12/02/2023 - 12:57

Lực nắm bàn tay - thước đo quan trọng của sức khỏe tổng thể 

AN NHIÊN (Theo SCMP)

Khi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ thường xem xét các dấu hiệu sinh tồn quan trọng của bệnh nhân (như nhịp tim, huyết áp, hô hấp, mức ôxy và thân nhiệt), cũng như đo chiều cao, cân nặng và chỉ số khối cơ thể. Song các nghiên cứu gần đây cho thấy lực nắm của bàn tay cũng là một thước đo sức khỏe quan trọng cần quan tâm.

Sử dụng lực kế bóp tay để đo lực nắm bàn tay.

Mối liên hệ giữa lực nắm bàn tay và sức khỏe

Xét ở cấp độ cơ sinh học, lực nắm bàn tay được tạo ra bởi các cơ của cẳng tay. Lực này giúp đánh giá mức độ nắm chặt và độ ổn định của tay khi cầm nắm và nhấc vật nặng. Nó quan trọng bởi chúng ta thường dựa vào lực nắm bàn tay trong các sinh hoạt hằng ngày, từ mang vác vật dụng, mở nắp chai cho đến nhấc một cái chảo nặng ra khỏi bếp.

Trong y học, lực nắm bàn tay cũng là một thước đo tuyệt vời để đánh giá sức mạnh cơ tổng thể của một người. Thông thường, lực nắm bàn tay sẽ được đo bằng lực kế bóp tay. Theo các nhà nghiên cứu, lực nắm bàn tay mà người lớn tuổi cần để xử lý việc nặng ít nhất là 18,5kg đối với nữ và 28,5kg đối với nam.

Các chuyên gia cho biết lực nắm bàn tay là một chỉ dấu quan trọng về sức khỏe tổng thể. Ðiển hình, trong một nghiên cứu gần đây, các chuyên gia đã quan sát 140.000 người từ 35-70 tuổi đến từ nhiều quốc gia và phát hiện mối tương quan mạnh mẽ giữa lực nắm bàn tay và nguy cơ tử vong vì các bệnh tim mạch. Cụ thể, lực nắm bàn tay giảm 5kg có liên quan đến tăng 17% nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ trong vòng 4 năm. Người có tỷ lệ cơ nhiều hơn được phát hiện là có khả năng cầm nắm mạnh hơn, đồng thời cũng thường xuyên tập thể dục và có sức khỏe tổng thể tốt hơn.

Bên cạnh đó, lực nắm bàn tay còn có mối tương quan với sức khỏe tâm thần. Ðơn cử, một nghiên cứu tiến hành trên 27.000 người trên 60 tuổi ở Ấn Ðộ cho thấy những người có lực nắm bàn tay yếu thì dễ bị trầm cảm hơn.

Còn trong nghiên cứu mới nhất về lực nắm bàn tay, công bố vào tháng 11-2022, các chuyên gia đã dùng lực kế bóp tay để đo lực nắm bàn tay của 1.275 người trên 51 tuổi và đánh giá tuổi biểu sinh (epigenetic age) của họ bằng xét nghiệm máu. Ðược biết, tuổi biểu sinh là một thước đo về tuổi sinh học, phản ánh mức độ phơi nhiễm và nguy cơ bệnh tật không phụ thuộc vào tuổi đời. Các chuyên gia phát hiện những người có lực nắm bàn tay yếu có tốc độ lão hóa ADN nhanh hơn. Trái lại, những người có lực nắm bàn tay mạnh hơn có tốc độ lão hóa chậm hơn.

Thường xuyên tập bóp bóng giúp cải thiện lực nắm bàn tay.

Những bài tập giúp cải thiện lực nắm bàn tay

+ Mang vật nặng khi bước đi. Hai tay cầm hai quả tạ (hoặc xách hai cái xô có tay cầm nếu tập ở nhà), sau đó hạ vai, ưỡn ngực, giữ thẳng lưng, rồi bắt đầu bước đi chầm chậm theo một đường thẳng và quay lại. 

+ Treo người trên xà đơn. Vươn người lên cao nắm lấy xà đơn, 2 lòng bàn tay hướng vào thân người. Treo mình trên xà đơn trong 5-10 giây, từ từ nâng người lên cao sao cho khuỷu tay vuông góc 90 độ. Sau đó buông người xuống nhưng vẫn giữ ở tư thế treo, hai cánh tay thẳng đứng và lặp lại động tác. 

+ Lăn ngón tay. Lấy một quả tạ nhẹ ở phòng tập thể dục (hoặc vật tương tự ở nhà), từ từ lăn quả tạ từ đầu ngón tay đến bàn tay rồi siết chặt.

+ Tập bóp bóng. Dùng cả bàn tay bóp xẹp một quả bóng cao su rồi buông ra, lặp lại từ 5-10 nhịp. Sau đó, chỉ sử dụng 2 ngón tay để bóp quả bóng, nghĩa là lần lượt kết hợp ngón cái với các ngón tay còn lại để bóp bóng.

Chia sẻ bài viết