17/08/2020 - 20:50

Liệu Nga có can thiệp vào Belarus? 

Trong cuộc điện đàm hôm 15-8 với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ hỗ trợ toàn diện, kể cả bằng các hành động quân sự, nhằm đảm bảo an ninh cho Minsk trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng ông chủ Điện Kremlin sẽ không hành động như vậy để bảo vệ nhà lãnh đạo khó đoán định ở Belarus.

Tổng thống Putin (phải) và ông Lukashenko thời còn “mặn nồng” năm 2017. Ảnh: AFP

Tổng thống Putin (phải) và ông Lukashenko thời còn “mặn nồng” năm 2017. Ảnh: AFP

Lukashenko quyết không “đầu hàng”

Sau cam kết của Tổng thống Putin, ông Lukashenko có bài phát biểu hùng hồn trước những người ủng hộ tại Quảng trường Ðộc lập ở thủ đô Minsk, thể hiện quyết tâm giữ vững quyền lực và cáo buộc sự bất ổn hiện nay do nước ngoài kích động. “Tôi sẽ không để bất cứ ai bán nước, ngay cả khi tôi phải chết” - nhà lãnh đạo 65 tuổi mạnh mẽ tuyên bố trước đám đông, đồng thời cảnh báo về những hậu quả to lớn nếu ông bị lật đổ: “Hãy nhớ rằng nếu bạn lật đổ tổng thống đầu tiên thì nó sẽ khởi đầu cho sự kết thúc. Bạn sẽ luôn quỳ gối như Ukraine và các nước khác”. Ông cũng bác bỏ nghi vấn gian lận bầu cử của phe đối lập.

Ông Lukashenko trở thành tổng thống đầu tiên của Belarus từ ngày 20-7-1994 sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên theo bản hiến pháp mới được ban hành vào tháng 3 năm đó. Qua 5 nhiệm kỳ trong 26 năm, ông Lukashenko tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với hơn 80% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hôm 9-8. Tuy nhiên, đối thủ chính của ông là bà Svetlana Tikhanovskaya không công nhận kết quả bầu cử, đồng thời rời đất nước để sang Litva ngày 11-8. Dù thủ lĩnh đối lập đi lưu vong nhưng làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử vẫn tiếp diễn và bạo lực hơn. Hãng tin AFP cho biết cuộc biểu tình ngày 16-8 do phe đối lập phát động tại Belarus thu hút hơn 100.000 người tham gia, một con số chưa từng có kể từ khi nước này tách khỏi Liên bang Xô viết năm 1991.

Ðể cáo buộc âm mưu nước ngoài muốn hạ bệ mình, Tổng thống Lukashenko cho biết xe tăng và máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã được triển khai cách biên giới Belarus 15 phút. “Binh sĩ NATO đang ở cổng của chúng ta. Litva, Latvia, Ba Lan và Ukraine đang yêu cầu chúng ta tổ chức bầu cử lại và điều này sẽ khiến nhà nước Belarus tiêu vong. Tôi sẽ không bao giờ phản bội các bạn và sẽ không bao giờ làm việc này” - ông Lukashenko tuyên bố trước những người ủng hộ.

Trước cáo buộc của ông Lukashenko, NATO cho biết họ không hề chuẩn bị công sự tại biên giới phía Tây Belarus và đang theo dõi sát tình hình nước này.

Hành động của EU và bí ẩn Nga

AFP cho biết Thủ tướng CH Czech Andrej Babis đang thúc giục các đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Belarus sớm ổn định chính trị, đồng thời nhắc lại sự kiện Liên Xô can thiệp quân sự trấn áp biểu tình tại Czech năm 1968 cũng như sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu năm 1989. Và ông Babis đúc kết: “EU phải tích cực hỗ trợ người dân Belarus và đừng ngại thực hiện một hình mẫu cách mạng nhung tương tự như năm 1989”.  Hiện EU đang chuẩn bị áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Belarus vì hành vi trấn áp biểu tình.

Belarus nằm xen giữa Nga và 3 nước NATO (Latva, Litva và Ba Lan). Belarus là quốc gia trung chuyển quan trọng cho dầu mỏ Nga chảy sang châu Âu và Mát-xcơ-va từ lâu xem đây là vùng đệm hữu ích giữa Nga và NATO. Tổng thống Putin mong muốn  Nga và Belarus thắt chặt quan hệ chính trị và quân sự gần gũi hơn bên trong khối phòng vệ chung Cộng đồng các nước quốc gia độc lập (SNG).

Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko nghi ngờ Nga muốn “nuốt chửng” quốc gia 9,5 triệu dân thông qua các dự án kết nối giữa 2 nhà nước. Ông bác bỏ đề xuất của Nga muốn mở 1 căn cứ không quân ở Belarus. Trước cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8, ông Lukashenko còn tố cáo một nhóm nhân viên an ninh tư nhân Nga sang Belarus để hỗ trợ cuộc cách mạng và cho rằng Mát-xcơ-va đã hạ cấp quan hệ anh em đặc biệt trước đây xuống còn đối tác bình thường. Ông cũng nói Nga tước đoạt Belarus 700 triệu USD do 2 nước không thể ký thỏa thuận cung cấp dầu hồi đầu năm nay. Sâu xa hơn, ông Lukashenko trong nhiều năm qua đã tìm cách kích động Nga chống lại phương Tây và Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích của Belarus, nước cũng đang tìm kiếm quan hệ với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Trước một Lukashenko nóng lạnh khó lường như vậy, dư luận cho rằng Tổng thống Putin không muốn mạo hiểm can thiệp vào Belarus mà chuốc họa. Khác năm 2014, Nga buộc phải can thiệp vào Ukraine khi nước này ngã theo phương Tây, nay dù Nga vẫn quyết giữ Belarus trong quỹ đạo của mình nhưng không phải chống người biểu tình. Theo Bloomberg, Nga có lẽ chọn con đường ôn hòa như tại Armenia năm 2018: Chấp nhận để nhà lãnh đạo thân Mát-xcơ-va bị người biểu tình lật đổ và nhanh chóng xây dựng quan hệ với chính phủ mới.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết