27/03/2013 - 21:10

Làm giàu từ mô hình nông nghiệp đa canh

Hằng ngày chị The luôn cần mẫn chăm sóc bên đàn heo, ruộng đồng,
vườn tược...

Nhiều năm nay, bằng việc sản xuất theo mô hình nông nghiệp đa canh vườn - ao - chuồng - ruộng lúa kết hợp với việc tiết kiệm đã giúp chị Nguyễn Thị The (49 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) từ hai bàn tay trắng trở thành nông dân điển hình, xuất sắc nhất trong phát triển nông nghiệp đa canh của tỉnh An Giang với doanh thu hằng năm vài  tỉ đồng.

"Gia đình chị The không chỉ tiêu biểu cho phát triển nông nghiệp đa canh hiệu quả, mà còn là điển hình của tinh thần tiết kiệm, chịu thương chịu khó làm giàu chính đáng ở địa phương mấy chục năm rồi. Nói thiệt chứ ở vùng quê còn nhiều khốn khó này, khó có gia đình nào như nhà chị The. Bây giờ đã thành tỉ phú, ruộng đất bề bề, vườn ao chuồng thu nhập hằng năm cả tỉ đồng nhưng vẫn sống rất đạm bạc. Hễ gặp ai khó, ai khổ chị cũng đều giúp chẳng nề hà. Đường sá hư hỏng, học sinh nghèo không tiền đến lớp, nói chị là có ngay, còn chị em phụ nữ nào khó khăn chị đứng ra hỗ trợ mua tư liệu sản xuất, giúp vốn làm ăn, lúc lại vài con heo… mà chẳng lời lãi một xu" – đó là những lời khen ngợi của chị Dương Ngọc Tuyền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vĩnh Khánh với chúng tôi về gia đình chị Nguyễn Thị The trên suốt con đường vượt qua mấy tuyến kênh nội đồng vào nhà chị. Dừng lại bên kia sông, chỉ tay qua rặng tre, chị Tuyền bảo: “Đó, nhà chị The đó! Đừng thấy nhà tuềnh toàng nghe, lúc nào gia đình có bạc tỉ trong ngân hàng đó”. Quả thực, chúng tôi hết sức bất ngờ với một gia đình tỉ phú, thu nhập hằng năm lên đến vài tỉ đồng mà sống trong một ngôi nhà nhỏ, vách lá dừa nước pha tôn, nền gạch nung đơn sơ…

Xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh em huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lập gia đình, bên chồng cũng chẳng khấm khá hơn nên từ những năm 1988, gia đình nhỏ của chị The phải bồng bế nhau tha phương cầu thực khắp nơi. Từ phụ hồ, mua bán nhỏ đến làm công, tất cả mọi cái đều qua đôi bàn tay chịu thương, chịu khó của hai vợ chồng. Năm 1991, nghe người em bà con lập gia đình ở Vĩnh Khánh (Thoại Sơn) mách tai nơi đây kinh tế mới nhưng trù phú, đất đai cũng khá màu mỡ, trên rau dưới cá, sống lây lất qua ngày cũng được. “Nghe vậy, hai vợ chồng mừng lắm, gom góp người thân cho mượn được hai chỉ vàng quyết định đi kinh tế mới với những mong “người phụ đất chứ đất chẳng phụ người” - chị bồi hồi nhớ lại.

Về Thoại Sơn với tài sản mang theo còm cõi nên mọi sinh hoạt hầu như cắt củm đến từng li từng tí, gia đình chị xin ở nhờ đất ông Năm Phong, một người thừa đất ruộng, thiếu người làm và mua nợ bốn công đất ruộng giá 2 chỉ vàng/công. Nhớ lại những ngày ấy, chị rưng rưng nước mắt khi kể lại những cái Tết không một đồng dính túi, cân thịt kho cũng chỉ là niềm mong ước. Chị kể: “Về đây tứ cố vô thân, người tốt như ông Năm Phong cũng chỉ cho ở nhờ hai năm đầu, từ năm thứ ba mình phải cất chòi ngay trên khoảng ruộng mua thiếu mà ở. Bốn cái Tết đầu ở đây, không năm nào vợ chồng, con cái có được một ký thịt kho để cúng ông bà, còn bánh tét, mứt ngọt… thì chỉ có mà mơ thôi. Ở lẻ loi giữa đồng ruộng mênh mông nên những mùa nước nổi, giữa bốn bề sông nước, nước lên đến đâu, kê nhà lên đến đó, hết kê nổi thì dắt díu nhau vô chùa mà sống”.

Hơn mười năm sống giữa “đồng không, mông hoạnh”, để đảm bảo cái ăn, cái mặc, tất cả lúa thóc từ bốn công ruộng một phần bán và một phần xay gạo ăn, còn những chi phí khác thì hai vợ chồng chị sử dụng từ việc làm thuê, làm mướn. “Quá hiểu cảnh cơ cực nghèo khó, nên lúc nào hai vợ chồng cũng nhắc nhở nhau quyết tâm làm tất cả những gì có thể, miễn sao kiếm tiền chân chính, từ mồ hôi, công sức bản thân là được và nhất là đừng để nợ nần gì ai”, chị The tâm sự. Chí thú làm ăn nên từ bốn công đất ban đầu, sau đúng tám vụ lúa, chị trả dứt nợ, có thêm hai con heo giống và chừng chục con vịt thả đồng. Đây là những gia sản nền tảng đầu tiên để giờ đây gia đình chị gầy dựng lên 3,6ha đất nông nghiệp canh tác 3 vụ/năm, 6.000 mét vuông đất thổ cư, hai ao nuôi cá tra, cá diêu hồng gần 5.000 mét vuông, trên 100 con heo các loại và 200 con vịt chạy đồng, trên 100 con gà thả vườn quay vòng hai ba lứa/năm. Tổng tài sản gần chục tỉ đồng là thành quả làm việc không mệt mỏi và thực hiện tinh thần tiết kiệm triệt để của gia đình chị The chỉ hơn 20 năm lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Tại đại hội biểu dương nông dân sản xuất giỏi xuất sắc của tỉnh An Giang 2012 vừa qua, chị The là một trong những nông dân tiêu biểu được vinh danh về hiệu quả của mô hình nông nghiệp đa canh. Chị cho biết: “Xây dựng nông nghiệp đa canh cái khó lớn nhất chính là phải làm quần quật hằng ngày và phải biết lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lời là chính. Đặc biệt, muốn xây dựng mô hình nông nghiệp đa canh thực sự có hiệu quả thì việc tiết kiệm phải đưa lên hàng đầu”. Mô hình nông nghiệp đa canh của gia đình chị The cũng bắt nguồn từ chính phương châm sống ấy. Với bốn công đất ban đầu, sau khi thu hoạch, chị mang hết xây ra gạo bán cho các chủ hàng gạo trong chợ xã. Nguồn cám thu được từ xây gạo chính là nguồn thức ăn cho đàn heo. Riêng đàn vịt thì sau mùa vụ, chị cho thả đồng, hết vụ cũng là lúc vịt chuẩn bị xuất chuồng. Tất cả số tiền thu được từ các nguồn trên, chị dành tích lũy để mua thêm đất, mở rộng mô hình.

Ngoài hiệu quả của mô hình nông nghiệp đa canh vườn - ao - chuồng - ruộng, chị The cũng là điển hình cho việc tiếp cận nhanh, nhạy với khoa học công nghệ. Dẫu chỉ mới học hết lớp 6, nhưng với người phụ nữ này, học hỏi và ứng dụng ngay những kỹ thuật, tiến bộ mới vào thực tiễn canh tác là bài toán giải đáp tất cả những khó khăn trong sản xuất. Nghe ở đâu có lớp tập huấn là chị đi ngay, có tài liệu gì là xin về đọc nghiền, đọc ngẫm, nếu chưa thông thì có ngay những người thầy là các kỹ sư quen từ các buổi tập huấn gọi điện thoại hỏi han. Chính nó đã giúp chị thực hiện thành công một mô hình canh tác đa canh khép kín cực kỳ hiệu quả. Cây lúa cho thóc là nguồn thu chính hằng năm với năng suất bình quân từ 6 đến 8,5 tấn/ha. Đàn heo nuôi xoay vòng từ 100 đến 200 con từ heo mẹ đến heo thương phẩm 3 tháng/đàn 30, 40 con. Nguồn thức ăn thừa của heo sẽ là nguồn thức ăn chính cho đàn gà thả vườn. Đàn vịt thì thả ngay cánh đồng 3,6 ha của gia đình, hết mùa vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp thêm tháng hơn thì xuất chuồng. Riêng vườn nhà trồng các loại cây như xoài, mít… vừa tạo bóng mát, vừa là nơi ở của đàn gà thả vườn lại là nguồn thu nhập cũng không ít mỗi vụ...

Bài, ảnh: Nguyễn Huỳnh

Chia sẻ bài viết