24/07/2008 - 20:30

Loãng xương - bệnh lý thầm lặng nhưng nguy hiểm

Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN VĂN KHOE
(Phó Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ)

Loãng xương là rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương do làm giảm khối lượng khoáng chất của xương và giảm chất lượng xương, đưa đến tăng nguy cơ gãy xương cho con người.

Nguyên nhân của loãng xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, tuổi càng cao tỷ lệ loãng xương càng tăng. Ở độ tuổi từ 50-70 tuổi, tỷ lệ nữ bị loãng xương chiếm 19,6% và ở nam giới là 4,1% (ở độ tuổi này nữ mắc loãng xương cao gấp 5 lần so với nam giới). Ở độ tuổi trên 70, có 58,8% phụ nữ và 19,6% ở nam giới bị chứng loãng xương (ở độ tuổi này, nữ mắc loãng xương cao gấp 3 lần so với nam giới). Thứ hai, mức độ loãng xương tùy thuộc vào hoạt động thể chất của mỗi người. Những người vận động thường xuyên thì loãng xương xảy ra chậm hơn, mức độ loãng xương cũng ít hơn. Thứ ba, mức độ loãng xương của mỗi người phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Ăn nhiều thịt, cá, rau xanh, sữa sẽ giúp hạn chế loãng xương, đặc biệt sữa là nguồn calcium thiên nhiên chủ yếu đáp ứng nhu cầu hàng ngày để duy trì và phát triển khối lượng xương. Những người ăn kiêng sẽ sớm bị loãng xương và mức độ loãng xương cũng nặng nề hơn những người ăn uống bình thường. Cuối cùng là các yếu tố hormon, rối loạn nội tiết, đặc biệt là ở tuổi sau mãn kinh sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa và tổng hợp calcium, làm mất sự duy trì cân bằng giữa tạo xương và hủy xương đưa đến loãng xương.

Ảnh:www.hahtncttg.org 

Loãng xương diễn ra âm thầm trong cơ thể con người. Vì vậy, khi bị loãng xương ở giai đoạn đầu hoàn toàn sẽ không biểu hiện triệu chứng gì. Giai đoạn sau loãng xương nhiều hơn, gây thoái hóa xương mới gây ra triệu chứng. Nếu thoái hóa cột sống thắt lưng, người bệnh bị mỏi, đau vùng thắt lưng, đôi khi đau lan xuống mông và hai chân, đau tăng lên khi cử động. Nếu thoái hóa cột sống cổ, ngoài triệu chứng mỏi, đau vùng cơ cổ, người bệnh đôi lúc thấy cơ cổ bị co cứng (đơ cổ), đau và đôi khi lan ra hai tay (cử động 2 tay bị đau). Trong trường hợp thoái hóa cột sống cổ, mức độ nặng sẽ gây chèn ép vào đám rối thần kinh cánh tay, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh còn bị teo cơ và tê vùng 2 bàn tay, đôi lúc gây chóng mặt tư thế. Nếu thoái hóa các đầu xương to: gối, khủy tay... sẽ gây đau tại vị trí thoái hóa và cơn đau tăng lên khi cử động, đôi lúc vận động gặp nhiều khó khăn.

Người mắc chứng loãng xương ngoài sự thoái hóa xương như đã nêu, người bệnh hay bị gãy xương (thường xảy ra ở những người từ 70 tuổi trở lên) như: gãy cổ xương đùi, gãy lún thân đốt sống, gãy đầu dưới xương cổ tay.

Mục tiêu trong điều trị loãng xương là làm giảm các triệu chứng đau, tê, teo cơ... và giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương gây nên. Vì vậy, điều trị loãng xương bao giờ cũng song hành hai vấn đề: phòng ngừa loãng xương kết hợp với điều trị chống loãng xương.

Phòng ngừa loãng xương bằng cách: Thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng sớm, tăng cường thể dục, giảm uống rượu, giảm hút thuốc, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt, cá, sữa... sẽ giúp tăng tổng hợp calcium, làm tăng tạo xương và chất lượng xương cũng tốt hơn. Kết hợp với việc giải thích tác hại của loãng xương để người dân hiểu và có chế độ phòng ngừa hợp lý. Với người bệnh, cần động viên tinh thần để họ hợp tác tốt trong quá trình điều trị.

Trong điều trị loãng xương, ngoài việc phòng ngừa loãng xương cần phải kết hợp với một số loại thuốc: chống hủy xương, tăng tạo xương và các hormone đồng hóa... Trong các trường hợp loãng xương nặng có chèn ép hoặc loãng xương có biến chứng khiến bệnh nhân bị đau rất nhiều thì việc dùng các loại thuốc giảm đau cho người bệnh là rất cần thiết. Cần kết hợp điều trị theo chuyên khoa hợp lý như: vật lý trị liệu, ngoại chấn thương chỉnh hình (trong trường hợp bệnh nhân bị gãy xương hay xẹp thân đốt sống).

B. NGỌC (Ghi)

Chia sẻ bài viết