có ưu thế là chất lượng ổn định, ít hỏng hóc, độ bền cao hơn mà giá cả hiện nay cũng không cao hơn máy tự lắp ráp là bao. Các dòng máy bộ cấp thấp sử dụng chíp Atom phù hợp cho việc học hành, làm công việc văn phòng, truy cập Internet chỉ có giá từ hơn 4 triệu đồng một bộ. Trung bình thì một máy bộ tùy loại, nhãn hiệu, cấu hình mà có giá dao động từ hơn 4 triệu đến 9 triệu đồng.

Tiêu thụ mạnh nhất hiện nay trên thị trường là các dòng máy laptop bình dân có giá từ 6 triệu đến 11 triệu không kèm theo bản quyền hệ điều hành (free linux). Các dòng máy laptop mạnh Dual Core, Core 2 Duo trước đây có giá trên 11 triệu thì nay khoảng 8-10 triệu đồng đã có máy loại này. HP là nhãn hiệu chiếm ưu thế trên thị trường laptop bình dân, kế đến là các nhãn hiệu Acer, Lenovo, Dell, Toshiba, Asus và các hãng khác. Dòng máy bình dân của hãng Lenovo cũng có lợi thế cạnh tranh là giá rẻ và sử dụng DDRAM III, do đó sau này dễ dàng nâng cấp hơn.

Anh Trần Kiêm Duy Khang, nhân viên phụ trách kinh doanh máy tính cá nhân nhãn hiệu HP thuộc Công ty phân phối FPT Mekong có trụ sở tại 69 Hùng Vương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: Mỗi năm doanh số bán máy tính HP của công ty trên địa bàn Cần Thơ khoảng 3,5 triệu USD, trong đó các dòng máy laptop chiếm hơn 60%. Dòng máy này cũng chiếm doanh số cao nhất trong các dòng máy laptop mà công ty phân phối ra thị trường.

Theo anh Nguyễn Nhật Quang, nếu cách đây vài năm mỗi tháng anh lắp ráp cho khách hàng khoảng 10 máy tính để bàn thì nay nhu cầu đó lại đảo ngược hoàn toàn, hiện nay mỗi tháng anh bán được khoảng hơn 10 laptop và chỉ lắp ráp khoảng vài bộ để bàn. Anh cho biết thêm, máy laptop ngoài việc dễ di chuyển, phù hợp với công việc mọi lúc, mọi nơi, truy cập Internet wifi thì giá laptop trong năm qua đã giảm giá đáng kể, tương đương khoảng 30% so với dòng máy cùng nhãn hiệu, cấu hình đó là chưa tính giá USD “chợ đen” đã tăng cao trong năm nay, chạm ngưỡng 19.750 VND/USD trong tuần cuối tháng 11-2009. Nếu tính giá USD trung bình khoảng 17.800 VND/USD như trong năm 2008 vừa qua thì giá máy tính xách tay năm nay đã giảm gần 40% so với năm ngoái.

TRẦN ĐĂNG

Khách hàng chọn mua laptop tại Trung tâm Điện tử Tin học Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: V. TUẤN

Chia sẻ bài viết