13/10/2012 - 17:54

Ông Trần Văn Thiện, Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô:

Liên hoan sân khấu cải lương là cơ hội để nghệ sĩ trẻ thử sức

Ngày 20-10 tới đây, Đoàn Cải lương Tây Đô mang vở cải lương "Món nợ vùng ven" tham gia Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Đồng Nai. Tại hậu cứ của đoàn, ông Trần Văn Thiện, Trưởng đoàn Cải lương Tây Đô, đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc trao đổi.

* Xin ông cho biết vì sao Đoàn Cải lương Tây Đô chọn dàn dựng vở "Món nợ vùng ven" để tham gia Liên hoan lần này?

- Vở cải lương "Món nợ vùng ven" của tác giả Nguyễn Kháng Chiến – Đức Hiền do nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung làm đạo diễn. Vở cải lương ca ngợi những người phụ nữ hai miền Nam – Bắc kiên cường, thủy chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhân vật Nụ là đại diện cho phụ nữ miền Bắc, sau đám cưới chỉ một ngày phải tiễn chồng vào Nam chiến đấu. Còn những người phụ nữ như Má Tư, Út Thư… là mẫu phụ nữ miền Nam trong chiến tranh, hy sinh hạnh phúc riêng, lên đường bảo vệ Tổ quốc…

Đây là một kịch bản hay, xúc động và gần gũi với người xem. Các nhân vật trong vở diễn đều có chỗ đứng với những tính cách, nỗi niềm khác nhau và điểm gặp gỡ của họ là lòng yêu nước nên các tình tiết tập trung, khán giả dễ xem, dễ cảm. Các nghệ sĩ thủ vai cũng có nhiều đất diễn.

* Được biết tham gia diễn vở "Món nợ vùng ven" là những nghệ sĩ trẻ. Có phải đoàn "mạo hiểm" ở một kỳ Liên hoan cải lương chuyên nghiệp?

Vở cải lương “Món nợ vùng ven” do các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Đô biểu diễn. (Ảnh do Đoàn Cải lương Tây Đô cung cấp).

- Dàn nghệ sĩ tham gia "Món nợ vùng ven" hầu hết là các nghệ sĩ trẻ của đoàn chứ chúng tôi quyết định không thuê mướn như các lần trước. Một phần chúng tôi quyết tâm "có gì thi nấy", phần khác đây là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ thử sức. Nhưng đoàn không hề mạo hiểm bởi các nghệ sĩ này đã được đào tạo, tập luyện từ vài năm qua. Đây là lớp nghệ sĩ "sáng" của đoàn cả về thanh lẫn sắc. Ngoài các nghệ sĩ có nghề như: NSƯT Thảo Vân, Hoàng Khanh, Ngọc Nhung…, các nghệ sĩ trẻ như: Đình Phong, Kim Ngân, Hồng Giang… hay HCV Giải thưởng Trần Hữu Trang 2011 Nguyễn Phương Anh đều đã bắt được cái thần của vai diễn, diễn xuất có chiều sâu, lột tả trọn vẹn chủ đề tư tưởng của vở, khả năng tung hứng phối hợp giữa các nhân vật khá nhuần nhuyễn.

* Qua Liên hoan này, lãnh đạo đoàn có kế hoạch gì để mang cải lương đến với khán giả trong tình trạng khó khăn của nghệ thuật cải lương như hiện nay, thưa ông?

- Để hoàn thành vở diễn này, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và ngành văn hóa từ khâu góp ý chọn kịch bản đến tập dượt, kinh phí. Dù không có áp lực về thành tích nhưng anh chị em nghệ sĩ đều rất quyết tâm.

Sau Liên hoan, đoàn sẽ thiết kế lại sân khấu, cảnh trí cho phù hợp với sân khấu ngoài trời để lưu diễn phục vụ nhân dân địa phương trước và trong dịp Tết Nguyên đán 2013 – đặc biệt là tại các xã vùng ven thành phố - nơi bà con rất "thèm" nghe và xem cải lương. Thật lòng mà nói, nhiều năm qua do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất nên đoàn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu giải trí của bà con.

Tôi nghĩ nghệ thuật cải lương vẫn có sức sống và một số lượng khán giả nhất định. Sắp tới, Đoàn Cải lương Tây Đô sẽ ổn định lực lượng diễn viên, nghệ sĩ, tổ chức tập lại một số vở diễn để phục vụ bà con; song song đó, phát hiện và đào tạo lực lượng kế thừa theo kiểu "nghề truyền nghề" để mang lời ca tiếng hát của nghệ thuật cải lương đến với khán giả đất Tây Đô với mật độ dày hơn.

* Xin cám ơn ông!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết