12/11/2015 - 10:13

Máy bay thương mại Nhật cất cánh lần đầu sau 50 năm

Chiếc máy bay thương mại đầu tiên của Nhật Bản trong nửa thế kỷ qua đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào hôm qua 11-11. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá quan trọng đối với tham vọng lâu nay của đất nước Mặt trời mọc về việc thiết lập ngành công nghiệp máy bay có thể cạnh tranh với những đối thủ lớn trong ngành hàng không toàn cầu.

Truyền thông quốc tế đưa tin máy bay Mitsubishi Regional Jet (MRJ) đã thực hiện chuyến bay khứ hồi một giờ đồng hồ từ sân bay của thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) để kiểm tra khả năng Tập đoàn Máy bay Mitsubishi (Mitsubishi Aircraft Corp.) đưa máy bay 100 chỗ ngồi vào dịch vụ sau 3 năm trì hoãn. Đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi – từng chế tạo chiến đấu cơ Two-era Zero trong Thế chiến thứ hai – hy vọng chiếc máy bay trị giá 47 triệu USD sẽ giúp họ soán ngôi Bombardier của Canada, trở thành "nhà sản xuất máy bay chở khách cỡ nhỏ" lớn thứ hai thế giới sau Embraer SA của Brazil.

Máy bay MRJ thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 11-11. Ảnh: AFP

Mitsubishi cho biết MRJ tiêu hao nhiên liệu ít hơn 20% so với máy bay có kích cỡ tương tự nhờ vào các động cơ thế hệ mới của Pratt & Whitney, một công ty con của United Technologies Corp - tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Những chiếc máy bay MRJ đầu tiên dự kiến ​​sẽ được chuyển giao cho hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản, ANA Holdings, vào tháng 6-2017. Cho đến nay, Mitsubishi đã nhận được 223 đơn đặt hàng MRJ, mới nhất là đề nghị cung cấp 32 máy bay từ hãng hàng không Japan Airlines hồi tháng Giêng. Đơn hàng lớn nhất mà họ nhận được thuộc về nhà điều hành hàng không khu vực Trans State Holdings của Mỹ với tổng cộng 100 máy bay.

Có thể nói, MRJ là máy bay chở khách thương mại đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi chiếc YS-11 64 chỗ ngồi được đưa vào phục vụ 50 năm trước, khi nước này nỗ lực thành lập một hãng sản xuất máy bay thương mại nhưng không thành công. Việc chế tạo YS-11, với sự tham gia của một tổ hợp công nghiệp (bao gồm Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi), đã chấm dứt sau khi hoàn thành 182 máy bay. Tuy nhiên, chương trình này đã giúp Mitsubishi và các công ty khác tạo dựng mối quan hệ với Boeing và trở thành những nhà cung cấp lớn cũng như đối tác quan trọng của các hãng sản xuất máy bay Mỹ, giúp họ hồi sinh ngành công nghiệp hàng không vũ trụ vốn đã bị xóa bỏ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hiện các công ty Nhật Bản chế tạo 35% cấu trúc của dòng máy bay Boeing 787 sử dụng carbon-composite siêu bền và nhẹ, bao gồm bộ phận phức tạp nhất là cánh máy bay.

Được biết, hãng sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản Toyota và công ty thương mại lớn nhất xứ Mặt trời mọc Mitsubishi đều sở hữu 10% cổ phần trong liên doanh MRJ. Mục tiêu của MRJ là bán hơn 2.000 chiếc trong phân khúc thị trường máy bay thương mại cỡ nhỏ.

THANH TRÚC
(Theo Reuters, AFP và NY Times)

THANH TRÚC (Theo Reuters, AFP và NY Times)

Chia sẻ bài viết