Dù có đôi tháng chững lại, nhưng xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng và hứa hẹn sẽ thiết lập nên những thành công mới trong năm 2022. Tuy nhiên, hậu cần ngành hàng cá tra vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết, đặc biệt là khâu sản xuất giống, liên kết để con cá tra có thể "bơi nhanh và bơi xa" hơn trên thị trường thế giới.
Thách thức từ con giống
Chế biến cá tra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Minh Huyền
Năm 2022, ĐBSCL có 103 cơ sở sản xuất giống tập trung tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp và 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An. Tính đến ngày 30-7, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953,7ha, với sản lượng khoảng 15,9 tỉ con cá tra bột và trên 2,2 tỉ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Những tháng đầu năm, khi tình hình xuất khẩu cá tra thuận lợi (cả về sản lượng lẫn giá cả) nhu cầu con giống thả nuôi cũng bắt đầu tăng cao, gây nên tình trạng thiếu hụt con giống, đẩy giá cá tra giống lên mức 45.000-50.000 đồng/kg kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4. Điều này khiến cho diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm tăng trưởng chậm lại từ mức 94% vào tháng 2 xuống chỉ còn 20% trong tháng 4.
Về tình trạng thiếu hụt nguồn con giống để nuôi thương phẩm, theo ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) ngoài chuyện thiếu hụt nguồn cung chất kích dục tố màng đệm (HCG) cục bộ do phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, còn do tỷ lệ sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột lên cá hương còn thấp (khoảng 15%), khiến giá thành sản xuất con giống còn cao. Bên cạnh khó khăn về mặt kỹ thuật, các dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất ương dưỡng giống cá tra thuộc Đề án giống cá tra 3 cấp còn chậm, dự án sản xuất giống cá tra cũng chậm phê duyệt nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phát tán đàn cá tra chọn giống. Vì vậy, tình trạng sử dụng cá bố mẹ chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn diễn ra, đặc biệt trong giai đoạn khan hiếm con giống có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của toàn chuỗi ngành hàng.
Trễ nhịp do thiếu liên kết
Từ nhiều năm qua, cứ mỗi khi nhu cầu thả nuôi cá tra thương phẩm tăng cao thường kéo theo tình trạng sốt giá và thiếu hụt nguồn cung cá tra giống. Điều này cho thấy vẫn chưa có sự liên kết giữa hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống và hoạt động nuôi thương phẩm. Hay nói một cách khác là người sản xuất giống chưa bắt nhịp đồng bộ với nhu cầu thả nuôi nên sản xuất giống thường bị trễ nhịp. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đối với cá thương phẩm, hiện các doanh nghiệp chế biến phần lớn đã chủ động được khoảng 65-70%, số còn lại hầu hết người nuôi cũng đã có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Riêng cá tra giống, việc liên kết từ cơ sở sản xuất giống đến cơ sở ương dưỡng và người nuôi vẫn còn lỏng lẻo. Đây cũng là lý do khiến việc cung ứng giống thường bị trễ nhịp một khi nhu cầu thả nuôi thương phẩm tăng cao.
Đồng tình với những nhận xét trên, TS. Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, con giống luôn có mối liên hệ mật thiết với thị trường tiêu thụ cá tra, nên việc sản xuất giống cũng cần cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp tránh tình trạng thừa, thiếu, mỗi khi có biến động từ thị trường xuất khẩu. PGS.TS Phạm Thanh Liêm - Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: "Cần có phần mềm cơ sở dữ liệu để các bên trong chuỗi giá trị cá tra có thể nắm bắt thông tin liên quan kịp thời nhằm chủ động đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh phù hợp, chính xác, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, gây khó khăn cho các bên tham gia".
Xuất khẩu tốt, dư địa lớn
Dù giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường đã giảm một chút so với những tháng trước, nhưng cá tra vẫn là sự lựa chọn của nhiều thị trường trong bối cảnh lạm phát kỷ lục ở nhiều nước. Do đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 8-2022 vẫn giữ được mức tăng trưởng 2-3 con số với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với tháng 7-2022, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm nay đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%; thị trường Mỹ chiếm 25% với 428 triệu USD, tăng 90%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường châu Âu (EU) có khả năng thiếu nguyên liệu cá thịt trắng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp tại Đông Âu và lạm phát tăng kỷ lục tại EU. Đó sẽ là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm 2022. Người nuôi cá da trơn tại Mỹ cũng gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, chi phí thức ăn, nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận và nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ. Sau gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự đoán các nhà nhập khẩu cá tra Trung Quốc có khả năng duy trì lượng hàng nhập khẩu như năm 2021. Do đó, dư địa xuất khẩu cá tra vẫn còn rất lớn, nếu chúng ta thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Lạc quan về tương lai ngành hàng cá tra, nhưng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu sản xuất giống và liên kết chuỗi ngành hàng, ông cho biết: "Trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, con giống là khâu then chốt, quyết định sự thành bại. Vì vậy, các tỉnh, thành nuôi cá tra tại ĐBSCL phải tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp. Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra quan tâm liên kết với vùng sản xuất giống một cách chặt chẽ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất".
HOÀNG NHÃ