22/02/2010 - 09:41

Mâu thuẫn giáo phái đe dọa cuộc bầu cử ở Iraq

Một cảnh sát đi ngang qua áp-phích tranh cử của Thủ tướng al-Maliki bị kéo rơi xuống đất ở Thủ đô Baghdad. Ảnh: AP

Ngày 20-2, nghị sĩ hàng đầu của người Sunni, ông Saleh al-Mutlaq, đã tuyên bố rút toàn bộ ứng viên của Mặt trận Đối thoại Quốc gia do ông lãnh đạo ra khỏi cuộc đua vào Quốc hội Iraq đầu tháng tới. Quyết định tẩy chay của ông al-Mutlaq xuất phát từ việc Ủy ban Bầu cử, do người Shiite điều hành, loại ông cùng hơn 400 ứng viên khác (hầu hết là người Sunni) với lý do có quan hệ với đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein. Ông al-Mutlaq cho biết đã rời khỏi đảng Baath từ những năm 1970 và việc loại bỏ ông cùng các ứng viên người Sunni khác là do có sự can thiệp từ Iran, nơi người Shiite chiếm tới gần 90% dân số. “Hiện nay chúng tôi muốn tham gia cuộc bầu cử và chúng tôi muốn là một phần trong tiến trình chính trị, nhưng Iran ngăn cản chúng tôi làm điều đó”, một trợ lý của ông al-Mutlaq tuyên bố. Như để tăng thêm sức thuyết phục cho quyết định của mình, ông al-Mutlaq nhắc lại việc hai quan chức cao cấp nhất của Mỹ tại Iraq là Đại sứ Christopher Hill và Tư lệnh quân đội Ray Odierno gần đây đã chỉ trích Tehran can thiệp vào công việc nội bộ của Baghdad. Tướng Odierno thậm chí còn khẳng định có bằng chứng cho thấy hai nhân vật chủ chốt của tiểu ban xem xét tư cách ứng viên, ông Ali al-Lami và Ahmed Chalabi (đều là người Shiite), có quan hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Xung quanh việc Ủy ban Bầu cử loại các ứng viên cũng làm nảy sinh vấn đề xung đột lợi ích, bởi cả hai ông al-Lami và Chalabi đều sẽ tham gia tranh cử.

Những mập mờ này đã gây khó chịu cho Mỹ, vốn hy vọng một cuộc bầu cử công bằng và tự do sẽ mở đường cho họ rút các lực lượng chiến đấu vào mùa hè này và rút hết binh sĩ khỏi xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” vào cuối năm 2011.

Mặt trận Đối thoại Quốc gia là đảng lớn thứ hai của người Sunni trong quốc hội sắp mãn nhiệm, với 11 ghế trên tổng số 275 ghế (cơ quan lập pháp khóa tới sẽ được mở rộng lên 325 ghế). Việc tẩy chay của đảng này chắc chắn sẽ làm giảm uy tín của cuộc bầu cử. Nó cũng có thể dẫn tới những cuộc xung đột giáo phái mới, mà điều đó sẽ hết sức nguy hiểm trong bối cảnh Mỹ không còn khả năng làm “vùng đệm” giữa người Shiite chiếm đa số và người Sunni, tuy là thiểu số nhưng từng một thời lãnh đạo Iraq. Còn nhớ việc tẩy chay cuộc bầu cử hồi tháng 1-2005 của người Sunni đã dẫn tới các vụ bạo lực giáo phái đẫm máu trong các năm 2006 và 2007.

Ngay sau khi Mặt trận Đối thoại Quốc gia tuyên bố tẩy chay bầu cử, một chính đảng khác là Hội đồng Quốc gia vì các bộ lạc Iraq, gồm cả thành viên người Sunni lẫn Shiite, cũng tuyên bố sẽ rút khỏi cuộc bầu cử.

Liên quan tới cuộc bầu cử Quốc hội Iraq ngày 7-3 tới, chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki cuối tuần rồi đã quyết định trừng phạt nghiêm khắc những người cố tình phá hoại. Theo đó, những ai xé rách, kéo rơi xuống đất hoặc bôi bẩn áp-phích tranh cử của các ứng viên có thể bị phạt tù tới một năm. Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử hôm 12-2 đến nay đã có nhiều áp-phích bị phá hủy, trong đó chủ yếu là của các ứng viên người Shiite mà đặc biệt là ông al-Maliki. Do vậy mà nhiều người Sunni và không ít nhà quan sát cho rằng quyết định trên chủ yếu nhằm bảo vệ các áp-phích tranh cử của ngài thủ tướng. Dĩ nhiên là phe ông al-Maliki lập tức lên tiếng bác bỏ suy đoán này.

LÊ DÂN (Theo AP, AFP)

Một cảnh sát đi ngang qua áp-phích tranh cử của Thủ tướng al-Maliki bị kéo rơi xuống đất ở Thủ đô Baghdad. &#

Chia sẻ bài viết