18/07/2010 - 09:04

Thực hiện tiết kiệm năng lượng

Lựa chọn mô hình để đạt hiệu quả cao

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ giúp giảm áp lực tình trạng thiếu hụt năng lượng của quốc gia mà nó còn trực tiếp mang đến hiệu quả kinh tế cho từng gia đình và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN). Nhưng nói thì dễ, khi bắt tay làm thì không dễ, nhất là khi nhiều tổ chức, cá nhân còn thiếu thông tin về việc làm thế nào để sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và có hiệu quả nhất. Do vậy, yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân các cách làm, các mô hình và công nghệ mới có giá cả phù hợp, giúp tiết kiệm năng lượng (TKNL) và có hiệu quả kinh tế...

Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt tại huyện
Phong Điền, TP Cần Thơ.

* Chọn công nghệ tiên tiến

Theo Trung tâm TKNL TP Cần Thơ, thời gian qua do còn thiếu thông tin nên nhiều cơ quan, DN gặp khó trong việc lựa chọn các cách làm, các mô hình và công nghệ để có thể thực hiện TKNL. Mặt khác, việc đầu tư các thiết bị và công nghệ mới phục vụ cho TKNL thường đòi hỏi chi phí cao nên nhiều đơn vị, DN còn e ngại. Song, việc đầu tư, sử dụng các thiết bị, công nghệ mới giúp tiêu tốn ít điện năng hiện được xem là một giải pháp đột phá trong việc thực hiện TKNL. Vì vậy, nhiều đơn vị, DN tại thành phố đã và đang tính tới việc đầu tư các thiết bị, công nghệ mới để thực hiện tốt việc TKNL. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu tư tốn kém nhiều tiền của nhưng hiệu quả tiết kiệm điện thấp, nhiều cơ quan, DN đã không đầu tư cho công nghệ mới một cách khẩn trương mà làm từ từ, có các bước thử nghiệm nhằm chọn đúng hướng đầu tư.

Huyện Phong Điền đã có bước đột phá trong việc áp dụng các thiết bị công nghệ nhằm tiết kiệm điện năng cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Gần đây, phần lớn đèn chiếu sáng trên địa bàn huyện đã được chuyển đổi từ những đèn cao áp và đèn tốn nhiều điện năng sang các đèn tiết kiệm điện và đã tiết kiệm được khoảng 40% điện năng so với trước. Các bóng đèn tiết kiệm điện cũng được huyện ưu tiên chọn lựa khi đầu tư xây dựng thêm các hệ thống chiếu sáng công cộng mới. Không những thế, huyện đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây dựng thử nghiệm 12 trụ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời đặt trên một trục đường nằm ở thị trấn Phong Điền. Các trụ đèn này có gắn thiết bị thu năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng rồi lưu trong bộ sạt và nó có thể cung cấp điện cho đèn chiếu sáng trong hàng chục giờ liền. Sử dụng thiết bị này không phải tốn tiền điện lại ít gây ô nhiễm ánh sáng (sáng quá mức không cần thiết) và không lo những lúc bị cúp điện như sử dụng các loại đèn điện thông thường. Ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng phòng Công Thương huyện Phong Điền, cho biết: “Tới đây huyện sẽ tiếp tục thay thế và đầu tư thêm các đèn tiết kiệm trên một số tuyến đường của huyện nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Riêng đối với loại đèn sử dụng năng lượng mặt trời, kinh phí đầu tư ban đầu cao, tính ra cao gấp đôi so với đèn cao áp sử dụng điện. Nhưng xét về lâu dài nó tỏ rõ hiệu quả kinh tế do không phải tốn tiền điện. Qua gần 2 năm sử dụng loại đèn này, có hiệu quả rất tốt, có thể tiếp tục nhân rộng ra các nơi khác”.

Quận Ninh Kiều hiện có tổng chiều dài hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường là 144km, với hơn 4.820 bóng đèn cao áp và hơn 3.460 bộ đèn huỳnh quang. Tổng công suất chiếu sáng trên địa bàn là 1.260 kw. Chi phí tiền điện cho các đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn (chủ yếu là đèn cao áp) là hơn 440 triệu đồng/tháng. Thời gian qua, nhằm tiết kiệm điện và giảm áp cho tình trạng thiếu hụt điện, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều đã áp dụng biện pháp tắt bớt 50% đèn cao áp trên một số tuyến đường. Song song đó, quận cũng đã bắt đầu áp dụng các thiết bị, công nghệ mới vào việc TKNL. Tuy nhiên, do hầu hết các tuyến đường trên địa bàn quận đều đã có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng từ trước nên quận không chọn cách lắp đặt thử nghiệm đèn sử dụng năng lượng mặt trời như ở Phong Điền mà gắn các bộ nguồn tiết kiệm điện vào các đèn cao áp đã có sẵn. Anh Trần Trọng Khôi, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: “Bước đầu quận đã liên hệ với một công ty ở TP Hồ Chí Minh chuyên cung cấp loại thiết bị này và công ty đó đã đồng ý gắn cho xài thử nghiệm 40 bộ thiết bị tiết kiệm điện ở đường Lê Lợi từ tháng 2-2010. Kết quả cho thấy, các thiết bị trên giúp tiết kiệm khoảng 39% điện năng so với trước. Sử dụng bộ nguồn tiết kiệm điện này có lợi là không phải thay mới các đèn và chi phí đầu tư cũng không quá lớn. Hiện giá bộ nguồn tiết kiệm điện này khoảng 750.000 đồng/bộ. Tới đây, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều sẽ đề xuất với UBND quận xin chủ trương đầu tư thêm các bộ nguồn tiết kiệm điện để gắn trên các tuyến đường có sử dụng đèn cao áp. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng trên 2,5 tỉ đồng”.

Đối với nhiều DN ở TP Cần Thơ, việc quản lý và TKNL có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong bối cảnh giá điện tăng và nhiều chi phí đầu vào tăng. Thời gian qua, DN tại TP Cần Thơ đã bắt đầu triển khai và áp dụng nhiều biện pháp nhằm thực hiện TKNL. Không ít các DN đã quan tâm, quản lý các thiết bị sử dụng điện và có các biện pháp nhằm sử dụng chúng một cách hiệu quả và tiết kiệm điện nhất. Cụ thể như: tắt chúng khi không còn sử dụng hoặc không cần thiết, sử dụng với công suất và mật độ bố trí vừa phải, hạn chế sử dụng trong những giờ cao điểm... Bên cạnh đó, các DN cũng đã dần chuyển đổi từ các máy móc, thiết bị cũ sang các máy móc, thiết bị có công nghệ mới nhằm tiết kiệm điện.

Công ty cổ phần May Meko là một DN điển hình cho việc thực hiện TKNL. Trong 3 năm qua (từ 2007 đến 2009) Công ty đã đầu tư khoảng 1.000 máy may công nghiệp thế hệ mới nhập khẩu từ Đức, Trung Quốc và Nhật Bản với trị giá gần 20 tỉ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, công ty đã tiếp tục đầu từ thêm 120 máy. Đây là dạng máy dầu khô với các ưu điểm như: đường may đẹp, không dính dầu trên sản phẩm; đặc biệt tiết kiệm điện, tiết kiệm chỉ, năng suất tăng 20-30% so với các loại máy thông thường. Trước đây, loại máy may cũ có nhược điểm là khi máy ngừng may moter điện vẫn còn chạy nên hao điện. Còn máy mới tự động cắt chỉ, khi ngừng may moter điện cũng dừng nên tiết kiệm được điện năng, máy không dùng dầu bôi nên không bị dính dầu vào sản phẩm. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko, cho biết: “ Là một DN may gia công xuất khẩu, hiện hầu hết các thiết bị, máy móc của công ty đều sử dụng điện, với tổng chi phí tiền điện trên 80 triệu đồng/tháng nên việc tiết kiệm điện rất quan trọng. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các biện pháp TKNL, thời gian qua công ty rất quan tâm đến việc đầu tư, đổi mới công nghệ. Hiện có 80% máy móc, thiết bị tại công ty sử dụng công nghệ mới, tiết kiệm điện”.

Nhờ sử dụng các thiết bị, máy móc tiết kiệm điện và thực hiện các biện pháp TKNL, hiện Công ty cổ phần May Meko tiết kiệm được bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng.

* Hướng đến TKNL

Theo Trung tâm TKNL Cần Thơ, để giảm chi phí tiền điện, các cơ quan, đơn vị, DN cần tính đến việc thay đổi công nghệ, đầu tư cải thiện những thiết bị tiêu thụ điện năng lớn và những thiết bị đã quá cũ. Trước mắt, khi chưa có điều kiện đầu tư, thay đổi công nghệ cho toàn bộ các thiết bị, máy móc thì các cơ quan, DN có thể đầu tư trước cho hệ thống chiếu sáng công cộng của mình. Chỉ với chi phí đầu tư khá thấp cho việc loại bỏ đèn sợi tóc và các loại bóng đèn tiêu tốn nhiều điện năng, thay vào đó là sử dụng các bóng đèn TKNL (như bóng đèn compact) vừa cho hiệu quả chiếu sáng tốt mà chi phí tiền điện giảm rõ rệt. Hiện nay, việc đầu tư, sử dụng các thiết bị, công nghệ mới giúp tiêu tốn ít điện năng được xem là một giải pháp đột phá trong việc thực hiện TKNL. Tuy nhiên, ngoài giải pháp công nghệ thì còn có nhiều giải pháp và cách làm khác khá đơn giản, ít chi phí đầu tư mà hiệu quả TKNL cũng là rất lớn. Cùng với việc đầu tư, đổi mới công nghệ, quản lý các máy móc, thiết bị để có cách sử dụng hiệu quả và TKNL, các đơn vị, DN cần quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp nhằm TKNL. Cụ thể như: tắt các thiết bị sử dụng điện khi không còn sử dụng hoặc không cần thiết, sử dụng các máy móc, thiết bị với công suất vừa phải, hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong những giờ cao điểm...

Ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm TKNL Cần Thơ, cho biết: “Để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tới đây Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu các cách làm, các mô hình và thiết bị, công nghệ TKNL hiệu quả. Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân thấy việc thực hiện TKNL là không quá khó, mọi cơ quan, DN có thể dễ dàng thực hiện nó với một mức độ và hiệu quả nhất định tùy theo điều kiện từng nơi”.

Cũng theo ông Trần Quốc Hưng, hiện giá điện đã tăng so với các năm trước nên nhiều DN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tư nhân và nhiều hộ gia đình đã quan tâm nhiều đến việc giảm chi phí tiền điện thông qua việc thực hiện TKNL. Nhiều DN đã có hẳn một bảng nội quy về việc thực hiện TKNL để cho các cán bộ, công nhân viên thực hiện. Tuy nhiên, tại nhiều cơ quan, công sở Nhà nước, việc thực hiện TKNL vẫn còn hạn chế, nhiều người vẫn còn thờ ơ với việc tiết kiệm điện. Do vậy, công tác tuyên truyền cần phải được quan tâm, đẩy mạnh. Cần nâng cao hơn nữa ý thức của các cán bộ, công nhân viên tại các công sở Nhà nước trong việc thực hiện TKNL.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết