28/03/2024 - 12:39

Lính đánh thuê châu Phi trong cuộc chiến Nga - Ukraine 

Cuộc chiến ở Ukraine đang gây ảnh hưởng khắp toàn cầu và châu Phi cũng không ngoại lệ. Trong khi bản thân các quốc gia châu Phi phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập thì ngày càng có nhiều tay súng đến từ lục địa đen bị lôi kéo vào cuộc chiến, tham gia chiến đấu cho cả phía Nga và Ukraine.

Nhiều tay súng châu Phi tham chiến tại Ukraine. Ảnh: DW

Ngay sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quốc gia trên khắp thế giới ủng hộ. Lời kêu gọi này gây được tiếng vang với hàng trăm thanh niên châu Phi từ các quốc gia như Nigeria, Kenya, Senegal, Nam Phi và Algeria đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm tại quê nhà. Đơn cử như ở Nigeria, nhiều người tập trung tại đại sứ quán Ukraine ở thủ đô Abuja, háo hức nhập ngũ dù giới chức địa phương đã nói rõ rằng người châu Phi không được trả tiền để tham gia chiến đấu và sẽ phải tự túc trang trải chi phí đi lại. Đáng chú ý, Senegal và Algeria còn cảnh báo công dân của 2 nước này không được tham chiến, đồng thời tuyên bố nỗ lực tuyển dụng như vậy của Ukraine là phi pháp.

Trong khi đó, Nga cũng được cho là đã tuyển dụng rất nhiều binh sĩ từ châu Phi, đặc biệt là thông qua tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, hơn 200 người châu Phi đã gia nhập lực lượng Ukraine trong khi hơn 1.000 người tham gia hàng ngũ Nga, trở thành những lính đánh thuê. 

Phần lớn các quốc gia châu Phi đã kiềm chế trong việc chọn bên trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Tính trung lập này xuất phát một phần từ mong muốn tránh gây xung đột với Mát-xcơ-va, nơi đang xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo châu Phi và cung cấp hỗ trợ về mặt quân sự ở một số khu vực xung đột. Việc 17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án Nga đã phản ánh cách tiếp cận thận trọng của các quốc gia trong khu vực.

Tổng thống Zelensky trong một tuyên bố cho biết, người nước ngoài và người không quốc tịch có thể gia nhập lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine kể từ ngày 21-2. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng những ứng viên nước ngoài phải được phép ở Ukraine một cách hợp pháp, chưa từng có tiền án và phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định được đặt ra cho nghĩa vụ quân sự; có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng với tư cách là binh nhì, trung sĩ và sĩ quan. Hợp đồng với binh nhì sẽ có thời hạn ban đầu là 3 năm, trong khi đối với trung sĩ và sĩ quan có thể là từ 3-5 năm. Ứng viên nộp đơn phải trải qua cuộc kiểm tra y tế bắt buộc, đánh giá chuyên môn, tâm lý và đạt tiêu chuẩn thể lực do Bộ Nội vụ Ukraine quy định.

Tuy nhiên, bất chấp lập trường trung lập của các quốc gia châu Phi về cuộc xung đột Nga - Ukraine, những lính đánh thuê từ châu lục nghèo khó này vẫn tới chiến trường Ukraine. Động cơ của những lính đánh thuê châu Phi này rất khác nhau, một số tìm kiếm lợi ích tài chính, số khác thì muốn có quyền công dân.

Theo tờ Military Africa, số người này bị phía Kiev và Mát-xcơ-va lôi kéo bằng những lời hứa “ngon ngọt” về những khoản thu nhập béo bở. Họ thậm chí còn được hứa sẽ trở thành công dân 2 nước sau khi xung đột chấm dứt. Trong khi đó, số khác có thể bị ép tham chiến. Đơn cử như trường hợp của Gomesh Richard Ferreira. Người lính Ukraine gốc Angola này phải chiến đấu cho đất nước mà anh gọi là quê hương. Trong khi đó, Kimanzi Nashon, đến từ Kenya, tham chiến bởi hy vọng thu được lợi ích về tài chính.

Song, thực tế chiến tranh khác xa với bức tranh màu hồng được vẽ ra cho những tân binh tiềm năng. Theo đó, nhiều chiến binh châu Phi bị bắt hoặc bị sát hại, bởi nhiều người có thể chưa hiểu hết sự tàn khốc của chiến tranh hoặc hậu quả lâu dài của việc chiến đấu trong một cuộc xung đột ở nước ngoài.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết