16/09/2019 - 21:53

Liên kết để phát triển 

Liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với các đối tác ngoài nước để cùng phát triển là công tác không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Trong chuyến thăm, làm việc với Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) của Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ do đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn vừa qua, câu chuyện liên kết phát triển một lần nữa được thảo luận.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trong giờ học.

Với bề dày 53 năm phát triển, Trường ĐHCT không chỉ là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước ở vùng ĐBSCL, mà còn được biết đến là đơn vị có thế mạnh về hợp tác quốc tế. Thông qua chương trình, dự án quốc tế, nhiều thầy cô được thụ hưởng, nâng cao trình độ chuyên môn; cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành của trường được nâng cấp, phát triển. Hiện nay, trường có mối quan hệ hợp tác với trên 120 cơ quan, tổ chức quốc tế; có 20 dự án hợp đang hoạt động, kinh phí khoảng 19 tỉ đồng. Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (với 105,9 triệu USD) đang được trường thực hiện hiệu quả. Hiện Dự án đang được thực hiện giai đoạn 2015-2022, ở hợp phần phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cho trường 63 Tiến sĩ (trong đó có 30 người đang học), 9 Thạc sĩ, 100 lượt đào tạo nghiên cứu ngắn hạn từ 1-3 tháng. 

Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường. Trường đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trong đó, các đối tác đến từ Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác với trường từ rất lâu ở tất cả phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong hơn 1.800 viên chức, người lao động của trường, số giảng viên có trình độ sau đại học đạt trên 97%, có nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ của trường tốt nghiệp từ Nhật Bản. Qua thống kê, hơn 40 Tiến sĩ đang công tại các đơn vị trực thuộc trường, đều tốt nghiệp từ các trường đại học của Nhật Bản. 

Bên cạnh đối tác ngoài nước, Trường ĐHCT đã, đang tăng cường liên kết đào tạo với các viện, trường ĐH ở ĐBSCL. Trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trường không chỉ có mối quan hệ với các tỉnh, thành ĐBSCL, mà còn mở rộng hợp tác với miền Đông, Tây Nguyên và miền Trung... Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, trường đã triển khai gần 500 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp (giá trị gần 117 tỉ đồng), góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo và phát triển vùng ĐBSCL. Riêng TP Cần Thơ, từ năm 2016 đến nay, trường đã và đang thực hiện 21 đề tài với giá trị hơn 8,7 tỉ đồng thuộc các lĩnh vực  nông nghiệp, chế biến, kinh tế... 

Một góc Trường Đại học Cần Thơ.

Một góc Trường Đại học Cần Thơ.

Tại buổi làm việc với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ chủ chốt Trường ĐHCT của Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ vừa qua, nhiều ý kiến của giảng viên, đại diện các sở, ngành đề xuất tăng cường liên kết, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn. Giáo sư Hà Thanh Toàn khẳng định: "Trường sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng để cùng phát triển". PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nói: Trường mong muốn thành phố xem xét việc xây dựng Trường Sư phạm - Trường ĐHCT trên cơ sở nghiên cứu phương án tiếp nhận Trường Cao đẳng Cần Thơ về Trường ĐHCT, trong khuôn khổ mạng lưới các trường sư phạm theo quy hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đào tạo nhân lực khối ngành sư phạm cho vùng.  

Theo PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng khoa Sau Đại học, Trường ĐHCT, trong Dự án ODA, trường phối hợp 9 trường ĐH Nhật Bản với 3 chương trình đào tạo, trong đó có chương trình Biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Vừa rồi, tỉnh Vĩnh Long hợp tác “đặt hàng” với trường để đào tạo 125 Thạc sĩ chương trình này. Nếu được, trường mong muốn hợp tác với TP Cần Thơ đào tạo nhân lực trình độ sau ĐH lĩnh vực trên, vì phù hợp với sự phát triển của thành phố. PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐHCT, đề xuất về việc đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn phục vụ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để TP Cần Thơ thực sự là động lực cho vùng. PGS.TS Ngôn nói: Có thể thành lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực 4.0 cho ĐBSCL, do TP Cần Thơ trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo. Đồng thời sử dụng nguồn lực con người, cơ sở vật chất của các viện, trường. Khoa Công nghệ sẽ là cầu nối, vận động các hãng thiết bị công nghệ để đào tạo nhân lực từ cấp quản lý đến huyện xã, kể cả nông dân...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Trung cho rằng: Trường ĐHCT đóng trên địa bàn là niềm tự hào của TP Cần Thơ, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ cho ĐBSCL. Thành phố mong muốn trường tiếp tục phát huy thế mạnh, đồng thời liên kết, hỗ trợ nguồn lực cho các trường ĐH, cao đẳng khác trên địa bàn để cùng nhau phát triển. Với TP Cần Thơ cần có sự hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu trong đào tạo "đặt hàng”, thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao… góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. 

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết