03/10/2021 - 06:35

Litva thách thức Trung Quốc? 

Trung Quốc lại một lần nữa phẫn nộ Litva khi Bộ Quốc phòng nước này khuyên giới chức và công dân của họ tránh sử dụng điện thoại di động “Made in China”, bởi chúng có thể được tích hợp phần mềm kiểm duyệt.

Chiếc điện thoại Mi 10T 5G của Xiaomi được cho tích hợp sẵn phần mềm kiểm duyệt. Ảnh: AFP

Động thái trên của Bộ Quốc phòng Litva được đưa ra sau khi Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Litva phát hiện, các điện thoại của Tập đoàn sản xuất hàng điện tử Xiaomi của Trung Quốc, cụ thể là chiếc Mi 10T 5G, bán ở châu Âu được tích hợp sẵn phần mềm phát hiện và kiểm duyệt các cụm từ như “Hãy trả tự do cho Tây Tạng”, “Ðài Loan độc lập muôn năm” hoặc “phong trào dân chủ”. Theo cơ quan này, tính năng đó đã bị tắt khi Mi 10T 5G được xuất sang khu vực châu Âu nhưng nó có thể được kích hoạt từ xa bất cứ lúc nào.

Cơ quan trên cũng cho biết những điện thoại do Xiaomi sản xuất đã gửi các dữ liệu được mã hóa trên điện thoại người dùng đến một máy chủ đặt tại Singapore. Ngoài ra, hơn 449 điều khoản được các ứng dụng trên điện thoại Xiaomi kiểm duyệt, gồm trình duyệt Internet mặc định. “Khuyến nghị của chúng tôi là không mua điện thoại mới của Trung Quốc và bỏ những điện thoại đã mua càng nhanh càng tốt” - Margiris Abukevicius, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Litva, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 22-9.

Trước đó hồi tháng 7, Trung Quốc cũng đã tức giận khi Litva cho phép Ðài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius với tên gọi “Văn phòng đại diện Ðài Loan tại Litva”. Hồi tháng 5, Litva bất ngờ thông báo rời khỏi diễn đàn ngoại giao do Trung Quốc chủ trì, có sự tham gia của 17 quốc gia Ðông Âu và Trung Âu nhằm thúc đẩy sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường”. Vilnius cho rằng chính diễn đàn này đã khiến Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ.

Trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Litva rút đại sứ khỏi Bắc Kinh và triệu hồi đại sứ tại Litva để phản đối việc quốc gia vùng Baltic này cho phép Ðài Loan mở văn phòng đại diện, đồng thời tạm dừng các chuyến tàu chở hàng trực tiếp đến Litva “cho đến khi có thông báo mới”. Cơ quan này còn cáo buộc Litva vượt “lằn ranh đỏ”, qua đó kêu gọi Vilnius “ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm” và “không lún sâu hơn vào con đường sai lầm”. “Quyết định này vi phạm trắng trợn tinh thần của thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Litva, làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo tuyên bố. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thì công kích Litva, chế nhạo quốc gia nhỏ bé này là “con tốt” chống Trung Quốc của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng trong chiến trường địa chính trị, việc Litva “so găng” với Trung Quốc khó có thể là một cuộc chiến cân bằng khi mà một quốc gia nhỏ bé chưa tới 3 triệu dân chống lại một siêu cường đang lên với dân số lên tới hơn 1,4 tỉ. Quân đội Litva cũng không sở hữu xe tăng hay máy bay chiến đấu, trong khi nền kinh tế nước này nhỏ hơn Trung Quốc tới 270 lần. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên khi Litva chứng minh rằng ngay cả những nước nhỏ bé cũng có thể khiến cho một siêu cường như Trung Quốc “đau đầu”.

Wu Qiang, nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, cho rằng dù với quy mô nhỏ bé nhưng Litva giữ vai trò to lớn trong các toan tính của Trung Quốc, bởi nước này đóng vai trò như một hành lang trung chuyển cho các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến châu Âu. Vilnius cũng thu hút sự chú ý của Bắc Kinh vì có vai trò to lớn trong sự sụp đổ của Liên Xô. Còn nhớ, Litva hồi năm 1990 là nước cộng hòa thuộc Liên Xô đầu tiên tuyên bố giành độc lập khỏi Mát-xcơ-va. “Trung Quốc coi Litva như là yếu tố để tự cứu mình khỏi sự sụp đổ giống như thời Liên Xô” - ông Wu nhận định.

TRÍ VĂN (Theo BBC, NYT)

Chia sẻ bài viết