10/12/2021 - 07:53

Lan tỏa nét đẹp di sản dân ca, dân vũ 

“Quê hương và lời ru” là chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ thực hiện, tham gia Liên hoan Ðàn, hát dân ca ba miền năm 2021. Những câu hát, lời ru, điệu múa mang đậm bản sắc Cần Thơ được dàn dựng duyên dáng, hấp dẫn, góp phần lan tỏa nét đẹp di sản.

Tiết mục hát, múa “Cần Thơ giai điệu trái tim”.

Liên hoan Ðàn, hát dân ca ba miền năm 2021 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức. Dự kiến ban đầu, liên hoan được tổ chức trực tiếp tại TP Ðà Lạt nhưng để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức đã chuyển sang hình thức liên hoan trực tuyến. Các đơn vị tổ chức ghi hình, ghi âm chương trình nghệ thuật gửi dự thi. Trung tâm Văn hóa thành phố đã hoàn tất ghi hình toàn bộ chương trình và gửi tác phẩm tham dự theo đúng quy định.

Nói về chủ đề “Quê hương và lời ru”, NSƯT Huỳnh Nhật Danh, đạo diễn chương trình, cho biết: Xuyên suốt 6 tiết mục trong chương trình có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, mong ước về cuộc sống an lành, hạnh phúc, dịch COVID-19 sớm được kềm chế. Ðặc biệt, chương trình lồng ghép rất nhiều loại hình dân ca, dân vũ Nam Bộ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Hát ru người Việt ở Cần Thơ.

Chương trình mở đầu bằng tiết mục hát ru “Mẹ và lời ru”, do các nghệ nhân Thúy Ái, Quỳnh Mai, Ngọc Vẹn thể hiện. Lời ru của 3 người Mẹ Bắc - Trung - Nam hòa chung trong tình mẫu tử thiêng liêng. Lời ru còn chất chứa những lời dạy bảo, mong ước con trẻ lớn lên thành người có ích cho non sông, đất nước. Tiết mục dân ca hài “Ai cũng khen anh” mang đến nhiều tiếng cười, thể hiện niềm vui, tấm lòng nhiệt thành của anh lính phục viên với xóm làng, quê hương... Với hai điệu lý là Lý Cây cám và Lý Con cúm núm, hai giọng ca gạo cội của Cần Thơ là NNƯT Thanh Tùng và NNƯT Trường Út cuốn hút người nghe bởi cách ca ngọt ngào mà dí dỏm, dân dã.

Ở thể loại dân vũ, hầu như tiết mục nào cũng có những điệu múa dân gian minh họa, nhưng đặc sắc nhất là tiết mục múa dân gian Khmer “Niềm vui ngày mùa” và hát, múa bóng rỗi “Lời vọng cầu”. Nếu như “Niềm vui ngày mùa” là sự kết hợp khéo léo các động tác, điệu múa Khmer truyền thống thì “Lời vọng cầu” mang đến điệu múa bóng rỗi đặc trưng Nam Bộ. Múa, hát bóng rỗi là loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ (cụ thể là cúng Bà Chúa Xứ), được NSƯT Huỳnh Nhật Danh dàn dựng thành tiết mục nghệ thuật với những câu hát rỗi mong quê hương, đất nước cường thịnh, nhân dân an lành, hạnh phúc, đại dịch tiêu tan, khắp chốn bình an.

Một tiết mục cũng hứa hẹn tạo hiệu ứng trong liên hoan lần này là độc tấu đàn nhị (tức đàn cò) “Kể chuyện ngày mùa”, âm nhạc của Thao Giang, do nghệ nhân Kim Oanh thể hiện. Nghệ nhân Kim Oanh có thâm niên thực hành và truyền dạy âm nhạc dân tộc, sử dụng nhuần nhuyễn đàn nhị, nên khi bà cất tiếng đàn véo véo, réo rắt, như gợi mở trước mắt người nghe không gian đồng ruộng ngày mùa vui tươi, thanh bình.

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nghệ nhân của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ và cộng tác viên vẫn nỗ lực tập luyện trên tinh thần đảm bảo phòng, chống dịch. Các nghệ nhân tập riêng tại nhà, bàn bạc cách phối hợp qua điện thoại, hạn chế tập trung. Dù vậy, các tiết mục dự thi vẫn rất chỉn chu, nghệ thuật. NNƯT Thanh Tùng cho biết: “Tiết mục liên khúc lý với màu sắc vui tươi tạo ấn tượng với tôi ngay từ đầu. Ðiều tôi chú ý là làm sao chuyển tải được sự lạc quan, yêu đời đến cho người nghe qua những câu lý quê hương”.

NSƯT Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi tham dự Liên hoan Ðàn, hát dân ca ba miền năm 2021, các tiết mục của chương trình sẽ được lồng ghép, dàn dựng vào các chương trình nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa thành phố trong thời gian tới. Ðồng thời, chương trình sẽ được phát trên các nền tảng số của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ để phục vụ khán giả, giúp lan tỏa di sản nghệ thuật truyền thống.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết