26/06/2019 - 16:27

Lão nông thời @ 

Trong khi câu chuyện làm nông nghiệp 4.0 vẫn còn là bỡ ngỡ với nhiều người thì ở tuổi 66, lão nông Nguyễn Hùng Dũng, ngụ tại ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ vẫn không ngừng học hỏi, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất. Với 1ha trồng mãng cầu xiêm, ông Dũng đầu tư hệ thống tưới phun tự động, áp dụng kỹ thuật trong canh tác… mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, ngụ tại ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ (bên trái) giới thiệu mô hình trồng mãng cầu xiêm của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn mãng cầu trái sai oằn, ông Dũng kể, khi rời bục giảng, ông về nhà trồng lúa suốt nhiều năm. Nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả cao, năm 2017, ông mới bắt đầu lên bờ trồng 600 gốc mãng cầu xiêm. Khác với nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm bằng cách ghép nhánh trên gốc cây bình bát, ông Dũng chọn trồng cây mãng cầu từ hạt. Theo ông Dũng, việc trồng cây bằng hạt giúp cho cây cho sức chống chịu tốt hơn, xử lý cho trái dễ dàng hơn…

Vườn nhà ông Dũng được đầu tư hệ thống tưới phun tự động với khoảng 250 béc phun tưới. Ông kể: “Đối với cây mãng cầu xiêm, không cần phải tưới nhiều nước, chỉ cần giữ vừa độ ẩm cho đất. Trước đây, do đất rộng nên tôi phải mất thời gian cả ngày trời mới tưới được hết vườn. Vất quả quá nên tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để tự lắp đặt hệ thống phun tưới”. Tuy chưa từng học qua nghề điện nhưng ông đã tự mày mò, nghiên cứu thành công hệ thống phun tưới, rút ngắn thời gian tưới đáng kể, đỡ phần nặng nhọc. Ở tuổi gần 70, ông Dũng vẫn lên internet để học tập những kinh nghiệm, sáng kiến hay trong việc trồng trọt. Nhờ vậy, mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông mang lại hiệu quả cao hơn. Ông nhẩm tính: “Bình quân đối với cây 2 năm tuổi, thu hoạch trên 25 trái. Mỗi trái từ 2-4 ký. Đối với giống mãng cầu, mỗi năm thu hoạch 2 đợt chính, tính lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa”.

Chia sẻ bí quyết trồng mãng cầu xiêm đạt năng suất cao, lão nông vui vẻ cho biết: “Trước khi trồng phải đắp mô từ 6-7 tấc. Bên cạnh đó, do bộ rễ của cây rất yếu, dễ bị đổ ngã nên khi trồng, phải cặm cây, cột dây cho chắc chắn. Sau đợt cây cho trái, cần tỉa bớt cành dư thừa. Trái được bao trong lưới và quy trình trồng không sử dụng nhiều phân thuốc… Trên 1ha vườn, khoảng nửa tháng, tôi mới rải 50 ký phân NPK...”. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác trên, đợt thu hoạch trái chiến vừa qua, ông Dũng thu trên 12 tấn trái, thu lời 120 triệu đồng. Hiện nay, giá thương lái thu mua dao động trên dưới 13.000 đồng/ký nên bà con trồng mãng cầu xiêm phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Ông Dũng còn tự mày mò làm trà mãng cầu để tận dụng những trái không đẹp mắt bị thương lái bỏ lại. Cũng học từ mạng internet, ông Dũng nghiên cứu cách chế biến trà mãng cầu đạt được hương vị thơm ngon, có hậu ngọt thanh, dễ uống lại tốt cho sức khỏe. Mỗi tháng, bà con thân quen đều đặt mua từ 4-5 ký trà mãng cầu, giúp ông có thêm nguồn thu nhập.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Lão nôngthời @