12/04/2007 - 18:27

Long đong hành tím Vĩnh Châu?

Những ngày này, nông dân huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch xong vụ hành tím sớm năm 2007. Nhưng trái với niềm vui được mùa trúng giá năm trước, hiện tại giá hành tím chỉ còn ở mức trung bình 3.000đ/kg, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Người trồng hành nơi đây chỉ biết hy vọng trông chờ giá lên, vì nếu bán ngay thì sẽ bị lỗ nặng...

Treo giàn chờ giá

Trong vụ hành tím sớm năm nay, toàn huyện Vĩnh Châu xuống giống gần 3.200ha, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 60.000 tấn. Song, theo đánh giá của các thương lái thu mua hành tím tại Vĩnh Châu, hiện nay chỉ tiêu thụ được khoảng 3/10 sản lượng. Anh Sến, chủ vựa hành tím ở ấp Wách Pích xã Vĩnh Phước, cho biết: “Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày vựa của tôi thu mua trên dưới 100 tấn, nhưng giờ chỉ còn 3-4 tấn, vậy mà chạy không ra hàng. Chẳng phải do không có hành để mua, bởi giá rẻ quá, tính ra không có lời, nên nông dân chưa chịu bán”.

Hành tím Vĩnh Châu treo giàn chờ giá.

Ông Thạch Pol, một nông dân trồng hành ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Châu, cho biết: “ Mùa hành năm nay do giống địa phương khan hiếm, tôi phải mua giống với giá 70.000-80.000đ/kg. Mỗi công hành nếu trồng thưa phải tốn 80kg, còn trồng dày là 100kg, tính ra chi phí đã ngốn ít nhất 8 triệu đồng. Trong khi đó, với năng suất 2 tấn/công mà bán với giá 3.000đ/kg (năm ngoái từ 6.000-7.000đ/kg) thì không lấy được tiền vốn, nếu kể thêm tiền công cán, phân thuốc coi như lỗ nặng”. Vì vậy, đa số người trồng hành ở Vĩnh Châu đang trữ hành chờ giá. Hiện nay, đến các hộ trồng hành, dù giàu hay nghèo cũng thấy bắc giàn treo hành tím đầy nhà.

Còn chị Thạch Thị Nga, ngụ ấp Âu Thọ B xã Vĩnh Hải, vì không có tiền mua giống hành địa phương, nên 4 công rẫy của chị buộc phải mua giống nhập từ Indonesia do Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đức Vinh (TT Vĩnh Châu) bán chịu với giá 25.000đ/kg để trồng. Tuy nhiên, chỉ mới độ 20 ngày tuổi thì số hành giống chị mua 120kg/công đã chết gần phân nửa, số còn lại chỉ thu hoạch được khoảng 3,7 tấn. Vừa thu hoạch xong, DNTN Đức Vinh đến gom với giá 3.500đ/kg, coi như huề vốn tiền giống, còn lại tiền công chăm sóc, phân thuốc lỗ trắng. Đó là chưa kể 2 công trồng sau chỉ đạt năng suất 1,3 tấn, DNTN Đức Vinh không mua, để lâu bị thúi dần cả tấn, chị phải bán tháo cho người dân ở Bạc Liêu sang thu gom dạo với giá 2.200đ/kg

Các hộ dân trồng hành cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến giá hành năm nay giảm là do... trúng mùa. Nguyên nhân thứ hai vì đầu năm giá hành giống địa phương quá cao, nên nhiều người chuyển sang trồng hành giống của Indonesia, nhưng loại hành này chất lượng (độ nồng) thành phẩm không tốt bằng hành địa phương, đặc biệt không thể trữ lâu, làm thương lái không dám thu mua. Nguyên nhân thứ ba có vẻ như khách quan là do năm nay các nước lân cận như Malaysia, Philippines, Thái Lan đều trúng mùa hành. Vì thế lượng hành xuất khẩu sang các nước này hầu như không còn, chỉ tiêu thụ nội địa nên dội chợ, dẫn đến giá giảm. Anh Lâm Tấn Bình, một thương lái thu mua hành ở thị trấn Vĩnh Châu, cho biết: Năm ngoái, vựa của anh nhận thu gom hàng cung cấp cho các công ty như Rau quả Đà Lạt, Thái Bình Dương (TPHCM), DNTN Đức Vinh. Còn năm nay, chỉ có DNTN Đức Vinh mua hàng, nhưng chỉ thu vào loại hành tốt hoặc nhận của những hộ đã mua thiếu giống của họ từ đầu vụ.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”?

Ông Vưu Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, cho biết: “Đầu vụ hành năm nay, DNTN Đức Vinh đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hành tím cho nông dân. Phương thức hợp đồng là công ty đầu tư hành giống cho nông dân, chủ yếu là giống Indonesia và hứa sẽ bao tiêu với giá 5.000/kg thành phẩm (chỉ hứa bằng miệng chứ không có văn bản). Thực tế hiện nay là công ty chỉ mua cầm chừng, tập trung vào những hộ nhận hành giống của mình cung cấp (thiếu chịu) để thu lại tiền đầu tư. Còn những hộ mua giống bằng tiền mặt thì họ... làm lơ!?. Hiện hành thương phẩm của nhiều hộ đang thúi dần, kêu bán họ chỉ trả 1.800đ/kg, thà để thúi chứ không bán rẻ như thế”.

Điều đáng nói là cùng một loại hành giống nhưng nếu trả bằng tiền mặt thì giá chỉ từ 22.000-25.000đ/kg, còn nếu mua thiếu giá có lúc được đẩy lên đến 32.000-35.000đ/kg. Qua trao đổi với bà con trồng giống hành này, hầu hết đều cho biết thất thoát trong quá trình sản xuất từ 40-50% . Ông Tô Hẻm, ngụ ấp Âu Thọ B xã Vĩnh Hải, trồng 4 công hành giống Indonesia của DNTN Đức Vinh đã bị chết toàn bộ. Khi liên lạc với doanh nghiệp nhiều lần thì được trả lời sẽ bồi hoàn tiền giống, nhưng đến nay đã hơn 4 tháng mà vẫn “bặt vô âm tín”. Ở các xã Vĩnh Châu, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lạc Hòa... những hộ như ông Hẻm không phải là ít.

Ông Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, giải thích: “Những năm trước doanh nghiệp cũng có nhập giống hành tím Indonesia nhưng số lượng không nhiều. Năm nay, do thiếu giống hành nội địa, nên doanh nghiệp có nhập giống nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ riêng chúng tôi nhập giống mà còn có một số doanh nghiệp khác cũng nhảy vào. Song, khi có sự cố về chất lượng thì chỉ mỗi mình doanh nghiệp tôi gánh chịu, vì ở Vĩnh Châu hầu hết mọi người dân chỉ nhắc đến mỗi mình doanh nghiệp của tôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tân Tiến, Phó Trưởng Phòng kinh tế huyện Vĩnh Châu, cho biết: “Việc DNTN Đức Vinh đứng ra cung cấp giống cho nông dân chẳng qua do nhu cầu của thị trường. Vì thực tế lúc đó hành giống trong dân rất thiếu, vận động bà con chuyển đổi trồng cây khác thì rất khó. Đứng về mặt quản lý thì việc doanh nghiệp hỗ trợ nông dân là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cơ quan chức năng đã thiếu kiểm tra, nên các hợp đồng với nông dân và chất lượng giống không tốt chúng tôi không nắm được kịp thời. Việc này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.

Bây giờ, nếu bất kỳ ai đến vùng chuyên canh hành tím ở Vĩnh Châu đều được nghe bà con phản ánh chung một nhận định: giống hành tím nhập từ Indonesia không đảm bảo về chất lượng giống lẫn thương phẩm, chính là nguyên nhân dẫn đến giá hành giảm mạnh trong năm nay. Bởi hiện tại, giá hành địa phương tuy có giảm hơn so với năm 2007, nhưng bà con vẫn còn có sự lựa chọn khác là trữ lại chờ giá cao hơn. Song, đối với các hộ nghèo vì không đủ tiền để mua hành giống địa phương nên mới “chữa cháy” bằng hành Indonesia, nhưng nếu họ muốn trữ lại thì không được vì loại hành này để lâu sẽ bị thúi. Đa số người dân trong diện này đều rất lao đao vì phải gánh lấy hậu quả. Thêm vào đó, không khéo thương hiệu “hành tím Vĩnh Châu” đang được cố công xây dựng sẽ bị ảnh hưởng uy tín nặng nề.

Bài, ảnh: NGUYÊN THANH

 

Chia sẻ bài viết