07/01/2009 - 09:34

Mai này, khi không còn Phà Rạch Miễu

Trước đây, mỗi khi về thăm Bến Tre, chuyện đò giang cách trở luôn làm chùn lòng khách thập phương. Còn bây giờ - khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đang dần nên vóc, nên hình - sự ngần ngại ấy, đang dần nhỏ lại. Nhưng, những người đã bao năm nay mưu sinh nhờ phà Rạch Miễu vẫn đang canh cánh trong lòng bao nỗi lo toan…

* “Sứ mạng” một bến phà

Phà Rạch Miễu có tự bao giờ? Trả lời cho câu hỏi này lâu nay cũng có rất nhiều tranh cãi, nhưng kết cục chẳng đến đâu. Ngay trong “Địa chí Bến Tre” - một công trình khoa học của nhiều nhà nghiên cứu, biên khảo tầm cỡ vẫn còn bỏ lửng, chỉ viết:

“Khi Pháp chiếm Bến Tre (1867), đã gặp sự chống đối của nhân dân khá mạnh mẽ, vì vậy chúng phải tập trung lực lượng đối phó lại phong trào nổi dậy mất cả mấy chục năm trời. Mặc dù chúng rất muốn có một số đường bộ, để triển khai lực lượng cơ giới quân sự, ứng phó với tình hình, nhưng không đủ điều kiện thực hiện.

Năm 1880 – 13 năm sau khi thiết lập xong bộ máy cai trị, bản phúc trình về việc xây dựng một số trục giao thông đường bộ trong tỉnh ( của kỹ sư Thévénet) mới được duyệt. Trong đó có đường liên tỉnh, nối liền Mỹ Tho với Trà Vinh, qua thị xã Bến Tre và thị trấn Mỏ Cày. Con đường nầy qua 3 phà: Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên...”.

Trở lại các xã ven sông Tiền như: Phú Đức, An Khánh, Tân Thạch... (Châu Thành – Bến Tre ) và Tân Long, Bình Đức (Tiền Giang ), chúng tôi đã tìm các bô lão, mong tìm một ít thông tin, nhưng chừng như đều... thất bại!

 Hình ảnh này ở bến phà Rạch Miễu chỉ còn là ký ức khi cầu Rạch Miễu được khánh thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: HỒNG MINH.

Cụ Nguyễn Minh Quang, 92 tuổi, ngụ tại An Khánh, kể: “Hồi nhỏ, cỡ 13 – 14 tuổi học ở Trường Trung học Colègge Mỹ Tho, tôi đã đi phà, nhưng hồi đó phà thô sơ và nhỏ hơn bây giờ...”. Ngay cả bác Tư Sâm (tức nhà văn Trang Thế Hy, năm nay đã qua độ tuổi bát tuần ) – nhiều người vẫn đùa là “nhà miền Nam học”, cũng lắc đầu: “Chà cái vụ phà thì qua (tôi ) chịu. Hồi nhỏ, qua đã thấy và qua lại bến phà nầy hà rầm (liên tục) rồi...”.

Lai lịch về một bến phà, có thể tạm chấp nhận là “có từ lâu lắm”. Nhưng phà Rạch Miễu sẽ có tuổi hẳn hoi - đó là việc của các nhà nghiên cứu, sử học.

Nhớ lại những ngày quê hương vừa giải phóng, cả hai đầu bến phà trông nhếch nhác và chật chội hơn bây giờ. Hai bên là hàng quán san sát, đường vào phà chỉ vừa đủ cho chiếc xe khách và xe lam chạy tránh nhau. Mỗi lần muốn qua phà, phải mất ít nhất 2 giờ: 1 giờ để chờ phà trong nhà chờ oi bức; 1 giờ phải ngồi “chịu trận” trên những chiếc phà chạy rất... khoan thai.

Lớn lên, như là duyên phận, tôi theo nghề báo, phải thường xuyên sống và tác nghiệp xa quê. Lâu lâu về thăm nhà, lại phải qua phà. Mỗi lần qua lại – do thói quen nghề nghiệp – là mỗi lần quan sát, bắt gặp những đổi thay. Và, đổi thay dễ thấy nhất là từ năm 2000 trở lại đây.

Khẩu hiệu “Tăng tốc để phát triển” trong phong trào “Đồng Khởi mới” do Tỉnh ủy Bến Tre phát động khi bước vào thiên niên kỷ mới, có lẽ đã thấm vào từng làn da, thớ thịt của công nhân trên bến phà này. Từ đó, Phà Rạch Miễu ngày càng “thay da đổi thịt”.

Năm 2000, Phà Rạch Miễu rút ngắn thời gian vượt sông từ 60 phút xuống còn 40 phút. Năm 2002, phà lại tăng tốc và tăng chuyến, hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Thời gian vượt sông của phà 100 tấn chỉ còn 18 phút; phà Việt Đan 16 phút, phà nhỏ không vượt quá 15 phút...

Tôi nhớ mãi lời trần tình của kỹ sư Lê Văn Liêu, Trưởng Phòng Kỹ thuật – nay là Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà Bến Tre – người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị để rút ngắn thời gian vượt sông trong nhiều năm liền: “Trên mỗi chuyến phà, nếu chạy nhanh hơn được vài phút, hàng năm cũng có thể làm lợi cho xã hội hàng triệu ngày công lao động...” . Vâng, tiết kiệm hàng triệu ngày công là con số có thể thống kê – là hữu hình, nhưng sự cống hiến vô hình, lặng lẽ của cán bộ, công nhân Phà Rạch Miễu là những nghĩa cử cao cả với quê hương – để làm sao giảm thiểu tối đa những thiệt thòi cho “đất cù lao”, gầy dựng và vun đắp những ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè mỗi lần đến Bến Tre.

Ở bến phà được xem là cửa ngõ về Bến Tre như Rạch Miễu, hằng năm phải vận chuyển 12,5 triệu lượt hành khách – gần gấp 10 lần dân số cả tỉnh và hơn 823.000 lượt phương tiện vượt sông, quả là không đơn giản. Ngoài việc phấn đấu hết mình để làm tròn nhiệm vụ, điều đáng quý là tấm lòng của 260 con người làm việc trên bến phà, tất cả chỉ vì sự phát triển chung của một xứ sở cù lao, bị cách biệt giữa bốn bề sông nước.

Từ năm 2002, các phương tiện cấp cứu đã được miễn phí khi qua phà Rạch Miễu; đồng thời, được huy động phà tốc hành vượt sông, nhằm giảm bớt nguy kịch cho bệnh nhân khi chuyển viện. Ngoài ra, Phà Rạch Miễu còn thực hiện chính sách miễn phí cho học sinh, giảm phí đối với cán bộ - viên chức có nhu cầu qua lại phà thường xuyên. Cuối năm 2003, phà không thu phí khách bộ hành, cước phí được tính vào phương tiện, phục vụ nước uống miễn phí trong các nhà chờ... Những việc làm tuy nhỏ, nhưng giải quyết được nạn ùn tắc giữa hai đầu bến, do mua vé quá nhiều; góp phần cùng Nhà nước thực hiện những chính sách xã hội; xây dựng bến phà văn minh, trật tự.

Mỗi ngày, cường độ lao động ở phà Rạch Miễu càng tăng, khiến những người công nhân như quên rằng họ sắp làm tròn trọng trách với quê hương, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của một bến phà đã tồn tại hàng trăm năm nay. Vô tư hay bởi 260 con người làm việc ở đây luôn bị công việc lôi cuốn hết ngày lại đến đêm, hết mưa đến nắng... Đó là chuỗi ngày họ lặng lẽ làm việc mà không hề toan tính, so đo...

* Mai này... họ sẽ về đâu ?

“Mai này khi phà thôi chạy, anh sẽ làm gì ?” – chúng tôi hỏi các bác tài ở bến xe ôm phía Mỹ Tho. Anh Nguyễn Văn Nhí (Bình Đức – Tiền Giang ) – người có 10 năm với nghề, đang nằm dài trên xe chờ khách, không ngần ngại trả lời: “Bến phà này dẹp cũng căng lắm, nhưng tụi tui chắc phải tìm bến khác để kiếm cơm thôi, anh ạ”. Nói xong, anh cười vô tư lự.

Bên kia đường, chị Lê Thị Tho (ngụ ở phường 4 – TP Mỹ Tho – Tiền Giang), tay bồng đứa con chừng 3 tuổi, tay bưng sề bánh mì đang chào mời khách vãng lai. Cũng câu hỏi ấy, nhưng chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhìn đôi mắt của chị đột ngột đỏ hoe. Rồi bao nỗi khổ trong lòng chị tuôn ra theo nước mắt. Nhà chị có 3 đứa con, đứa lớn chỉ mới học lớp 5, đứa kế lớp 1 và đứa con nhỏ còn ẵm trên tay. Không vườn đất, không nhà cửa, phải đi ở đậu. Mấy tháng trước, chồng chị sau mỗi chuyến đi biển về, tuy tiền ăn chia với chủ tàu độ 1,5 – 2 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ cho 3 mẹ con trang trải trong tháng. Rồi anh đột ngột qua đời trong một cơn bạo bệnh. Lo ma chay cho chồng, lại không có nguồn thu nhập, chị vướng nợ nần, phải ra đây... bán bánh mì, tìm kế sinh nhai.

Chúng tôi theo chị Tho về nhà - khu nhà trọ bình dân thuộc khu vực phường 4, TP Mỹ Tho. Qua chị, chúng tôi được biết cả xóm đều nghèo, mỗi người mỗi nghề, hàng ngày phải chạy vạy mưu sinh ở bến phà Rạch Miễu. Bà Nguyễn Thị A, người cùng xóm với chị Tho, cho biết: “Với xề nước khoáng trên tay, hàng ngày tui cũng kiếm được vài chục ngàn, dành dụm đủ trả tiền nhà và tiền gạo thóc cho 2 con đi học...”.

Tin Phà Rạch Miễu sắp dừng hoạt động đang là chuyện thời sự ở xóm này. Nó như luôn hâm nóng nỗi lo âu của hàng trăm con người ở một khu nhà trọ. Ngoài chuyện nghèo, còn biết bao thứ kèm theo như: thiếu vốn, thiếu đất đai, con đông, thu nhập bấp bênh, nợ nần đeo đẳng... Điều đáng quý là nhiều người dân trong xóm này sống hiền hòa, lương thiện, vươn lên trong nghèo khó. Ông Tư Tăng, Trưởng khóm 2, cho biết: “Xóm này có khoảng 40 hộ làm đủ thứ nghề ở bến phà. Đa số đều nghèo nhưng an ninh, trật tự rất tốt, không có tệ nạn, cờ bạc, trộm cắp, cãi vã... Cá biệt có bà Hai Hưởn, buôn bán ở bến phà hơn 40 năm, chồng chết sớm, nhưng nuôi cả 3 đứa con vào đại học...”.

Trở lại UBND xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), một cán bộ phụ trách thống kê đưa ra số liệu: “Cả xã có gần 200 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, ước tính cỡ khoảng 1.250 người sống nhờ Phà Rạch Miễu. Hiện tại, xã đang lúng túng vì chưa biết phải chuyển đổi nghề cho họ thế nào khi Phà hết hoạt động...”.

Bà Nguyễn Thị Ngoạn, chủ sạp bán bánh, kẹo dừa trước cửa phà, than vãn: “Tui thuê sạp bán ở đây gần 20 chục năm rồi, tuy chẳng dư dả gì, nhưng cũng tạm đủ sống qua ngày. Mai mốt cầu Rạch Miễu thông xe, phà nghỉ chạy, chẳng biết dời sạp đi đâu để bán. Cầu thông thương, ai mà dừng dọc đường mua sắm. Vả lại, để có chỗ cất quán đàng hoàng ở mặt tiền, rớ vô là bạc triệu. Tiền đâu lo xiết...”.

Khi Phà ngừng hoạt động, 260 cán bộ - nhân viên ở bến phà về đâu? Kỹ sư Lê Văn Liêu, Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà Bến Tre, cho biết: “Trong số 260 cán bộ-nhân viên ở Phà Rạch Miễu, khi cầu hoạt động sẽ có hơn phân nửa được điều động sang các bến phà khác, số còn lại đơn vị sẽ giải quyết chế độ, chính sách theo luật hiện hành. Còn phà vẫn tồn tại và duy trì hoạt động như một phương tiện dự phòng...”.

***

Cầu Rạch Miễu thông xe, lớp bụi thời gian sẽ nhanh chóng biến Phà Rạch Miễu thành ký ức trong tâm khảm của 1,3 triệu dân Bến Tre và hàng triệu người khác đã từng qua lại bến phà này. Ngày khánh thành cầu, cả đất đảo chắc chắn sẽ vui và tưng bừng như một ngày hội lớn. Mạch máu giao thông đầy nghĩa tình của đất nước sẽ nối liền với Bến Tre – mảnh đất anh hùng không còn đò giang cách trở. Đó sẽ là sự kiện trọng đại nhất trong tất cả những sự kiện trọng đại của Bến Tre sau 33 năm giải phóng- thậm chí trong lịch sử hàng trăm năm đi khẩn đất, khai hoang.

Bất giác, tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến hàng ngàn người từ nhiều đời đã sống và mưu sinh bên hai bến Phà Rạch Miễu, cũng như hơn 100 con người từng dãi nắng, dầm mưa và đen thủi vì nắng gió ở bến phà. Chắc họ sẽ vất vả lắm để tìm kế mưu sinh mới, bởi lẽ có cuộc lột xác nào mà chẳng có đớn đau. Mong sao họ sẽ được chính quyền và cộng đồng quan tâm giúp đỡ để sớm vượt qua khó khăn khi Phà Rạch Miễu không còn hoạt động...

TRƯỜNG AN

Chia sẻ bài viết