09/02/2019 - 15:43

Mầm Xuân 

“Mấy con chú ý những nét nhấn nhá, luyến láy, cho bài ca có hồn thêm nữa”. Dứt lời, nghệ nhân Hai Lợi rao đờn rồi mô nhịp “Cắc… cắc…” dứt khoát. Nhóm thiếu nhi với nét biểu cảm tươi vui, bừng sáng cùng hòa giọng: “Góc trời Xuân, nắng dịu dàng lâng lâng. Nắng mới đùa giỡn hoa hồng. Xinh cánh bướm nghiêng vòng. Mừng mùa Xuân có Bác. Từng đàn chim oanh, chim yến. Cùng Cha già dệt mãi mùa Xuân…”.

Ấy là những lời ca thể điệu Liên Nam bài “Bác và mùa Xuân” của tác giả Võ Hiếu Hòa từng được nhóm ca đồng ấu này “làm mưa làm gió” ở nhiều cuộc thi của Cần Thơ và khu vực Nam bộ. Để ca hơi Nam, nhất là Nam Xuân và Nam Đảo, không hề dễ, nhất là với làn hơi chưa hoàn thiện ở lứa tuổi các em. Vậy nhưng Thanh Trúc, Vân Anh và Mỹ Chi đã làm nao lòng người mộ điệu với giọng ca trong trẻo, đậm chất tài tử nhưng rất hồn nhiên, dễ thương, chuyển tải được tấm lòng yêu kính Bác Hồ của thiếu nhi.

Truyền nghề.

Truyền nghề.

Trăm năm tồn tại và cất cung thương cung nhớ trên mảnh đất phương Nam, đờn ca tài tử vẫn như dòng phù sa ân tình len lỏi trong đời sống tinh thần của người dân. Vậy rồi đời nối đời, người nối người, cha truyền con nối, ai một lần “lên Cống, xuống Xề” đều phải thương đứt ruột. Ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, chuyện truyền nghề đờn ca tài tử mấy năm qua tự nhiên tựa hồ “sông muôn đời vẫn chảy” như vậy. Và đã có hàng chục em nhỏ, tuổi từ 8-17, yêu thích và am hiểu rành rẽ về loại hình âm nhạc này. Nhiều cái tên tạo được dấu ấn như Thanh Trúc, Vân Anh, Mỹ Chi, Minh Anh, Kim Cương…

Sẽ rất dài nếu kể thành tích của các em, chỉ đơn cử như tại cuộc thi đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi “Tuổi hồng ước mơ xanh” do tỉnh Sóc Trăng tổ chức, có đến 3 em trong nhóm đạt giải; Liên hoan giọng ca “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” do thành phố Cần Thơ tổ chức vừa qua, có 2 em đạt giải cùng với giải phụ là thí sinh nhỏ tuổi nhất… Ngoài ra tại Liên hoan Đờn ca tài tử thành phố và quận, huyện, các em cũng thể hiện là thế hệ kế thừa đáng tin cậy.

Nghệ nhân Hai Lợi (bìa trái) cùng ban đờn đờn cho một em nhỏ ca tài tử ở cầu đi bộ.

Nghệ nhân Hai Lợi (bìa trái) cùng ban đờn đờn cho một em nhỏ ca tài tử ở cầu đi bộ.

Người ươm mầm cho những mầm Xuân tài tử ấy chính là lão nghệ nhân đờn tranh Hai Lợi (Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thới Lai). Ông Hai Lợi đã “đãi cát tìm vàng” ở các cuộc thi, liên hoan rồi cố công đào tạo từ những chuyện căn bản như giữ nhịp, xướng âm lòng bản đến ca bản nhỏ rồi thử sức bản lớn… “Không thể dễ dãi, qua loa, cũng không thể “mì ăn liền” mà đi hát được, nhất là tụi nhỏ”- ông Hai khẳng khái như vậy và kể thêm rằng, cái đầu tiên ông truyền đến các em là tình yêu dành cho đờn ca tài tử. Với ông, có tình yêu, có đam mê thì mới theo đuổi được. Để rồi mỗi cuối tuần dưới tán bàng xanh, tiếng đờn tranh ngân lên trầm bổng trải đời, tiếng ca đồng ấu như chim hót tinh khôi. Đờn ca tài tử ở Cần Thơ được trao truyền thế đó.

* * *

Những mầm Xuân tài tử này cho thấy một tương lai xán lạn của đờn ca tài tử ở Cần Thơ. Đó cũng là quả ngọt, mùa lúa trĩu bông dành cho những nỗ lực truyền nghề. Em Lê Thị Mỹ Chi, 16 tuổi, học sinh Trường THPT Thới Lai, kể rằng, em mê đờn ca tài tử từ khi tham gia chương trình “Sân khấu học đường” (do Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức) hồi cách đây 4 năm. Lúc ấy, Mỹ Chi chẳng biết gì về đờn ca tài tử, được chọn vào để đóng vai “chạy bận”. Thế rồi tình yêu đờn ca tài tử lớn dần theo em từ đó, em tìm ông Hai để học ca, học nhịp. Rảnh giờ học là em dành hết cho chuyện tập luyện bài ca. Bây giờ Mỹ Chi đã có thể ca được nhiều bài bản, điệu thức. “Không biết lớn nữa thì em thế nào chứ bây giờ vắng ca là em thấy buồn, thấy nhớ. Đờn ca tài tử của mình hay lắm, thương lắm”- Mỹ Chi hồn hậu.

Vân Anh, Thanh Trúc và Mỹ Chi ca Liên Nam bài “Bác và mùa Xuân”.

Vân Anh, Thanh Trúc và Mỹ Chi ca Liên Nam bài “Bác và mùa Xuân”.

Lê Thị Thanh Trúc, 17 tuổi, nhà ở Định Môn, Thới Lai, thì lại khác, em sinh ra trong một gia đình 4 đời trao truyền đờn ca tài tử. Nhà của ông Tám Hưng - ông ngoại Trúc là điểm sinh hoạt đờn ca tài tử của xóm từ bấy lâu nay. Một chiều của ngày chớm Xuân, chỉnh lại dây đờn ghi-ta phím lõm, đưa mắt nhìn xa xăm về cánh đồng lúa vàng mơ ngày gặt, ông Tám Hưng trỗi khúc Nam Xuân, bà cháu Thanh Trúc hòa giọng nhịp nhàng. Ông Tám Hưng nói rằng, dòng họ Lương của ông có hơn 30 người thì một phần ba đã biết đờn ca. Vợ chồng ông nên duyên nên nợ cùng nhờ tài tử. Vậy nên bé Trúc yêu thích và ca hay, ông bà mừng lắm. Mỗi khi Thanh Trúc “lai kinh ứng thí”, người o lại chữ đờn, cách vô bài ca; người chỉ cách luyến hơi, chẻ nhịp; người lo quần áo, phục trang… Một “hậu phương” vững chắc như vậy đã giúp Thanh Trúc tự tin theo đuổi niềm yêu thích của mình.

Nghe chuyện Trúc kể, Mai Dương Minh Anh, 14 tuổi, ở Đông Hiệp, Cờ Đỏ, tiếp lời: “Nhà em cũng giống nhà chị Trúc vậy đó!”. Minh Anh say sưa rằng, cha em rất mê đờn ca, bác Tư và bác Sáu của em đờn tài tử giỏi, bác Ba thì ca hay “số 1”… Có lẽ vậy nên khi phát hiện Minh Anh có tố chất tài tử, cả nhà ai cũng ủng hộ. Mỗi dịp gia đình tụ họp, Minh Anh luôn là “nhân vật chính”, tiếng đờn lời ca cứ tuôn chảy thiết tha, gắn kết bao thế hệ trong một đại gia đình tài tử miệt vườn.

* * *

Ngẫm chuyện của những mầm Xuân tài tử đất Thới Lai, mới hay rằng, những hạt giống tài tử ở Cần Thơ không thiếu. Nhưng để hạt giống được nảy mầm Xuân, còn là ở sự quan tâm, dìu dắt và truyền nghề của gia đình, của những người tâm huyết với dòng nhạc cổ truyền Nam bộ. Điều đó rất cần, nhất là trong bối cảnh năm 2020, Cần Thơ sẽ là địa phương đăng cai Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết