27/05/2023 - 08:30

Leo thang nguy cơ xung đột hạt nhân ở châu Âu 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Sau thông tin về khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Nhật Bản với tư cách Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào Mát-xcơ-va dựa trên sự đồng thuận của các thành viên còn lại tại hội nghị thượng đỉnh vừa rồi.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Lukashenko.

Phát biểu ngày 26-5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cảnh báo động thái của Nga ở Belarus sẽ làm căng thẳng thêm các tình huống xung quanh cuộc chiến Ukraine. “Là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong thời chiến, Nhật Bản không bao giờ chấp nhận mối đe dọa hạt nhân của Nga, chứ đừng nói đến việc họ triển khai nó” - ông Matsuno nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án mạnh mẽ “hành vi vô trách nhiệm” của Nga. Trong một cảnh báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhắc lại quan điểm của Washington về việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân trong cuộc xung đột hiện nay ở Đông Âu sẽ dẫn tới những biện pháp đáp trả có “hậu quả nghiêm trọng”. Cùng ngày, Liên minh châu Âu cho biết khối tiếp tục theo dõi sát sao động thái của Nga và sẽ phản ứng khi thích hợp.

Tuyên bố của Mỹ và đồng minh được đưa ra sau thông tin Nga ký thỏa thuận lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một cơ sở ở Belarus. Đây sẽ là lần triển khai loại vũ khí như vậy đầu tiên của Điện Kremlin bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Phát biểu ngày 25-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng Mỹ và các đồng minh đang tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm” mở rộng chống lại Mát-xcơ-va. Trong bối cảnh các mối đe dọa ở biên giới leo thang cực kỳ nghiêm trọng, giới chức Nga và Belarus nhất trí có phản ứng trong lĩnh vực quân sự - hạt nhân để đáp trả thái độ thù địch từ phương Tây.

Theo nhà phân tích quân sự độc lập Aliaksandr Alesin, khoảng 2/3 kho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm trung của Nga được cất giữ ở Belarus trong Chiến tranh Lạnh. Hiện có hàng chục cơ sở lưu trữ từ thời Liên Xô vẫn còn sử dụng được.

Ưu thế vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga

Dựa trên nội dung Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, không một cường quốc hạt nhân nào có thể chuyển vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cho một quốc gia phi hạt nhân. Tuy nhiên, vũ khí có thể được triển khai bên ngoài biên giới nếu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quốc gia đó. Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định, bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được chuyển đến Belarus sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mát-xcơ-va. Ông Putin cũng nói rõ quyết định này tương tự những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh.

Theo thông tin từ Nga, tiến trình xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1-7. Phát biểu khi tham dự cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á - Âu tối cao tại

Mát-xcơ-va, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 25-5 khẳng định các đầu đạn hạt nhân đã bắt đầu được vận chuyển. Điện Kremlin chưa xác nhận, nhưng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Mát-xcơ-va đã bàn giao tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân cho lực lượng vũ trang Belarus. Ngoài ra còn có một số máy bay Su-25 đã được chuyển đổi để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí hạt nhân chiến thuật được dùng để tiêu diệt quân địch và phá hủy vũ khí trên chiến trường. Chúng thường có tầm bắn tương đối ngắn và công suất nhỏ hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để hủy diệt các thành phố. Hiện Nga được đánh giá có ưu thế vượt trội hơn so với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo ước tính, Washington sở hữu khoảng 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật với một nửa trong số đó được đặt tại các căn cứ ở châu Âu. Về phần Nga, nước này được cho có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật đang hoạt động.

Chia sẻ bài viết