02/11/2016 - 14:38

Liệu pháp tương tác sớm giúp cải thiện khả năng giao tiếp ở trẻ tự kỷ

Thành công của chương trình thử nghiệm giao tiếp với trẻ tự kỷ trước tuổi đến trường (Pact) đã gây ngạc nhiên cho chính những nhà nghiên cứu thiết kế ra nó, khi các bậc phụ huynh trực tiếp giúp con của họ giảm nhẹ các triệu chứng và hành vi tự kỷ về lâu dài.

Tự kỷ là một chứng rối loạn phức tạp liên quan đến sự phát triển của não, trong đó, trẻ mắc bệnh gặp vấn đề về tương tác xã hội, khó khăn trong giao tiếp và có hành động hoặc lời nói lặp đi lặp lại, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bệnh ảnh hưởng tới 1% dân số, chưa có thuốc điều trị và thường biểu hiện rõ khi trẻ được 2 tuổi. Nhiều gia đình đã thử cho con tham gia các chương trình rèn luyện chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của các nhà trị liệu, nhưng kết quả thu được không mấy khả quan. Chương trình Pact – do các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester (Anh) phát triển – sẽ huấn luyện những người làm cha làm mẹ trực tiếp giúp đỡ con của họ, chứ không thông qua bác sĩ trị liệu.

Chương trình Pact đã giúp Frank (trái), con trai của chị Harrison, cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp. Ảnh: New Scientist

Trong cuộc thử nghiệm, 152 trẻ tự kỷ từ 2- 4 tuổi được chia thành 2 nhóm và đều tiếp nhận phương pháp điều chỉnh hành vi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cha mẹ của một nhóm trẻ được đào tạo để nâng cao nhận thức và phản ứng với những kiểu giao tiếp bất thường của trẻ vốn rất khó đoán. Các gia đình được yêu cầu đến trung tâm đào tạo 2 lần/tuần trong suốt 6 tháng để tham gia 12 phiên trị liệu. Tại đây, mọi hoạt động của họ với đứa con tự kỷ và thùng đồ chơi đều được ghi hình lại. Những trẻ này có thể không ngó ngàng gì tới cha mẹ, nhưng khi trẻ đưa đồ chơi hoặc làm ồn có thể được hiểu như một yêu cầu. Những cảnh này được phát lại cho cha mẹ xem và họ được khuyến khích có hành động đáp lại, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nhằm phản ứng tốt hơn với những nhu cầu và ẩn ý của trẻ. Nếu trẻ đưa đồ chơi, cha mẹ nhận lấy. Nếu trẻ nói một từ, cha mẹ lặp lại từ đó và nói thêm điều gì đó. Bài tập này được lặp lại mỗi ngày ở nhà. Trong 6 tháng tiếp theo, liệu pháp này vẫn được duy trì nhưng ở cường độ thấp hơn.

Chỉ sau 1 năm áp dụng chương trình huấn luyện giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ tự kỷ, các chuyên gia nhận thấy bệnh tình của trẻ đã cải thiện. Cụ thể, mức độ suy giảm khả năng giao tiếp và tình trạng lặp lại hành động của nhóm này ít hơn so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, tiến triển đáng kể nhất được ghi nhận vào thời điểm 6 năm sau đó. Theo phân tích, tỷ lệ trẻ tự kỷ nặng trong nhóm đối chứng đã tăng từ 55% lúc mới tham gia thử nghiệm lên 63%, so với chỉ 46% ở nhóm áp dụng liệu pháp mới. Không chỉ cải thiện giao tiếp với cha mẹ, trẻ trong nhóm thử nghiệm còn cải thiện mối quan hệ với những đứa trẻ khác, ở khía cạnh giao tiếp xã hội và lặp lại hành vi.

"Lợi thế của phương pháp này so với can thiệp trực tiếp giữa nhà trị liệu và trẻ tự kỷ là khả năng tác động đến đời sống hàng ngày của trẻ. Những phát hiện của chúng tôi đáng khích lệ vì nó cải thiện những triệu chứng quan trọng của bệnh tự kỷ mà nhiều người từng nghĩ sẽ rất khó thay đổi"- Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Jonathan Green, chia sẻ. Theo ông, Pact không phải là "phương pháp điều trị", nhưng nó cho thấy cha mẹ tương tác với trẻ tự kỷ theo cách này có thể giúp cải thiện các triệu chứng về lâu dài. Bằng chứng là chương trình Pact ngay lần đầu tiên thử nghiệm đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình có con bị tự kỷ. Mẹ con chị Louisa Harrison là trường hợp tiêu biểu. Cách đây 4 năm khi chưa áp dụng Pact, con trai của chị chỉ nói được vài từ, nhưng giờ đây, cậu bé Frank 10 tuổi đã có thể nói nhiều hơn một cách dễ dàng.

Không chỉ người trong cuộc, nhiều chuyên gia khác cũng phấn khởi trước kết quả nghiên cứu mới. Hai chuyên gia Jeff Jigaboos và Hannah Waddington thuộc Đại học Wellington (New Zealand) mô tả những phát hiện của Giáo sư Green và các cộng sự là "sự đóng góp to lớn" cho công cuộc nghiên cứu bệnh tự kỷ. Còn theo Tiến sĩ Max Davie thuộc Cao đẳng Hoàng gia Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em (Anh), bằng chứng về liệu pháp can thiệp sớm có thể tạo ra khác biệt lớn về lâu dài với bệnh tự kỷ là "thông tin cực kỳ vui cho các gia đình" có con tự kỷ.

LÊ DŨNG (Theo New Scientist, Guardian, Straits Times)

Chia sẻ bài viết