Lướt thuyền trên lòng hồ lãng đãng khói sương như đang ngao du sơn thủy ở miền đất huyền ảo. Ít ai ngờ rằng, đó là một phần ngoạn mục của Đà Giang- dòng sông đòi hỏi người lái đò phải nằm lòng từng ghềnh đá, lạch nước để vượt qua như một trận chiến sinh tử. Nơi đây còn lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian, trong đó có tục thờ Mẫu vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Người ta hay gọi Thung Nai là "Hạ Long trên cạn" hay "Hạ Long Tây Bắc". Nhưng ai một lần đến đây sẽ có cái nhìn và cảm nhận rất khác Hạ Long. Thung Nai là một quần thể sơn thủy hữu tình với ba mặt là núi bao bọc, giữa là lòng hồ nước rộng mênh mông như một viên ngọc bích lấp lánh giữa đất trời Tây Bắc.
Động Thác Bờ là nơi ẩn trú an toàn khi vượt thác gặp sóng to, mưa bão.
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 25km, cách Hà Nội khoảng 110km, Thung Nai là một hồ chứa nước hình thành do ngăn đập để phát triển thủy điện vào năm 1979 tại thành phố Hòa Bình. Khi đó, đây là thủy điện lớn nhất Việt Nam. Người ta cho chắn dòng hung hãn của sông Đà, dùng sức mạnh của nó tạo dòng điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Thuyền đưa khách dạo lòng hồ thường chỉ chạy chầm chậm, lướt nhè nhẹ, dìu dặt như thể sợ làm giật mình nàng con gái Mường đang mơ màng bên khung cửa. Người lái đò quan sát, giữ an toàn cho đoàn. Điểm dừng chân đầu tiên là đền Bà Chúa Thác Bờ, cách bến thuyền chừng 20 phút rong ruổi. Đền hiện đã được xây dựng khang trang trên một sườn đồi ven hồ. Khi chưa ngăn đập, đền nằm sâu bên dưới, cách điểm hiện nay chừng vài cây số. Đây là nơi thờ một phụ nữ người Mường tên Đinh Thị Vân, có công giúp vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cùng đoàn quân vượt sông, cung cấp lương thực để chống ngoại xâm khi đó đã tràn vào tận Sơn La (ngày nay). Chiến thắng trận này, vua Lê Thái Tổ sắc phong bà là Hoàng Kim Mẫu Chúa Mường Sơn Trang. Hậu thế xem bà như nữ thần cai quản vùng đất này.
Suối Trạch có nhiều tầng bậc để du khách khám phá, tắm sau một ngày rong ruổi trên hồ.
Cách đền chừng 15 phút ngồi thuyền là động Thác Bờ. Đó là một hang động đá vôi rộng lớn, bên trong hiện đã phủ kín các trang thờ nên không còn vẻ tự nhiên nữa. Ngày trước, vượt qua thác Bờ trên sông Đà là một hành trình gian khó bởi "thạch trận" mà thiên nhiên bày ra như một thách thức. Chỉ có những người nắm được luồng lạch, cửa sinh, cửa tử và đủ khỏe mạnh mới có thể vượt qua. Đó là chưa kể những lúc nước bất chợt đổ về nhiều hay mưa bão tạo một thế trận khác vô cùng nguy hiểm. Khi đó, động Thác Bờ trở thành nơi lánh nạn, trú ẩn của người dân. Mùa nước cạn, người ta phải leo hơn trăm bậc thang mới tới cửa động. Mực nước dâng cao vào mùa mưa, bước chân xuống thuyền và chạm vào cầu nổi ở ngay cửa động. Từ cửa động, di chuyển sang phía bờ kia, sẽ ngang qua chợ Bờ nằm giữa hồ. Đó là ốc đảo nhóm chợ phiên hằng tuần để người dân sinh sống ở khu vực lòng hồ đến trao đổi, mua bán hàng hóa, thủy sản. Di chuyển vào sát vách núi, đi trên chiếc bè tre làm cầu dài chừng 50 mét là tới suối Trạch. Tầng hai của con suối này là một thác cao, bên dưới tạo thành hồ sâu, là điểm tắm tuyệt vời.
Đêm trở về các đảo trên hồ để nghỉ qua đêm hoặc trở lại bờ, về trung tâm thành phố Hòa Bình. Nhưng nếu khách chán với cảnh nhộn nhịp thì nên nghỉ đêm trên đảo giữa lòng hồ. Đêm Thung Nai vô cùng yên tĩnh. Chỉ có tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền. Xa xa vọng lại tiếng thuyền chài của ngư dân mưu sinh trên hồ. Bên bếp lửa hồng, vừa thưởng thức lợn bản Mường, gà đồi Thung Nai với cơm lam thơm phức, nghe những câu chuyện từ người phụ nữ Mường mới hiểu được phần nào dòng sông huyền thoại này.
Dọc theo hai bên bờ sông Đà và thác Bờ ngày xưa là ngôi làng của người Mường. Họ sống rất xa trung tâm, heo hút trong núi sâu hiểm trở. Thung Nai ngày nay bao gồm cả bốn mường (làng của người Mường) là mường Bi, mường Vang, mường Thàng và mường Động. Mỗi mường đều có những cánh đồng lúa chia thành nhiều tầng bậc theo địa hình của núi đồi. Xa các bản làng là rừng rậm. Nơi đó, có một thung lũng là nơi sinh sống của bầy nai rừng hoang dã. Người ta gọi đó là Thung Nai. Thuở ấy, vùng đất này có cả hổ, sói, beo, gấu
Khi ngăn đập làm thủy điện, nước dâng cao hàng chục mét, người dân các mường phải di dời về khu ở tập trung an toàn hơn. Động vật hoang dã cũng rút lên núi cao, rừng sâu hơn. Người ta gộp khu này lại và lấy tên Thung Nai làm tên xã, thuộc huyện Cao Phong, Hòa Bình.
Bài, ảnh: MIÊN HẠ