24/07/2021 - 07:51

Lan tỏa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp 

Dịch COVID-19 với những thách thức chưa có tiền lệ cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Những ngày này, nhiều DN TP Cần Thơ đang bắt nhịp với phương thức kinh doanh “vừa cách ly, vừa sản xuất”, “3 tại chỗ”, số khác phải tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Song không vì thế mà các hoạt động hướng về cộng đồng chựng lại. Những chuyến xe, hành trình kết nối yêu thương mang hàng hóa, nhu yếu phẩm được tập hợp, đóng góp từ các DN, hộ kinh doanh vẫn đều đặn đến với bà con nghèo, mất việc làm do dịch bệnh. Hình ảnh DN hướng về cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, đang lan tỏa mạnh mẽ.

Chung tay vì cộng đồng

Mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều do CBA phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức.

Mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều do CBA phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức.

Tất bật với phương thức kinh doanh mới “vừa cách ly, vừa sản xuất”, anh Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa vẫn dành thời gian cho những chuyến hỗ trợ các chốt kiểm dịch, bà con nghèo. Anh Nghĩa chia sẻ: Công ty đã tặng trên 200 thùng sữa B’fast cho Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ và Trạm Y tế phường Phú Thứ, Trạm Y tế phường Thường Thạnh, chốt kiểm soát y tế trên đường Phạm Hùng của quận Cái Răng... Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, người bán vé số trên địa bàn huyện Thới Lai các nhu yếu phẩm: gạo, mì gói, sữa, bột nêm, nước tương… Hưởng ứng mô hình “mang chợ ra phố”, “siêu thị 0 đồng” do thành phố phát động, Công ty ủng hộ hàng trăm ký chả cá và một số loại cá làm sạch cho “Siêu thị mini 0 đồng” tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Anh Trần Vũ Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ô tô Trường Dũng, bộc bạch: “Từ khi thành phố thực hiện chỉ thị 16 (ngày 12-7) tại quận Cái Răng và Ninh Kiều, Công ty đã tạm ngưng hoạt động. Tận dụng lượng xe “nhàn rỗi” hiện có, tôi cùng các bạn của mình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm miễn phí đến với bà con gặp khó khăn. Trong một tuần qua, chúng tôi đã mua 5-6 tấn rau củ của nông dân ở Cái Răng, Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ… Lượng rau củ này đã tới kỳ thu hoạch nhưng do các chợ đóng cửa, không tiêu thụ được. Sau khi mua về, chúng tôi phân thành từng phần và phối hợp với các phường để phân phát đến tận nhà bà con, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”.

Các tổ chức quy tụ đông đảo DN như Hiệp hội DN TP Cần Thơ, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân TP Cần Thơ cũng chung sức lan tỏa trách nhiệm xã hội của DN trong mùa dịch. Bà Tạ Thị Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân TP Cần Thơ, cho biết: “Câu lạc bộ có 74 thành viên, đa phần là DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Với tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng, các thành viên đã nhanh chóng tiếp sức các chốt kiểm dịch cửa ngõ, các “Siêu thị 0 đồng” ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Tân An và “Siêu thị 0 đồng” do Hội LHPN TP Cần Thơ làm đầu mối”.

Triết lý kinh doanh nhân văn

Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình xây dựng và phát triển của nhiều DN. Anh Phạm Trọng Nghĩa nói: Những hoạt động Phạm Nghĩa đã và đang thực hiện đều hướng đến 3 mục tiêu xuyên suốt mà Công ty đã đề ra ngay buổi đầu khởi nghiệp: niềm tin sản phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường nhân văn. Ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh thu Công ty giảm mạnh do kênh nhà hàng, khách sạn, quán ăn dừng hoạt động; nhiều công nhân gặp khó khăn đi lại và lo sợ dịch bệnh nên xin tạm nghỉ; xuất khẩu chựng lại; chi phí vận chuyển tăng liên tục. Thật lòng mà nói, khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu nghĩ đơn giản cho mình, tôi sẽ ở nhà nghỉ ngơi thư giãn cùng gia đình. Nhưng rồi tôi lại trăn trở và quyết tâm để Công ty vẫn hoạt động theo hướng “3 tại chỗ” vì 2 điều cần phải giữ: giữ việc làm cho người lao động và giữ việc cung ứng nguồn thực phẩm trong thời gian giãn cách”.

Anh Trần Vũ Trường cho biết: “Mỗi tháng Công ty phải “gánh” khoảng 500 triệu đồng lãi ngân hàng, lương nhân viên và các chi phí khác. Đây là áp lực rất lớn. Nhưng mình khó khăn thì còn biết bao người khó khăn hơn. Thấy tôi làm việc vì cộng đồng, các anh em trong Công ty cũng tình nguyện, không nhận thù lao, lái xe mang thực phẩm đến với bà con. Một số bạn bè, người quen cũng gửi tiền, hiện vật để giúp đỡ bà con. Vì vậy, sắp tới, ngoài rau củ, Chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” của chúng tôi còn có các mặt hàng gạo, nước tương, nước mắm… trong mỗi phần quà”.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), câu chuyện DN TP Cần Thơ hướng về cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội là chuyện đã quen thuộc trong những năm gần đây. Với vai trò là tổ chức hỗ trợ, kết nối DN và chính quyền thành phố, CBA  tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ các văn bản chỉ đạo của thành phố đến nhanh với DN; gửi những khó khăn, vướng mắc của DN đến lãnh đạo thành phố để kịp thời chỉ đạo, xử lý... Tất cả những việc này nhằm tạo điều kiện để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, thu được lợi nhuận, làm nền tảng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết