22/01/2022 - 10:27

Liên kết, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam

(CT) - Đó là ý kiến chung được nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo trực tuyến “Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam” do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phối hợp tổ chức Forest Trends và các đơn vị có liên quan tổ chức ngày 21-1.

Ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do việc cơ giới hóa sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế. Giá thành sản xuất mía và đường ở mức cao cộng với việc chưa khai thác tốt các nguồn phụ phẩm từ quá trình sản xuất mía đường, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, sản phẩm mía đường của nước ta kém sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là so với Thái Lan. Đặc biệt, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp chưa bền chặt; việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan còn bất cập và thu nhập của người trồng mía chưa được đảm bảo. Những năm gần đây, có rất nhiều nhà máy đường phải đóng cửa và nông dân tại nhiều nơi đã chuyển đổi từ mía sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, dẫn đến nước ta phải nhập khẩu một lượng đường rất lớn.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả và đại biểu cho rằng, cần kịp thời có giải pháp và các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường liên kết, kịp thời khắc phục các hạn chế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành mía đường nước ta. Trong đó, cần xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa nhà máy đường và hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Qua đó, đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia. Mặt khác, nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú ý làm tốt khâu sản xuất giống, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới và khai thác tốt các nguồn phụ phẩm để tạo giá trị gia tăng cao…

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết