Tây Nam Bộ là vùng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sớm nhất của cả nước, ngay từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực năm 1988. Vốn FDI đầu tiên hiện diện ở Cần Thơ là loạt các dự án thuộc liên doanh Mê-Kô trong các lĩnh vực sản xuất chế biến nấm rơm, lông vũ, thuộc da và may mặc. Tổng vốn đầu tư FDI của vùng này thời điểm đó khoảng 7,8 triệu USD bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Thái Lan tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1.
Từ trong quá khứ…
Ở giai đoạn đầu, Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế của vùng nông nghiệp, thủy sản lớn. Các dự án đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và đóng góp ngân sách. Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI còn thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước và các nhà cung ứng, nông dân cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.
Tuy nhiên, những giai đoạn tiếp theo, trong khi một số tỉnh miền Đông Nam Bộ nhanh chóng "chuyển mình" thu hút đầu tư, thì Tây Nam Bộ vẫn còn "ì ạch" do những trở ngại cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nhân lực kém, chính sách thu hút đầu tư rập khuôn, thiếu liên kết chặt chẽ. Trong khi phần lớn các dự án FDI tập trung vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp như chế biến nông sản, may mặc, hàng tiêu dùng. Vùng này chưa thu hút được các dự án quy mô lớn trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, và nghiên cứu phát triển (R&D).
Vì vậy, từ "điểm sáng" ở thời kỳ đầu, Tây Nam Bộ đã trở thành "vùng trũng" trong bản đồ thu hút FDI cả nước. Lũy kế đến cuối tháng 4-2024, toàn vùng có 2019 dự án, chiếm 5,04% tổng số dự án FDI với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực là 36.171,87 triệu USD, chiếm 7,55% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước còn hiệu lực. Tây Nam Bộ xếp thứ 4/6 vùng kinh tế cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. So với Đông Nam Bộ liền kề, thì Tây Nam Bộ chỉ bằng 9,94% số dự án và 19,5% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực.
Mảng sáng, kỳ vọng và yêu cầu mới đặt ra
Nhìn dòng vốn FDI vùng ĐBSCL 10 năm qua (2014-2024) cho thấy, những năm gần đây, thu hút FDI của vùng đã có những khởi sắc đáng kể nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng trong vùng từ kết quả tập trung đầu tư dồn sức phát triển 3 khâu đột phá: giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tăng cường đầu tư cho TP Cần Thơ - trung tâm vùng, Phú Quốc - Kiên Giang, một số địa phương thu hút đầu tư nước ngoài khá tốt.
Vùng này cũng đã thu hút được các dự án lớn với mức vốn hàng tỉ USD, có sức lan tỏa nhằm tạo động lực bứt phá, tạo hướng đi mới. Nổi lên là tỉnh Long An, hiện xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước với 1.424 dự án FDI còn hiệu lực, chiếm 70,5% và hơn 13.875 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 70,5% tổng vốn FDI vùng Tây Nam Bộ. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Long An cũng là tỉnh xếp thứ 11 cả nước và dẫn đầu vùng về thu hút FDI với 36/41 dự án, chiếm 87,8% và gần 295 triệu USD, chiếm 86,9% tổng vốn FDI toàn vùng.
Cùng với Long An, các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và TP Cần Thơ là "TOP 6" địa phương thu hút FDI trên 2 tỉ USD. Đáng ghi nhận là các tỉnh khó khăn trong thu hút FDI đã vươn lên thành điểm sáng trong vùng. Đó là Bạc Liêu thu hút hơn 4,692 tỉ USD, Trà Vinh hơn 3,199 tỉ USD và Bến Tre với hơn 1,599 tỉ USD. Các địa phương này đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn và kịp thời chăm lo cho doanh nghiệp.
ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội vượt qua thách thức, tạo bứt phá thu hút đầu tư nước ngoài. Yêu cầu quan trọng để tăng cường thu hút FDI cho vùng trong giai đoạn mới chính là Chiến lược thu hút đầu tư, quy hoạch - phân vai và liên kết vùng. Cần xây dựng và hoàn thiện một Chiến lược thu hút FDI cho vùng. Những lĩnh vực cần tập trung kêu gọi vốn FDI theo hướng ưu tiên là các dự án công nghệ cao, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp - nông thôn,… nhưng cần thay đổi về cách thức và cách làm để vượt qua khó khăn.
ĐBSCL hiện nay được biết đến không chỉ là "vựa lúa, trái cây, thủy sản" mà còn đang hướng đến một hình mẫu trong chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị với các ngành công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo. Việc thu hút FDI vào vùng cũng cần sự chuyển hướng chiến lược, có sự chọn lọc phù hợp. Bức tranh giao thông mới của vùng đang mở ra không gian phát triển mới. Những thế mạnh mới này cần được kết nối, khai thác, dùng chung, chứ không riêng gì một địa phương nào.
Để thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn thì các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần thiết phải tăng cường liên kết vùng trong thu hút đầu tư FDI phải có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài thật sự hấp dẫn thu hút đầu tư. Liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI vào vùng ĐBSCL. Tính quyết định của sự liên kết này nằm ở sự liên kết thực tế dựa trên "3 kết nối" hạ tầng, kết nối doanh nghiệp và thể chế - chính sách.
Với những thế mạnh sẵn có và tiềm năng to lớn, cộng với những tiến bộ trong việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và có sự liên kết tốt hơn giữa các địa phương với nhau, cùng với chiến lược thu hút đầu tư căn cơ, bài bản, có tư duy và cách làm mới, sự quan tâm đầu tư của Trung ương sẽ tạo ra không gian mới và nguồn lực mới thu hút đầu tư FDI có chất lượng vào vùng Tây Nam Bộ thời gian tới, nguồn vốn FDI đổ vào vùng này sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới.
Trần Hữu Hiệp