28/10/2020 - 07:12

Làn sóng “bài Pháp” lan rộng trong thế giới Hồi giáo 

Hôm 26-10, Chính phủ Pháp buộc phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia Hồi giáo chấm dứt tình trạng kích động “gây thù hận” và dập tắt làn sóng tẩy chay cực đoan nhắm vào hàng hóa “Made in France”.

Biểu tình chống Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-10. Ảnh: AP

Biểu tình chống Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-10. Ảnh: AP

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh giận dữ leo thang trong thế giới Hồi giáo sau phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ tưởng niệm quốc gia dành cho giáo viên trung học Samuel Paty. Được biết, thầy Paty (47 tuổi) bị một kẻ Hồi giáo cực đoan sát hại ngày 16-10 vì đã cho học sinh xem các tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohamed. Tại buổi lễ, Tổng thống Macron cam kết tiếp tục bảo vệ quyền được vẽ tranh biếm họa về nhà tiên tri của người theo đạo Hồi. Chủ nhân Điện Élysée khẳng định sẽ nỗ lực gấp đôi để ngăn các tín đồ Hồi giáo cực đoan phá hoại những giá trị Pháp.

Tuyên bố của ông Macron vấp phải chỉ trích ở những nước có đa số dân là Hồi giáo. Cụ thể, Chính phủ Qatar đã lên án cái gọi là “luận điệu dân túy kích động chế nhạo những đức tin khác”. Ngoài hoãn sự kiện tuần lễ văn hóa Pháp, nhiều chuỗi phân phối thực phẩm ở nước này cho biết sẽ sớm loại hàng Pháp khỏi các cửa hàng. Trong khi đó, không chỉ tẩy chay sản phẩm “Made in France”, gần 430 đại lý du lịch ở Kuwait còn hủy đặt vé các chuyến bay đến Pháp.

Trong thông báo hôm 26-10, Văn phòng Đối ngoại Pakistan cho biết nước này vừa triệu Đại sứ Pháp tại Islamabad, một ngày sau khi Thủ tướng Imran Khan chỉ trích Tổng thống Macron “công kích đạo Hồi”. Chung quan điểm, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định việc xúc phạm người Hồi giáo là ví dụ cho việc lạm dụng quyền tự do ngôn luận và nó chỉ thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan.

Theo Hãng tin Reuters, làn sóng phản đối còn lan rộng sang các nước Bangladesh, Libya, Tunisia và Palestine khi người biểu tình xuống đường, đốt và dẫm lên ảnh Tổng thống Macron cùng quốc kỳ Pháp.

Pháp - Thổ đối đầu

Tuy là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất chống ông Macron ở sự việc lần này.

Trước đó, hai nước vẫn liên tục đối đầu trong các vấn đề liên quan Syria, Libya, hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và xung đột leo thang giữa Armenia - Azerbaijan. Lần này, mâu thuẫn bị đẩy lên cao khi người đứng đầu chính quyền Ankara Recep Tayyip Erdogan kêu gọi người dân tẩy chay triệt để sản phẩm xuất xứ từ Pháp cũng như đề nghị Tổng thống Macron “kiểm tra sức khỏe tâm thần”. Tuyên bố được ông Erdogan lặp lại trên chương trình truyền hình ngày 25-10, kèm theo dự đoán nhà lãnh đạo 42 tuổi sẽ không thắng trong cuộc bầu cử năm 2022.

Bình luận của Tổng thống Erdogan sau đó bị toàn thể chính giới Pháp kịch liệt lên án, từ cánh cực hữu cho đến phe cực tả. Trong động thái hiếm hoi, Điện Élysée đã triệu Đại sứ Pháp ở Ankara về nước. “Lịch sử của chúng tôi là một trong những trận chiến chống lại chế độ chuyên chế và cuồng tín. Chúng tôi tôn trọng mọi khác biệt trên tinh thần hòa bình, không chấp nhận phát ngôn thù hận và luôn bảo vệ các cuộc tranh luận hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục và luôn đứng về phía nhân phẩm cùng những giá trị phổ quát” - Tổng thống Macron phản bác ông Erdogan bằng bài đăng trên Twitter dưới 3 thứ tiếng Pháp, Anh và Arab.

Theo sau dòng tweet, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo khẳng định những lời kêu gọi tẩy chay và kích động biểu tình đang bóp méo lập trường mà nước này bảo vệ, đó là ủng hộ tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và phản đối bất kỳ hành vi cổ súy thù hận. Cơ quan này nhấn mạnh những hành vi trên là hoàn toàn vô nghĩa và cần chấm dứt ngay, cùng với tất cả hình thức chống lại Pháp được hỗ trợ bởi một bộ phận thiểu số cực đoan.

Châu Âu đồng lòng

Trước phản ứng “bài Pháp” ngày càng lan rộng, nhiều lãnh đạo châu Âu đã cùng làm rõ quan điểm ủng hộ Tổng thống Macron. Theo phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, bình luận phỉ báng nhằm vào Pháp và cá nhân nguyên thủ nước này là không thể chấp nhận, đặc biệt sau khi giáo viên Pháp bị kẻ cuồng tín Hồi giáo sát hại dã man. Lãnh đạo các nước Ý, Hà Lan và Hy Lạp cũng đồng lòng với Paris trong “cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.

Trước đó, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell khẳng định những nhận xét của Tổng thống Erdogan đối với người đồng nhiệm Pháp là không thể chấp nhận, qua đó kêu gọi Ankara chấm dứt “vòng xoáy đối đầu nguy hiểm”. Củng cố quan điểm EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rõ khối này đứng về phía Pháp sau vụ tấn công khủng bố sát hại thầy giáo Paty.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết