05/12/2010 - 22:22

Lũ lụt và tuyết dày hoành hành châu Âu

Nước ngập Shkodra của Albanie (ảnh trái), trong khi tuyết phủ Poznan của Ba Lan. Ảnh: EPA

* Tín hiệu tích cực từ Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu

(TTXVN)- Châu Âu đang phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông này với đợt lũ lụt lớn buộc hàng nghìn người ở Bosnia và Albanie phải sơ tán, trong khi tuyết rơi dày đã làm sập một phần mái của một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp.

Trong 4 ngày qua, các nước khu vực Balkan đã phải đối phó với đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, còn Tây Âu phải đối mặt với thời tiết giá lạnh và tuyết rơi dày, gây nhiều rủi ro và làm tê liệt hoạt động của các sân bay, đường cao tốc và trường học.

Nước một số sông ở khu vực Balkan đã tràn bờ do mưa lớn, trong đó sông Drina tràn bờ gây lũ lớn buộc chính quyền ở ba nước Serbia, Bosnia và Montenegro phải sơ tán hàng nghìn dân.

Tại Albanie, phía Nam Bosnia, chính quyền đã yêu cầu các nước thành viên NATO giúp cứu dân khỏi các khu vực bị ngập lụt và chuyển lương thực cũng như nhu yếu phẩm tới cho họ. Kosovo đã cử một đơn vị quân đội chuyên cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp các sĩ quan cảnh sát và binh lính Albanie sơ tán hơn 11.000 người khỏi các khu vực ngập lụt ở huyện Shkodra, cách Thủ đô Tirana của Albanie khoảng 120 km về phía Bắc. Chính phủ Albanie đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở các huyện Lezha và Durres, phía Nam huyện Shkodra và phía Tây Tirana.

Tại Pháp, nơi giá lạnh đã ảnh hưởng tới khu vực phía Bắc nước này, một phần mái của nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Flamanville, đã bị sập do tuyết rơi dày.

* Sau 6 ngày làm việc, ngày 4-12, Hội nghị cấp cao lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 16), đang diễn ra tại thành phố biển Cancun, Đông Nam Mexico, đã đón nhận tín hiệu tích cực đầu tiên sau khi đại diện các quốc gia Trung Mỹ công bố một thỏa thuận cơ bản hoàn tất liên quan đến giáo dục và nâng cao ý thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Phát biểu với báo giới, đại diện các nước thành viên Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) cho biết Nhóm công tác Điều 6 của Hội nghị COP 16 đã thỏa thuận tất cả các bên tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ có trách nhiệm soạn thảo chiến lược giáo dục về hiện tượng biến đổi khí hậu tại nước mình nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên Nhóm 77, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và một số nước khác.

Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Guatemala, ông Luis Ferrate khẳng định thỏa thuận này sẽ được trình lên Hội nghị toàn thể và là một phần trong các thỏa thuận cuối cùng của COP 16 kèm theo cam kết cụ thể của từng nước thành viên, nhất là vấn đề liên quan đến việc thành lập Quỹ tài trợ toàn cầu, được nước chủ nhà Mexico đánh giá là một công cụ cơ bản cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới.

Chia sẻ bài viết