06/05/2020 - 18:06

Livestream có giúp vực dậy nền kinh tế Trung Quốc? 

Lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 kéo dài 2 tháng đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tổn thất nặng nề. Trong 3 tháng đầu năm 2020, GDP quốc gia đông dân nhất thế giới giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Phó thị trưởng Vũ Hán Li Qiang trong một buổi livestream quảng bá sản phẩm địa phương. Ảnh: BBC

Và trong một chiến dịch có quy mô toàn tỉnh nhằm vực dậy nền kinh tế, giới chức cấp cao ở tỉnh Hồ Bắc với dân số khoảng 60 triệu người đang tự biến mình thành những người nổi tiếng trên mạng, trong đó có Li Qiang, phó thị trưởng thành phố Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc), nơi được xem là tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Hiện ông Li và nhiều đồng nghiệp đang ra sức quảng bá các thương hiệu tại địa phương thông qua ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok. Trong một buổi phát trực tiếp (livestream) trên TikTok gần đây, sếp Li hết lời khen ngợi món hủ tiếu Vũ Hán, qua đó kêu gọi người dân địa phương thường xuyên ghé qua quán hủ tiếu mà ông yêu thích.

Kết quả rất khả quan. Báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, vào ngày đầu của chiến dịch, hôm 8-4, doanh thu bán hàng livestream trên TikTok trên khắp Hồ Bắc là 17,9 triệu nhân dân tệ (tương đương 2,5 triệu USD), với gần 300.000 mặt hàng được bán ra chỉ trong 9 tiếng, gồm 44.000 phần hủ tiếu mà ông Li yêu thích.

Thật ra, Hồ Bắc không phải là tỉnh duy nhất tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp livestream đang bùng nổ ở Trung Quốc. Nhiều quan chức địa phương ở các tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông và Quảng Tây cũng tự biến mình thành những chuyên gia bán hàng kể từ khi Trung Quốc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Họ ra sức quảng bá các sản phẩm của địa phương với hy vọng vực dậy nền kinh tế. “Bán hàng bằng cách livestream trong mùa dịch bệnh chắc chắn mang lại hy vọng và là lối thoát mới cho các công ty bắt đầu đầu tư vào tiếp thị, vốn có vai trò hỗ trợ to lớn đối với ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp khác” - Andrea Fenn, Giám đốc điều hành công ty tư vấn tiếp thị Fireworks đặt tại Thượng Hải, nhận định.

Song, mô hình kinh doanh nói trên không chỉ là nỗ lực của những quan chức cấp cao. Ngay cả trước khi giới chức chính phủ xuất hiện trên dịch vụ livestream, nhiều chủ doanh nghiệp đã tận dụng các nền tảng livestream như TikTok, Kuaishou và Taobao, ứng dụng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc do tập đoàn Alibaba sở hữu, để quảng bá sản phẩm của họ. Trong số này, đáng chú ý nhất là Li Jiaqi, người có biệt danh “Anh đại son môi”. Từng là trợ lý một cửa hàng với mức lương khiêm tốn ở thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây), Li giờ đây có hơn 40 triệu người theo dõi trên TikTok. Trong một buổi bán hàng livestream mới đây, Li bán được 15.000 thỏi son trong chỉ 5 phút. Hiện Li có tài sản ròng lên tới 5 triệu USD.

Ngoài Li, Wei Ya cũng ăn nên làm ra nhờ bán hàng livestream. Chỉ trong ngày 1-4, Wei thu về 6 triệu USD nhờ bán hàng trên Taobao, làm dậy sóng giới bán hàng livestream Trung Quốc, thu hút dư luận quốc tế đến nỗi Taobao phải đưa ra tuyên bố xác nhận đây không phải là một trò đùa ngày Cá tháng Tư. Nhiều người theo dõi thậm chí gọi cô là “Nữ hoàng bán hàng”.

Chỉ riêng trong tháng 2, đỉnh điểm dịch COVID-19 ở Trung Quốc, lượng người bán hàng livestream trên Taobao trên khắp Trung Quốc tăng 719%. Còn theo thống kê của Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc, tính đến tháng 3, lượng người dùng dịch vụ livestream đã lên đến 560 triệu người, chiếm tới 62% trong số 904 triệu “cư dân mạng” Trung Quốc. Đáng chú ý, số người dùng mô hình kinh doanh kiểu mới, kết hợp giữa thương mại điện tử và livestream đã đạt tới con số 265 triệu. Ước tính cho thấy, doanh số bán hàng livestream ở Trung Quốc năm 2019 đạt 61 tỉ USD, con số này được dự báo tăng lên 129 tỉ USD trong năm nay.

TRÍ VĂN (Theo BBC, Xinhua)

 

Chia sẻ bài viết