Nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Trình ở ấp Tân Phước, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, là người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều loại hoa màu thay cho cây lúa kém hiệu quả. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông Trình đã thành công trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Trình lên liếp trồng các loại rau màu ngắn ngày.
Ông Trình kể, gia đình ông có 11ha đất chuyên trồng lúa theo cách truyền thống nhưng do giá lúa bấp bênh lại gặp thời tiết bất lợi nên thu nhập không cao. Năm 2017, sau khi tìm tòi, học hỏi, ông mạnh dạn chuyển khoảng 1ha đất lúa sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái. Từ đất ruộng, ông đào ao, lên liếp trồng thử nghiệm các loại rau màu ngắn ngày: dưa leo, dưa hấu, bí đao, khổ qua, bầu, đậu bắp… Chỉ sau thời gian ngắn, ông nhận thấy vùng này có thể phát triển thành mô hình tổng hợp trồng cùng lúc nhiều loại cây nên ông tiếp tục đầu tư vốn mua hơn 200 gốc bưởi, 200 gốc xoài, gần 300 cây dừa trồng xen canh. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay, gia đình ông Trình đã có mô hình trồng trọt tổng hợp trên tổng diện tích gần 2ha.
Ông Trình cho biết: “Trong quá trình canh tác các loại hoa màu, cây trái, tôi thấy lời ít nhất phải cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích. Thời gian đầu tôi chỉ mới thu hoạch các loại cây ngắn ngày như dưa leo, dưa hấu, bí đao, khổ qua, bầu, đậu bắp; chưa thu hoạch còn các loại trái cây như dừa, xoài nhưng ước tính lời khoảng 200 triệu đồng mỗi năm”.
Trên địa bàn xã Giục Tượng nói riêng và huyện Châu Thành nói chung, ông Trình là một trong số ít nông dân coi trọng việc tìm kiếm các loại cây, con giống mới chất lượng cao để đưa vào chăn nuôi và trồng trọt. Ông thường xuyên tham quan, học hỏi để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Với nguồn thức ăn sẵn có trong vườn, ông nuôi thêm vịt, dưới ao thả cá tra, cá trê… mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Ông còn trồng thử nghiệm giống bắp hạt tím trên diện tích hơn 30m2. Qua 2 vụ gieo trồng, bắp phát triển tốt, chi phí cũng như công chăm sóc nhẹ và cho thu nhập ổn định. “So với trồng bí đao, dưa leo, dưa hấu thì bắp hạt tím dễ chăm sóc. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải do tính chất mỗi loại cây trồng hiệu quả hay không, mà quan trọng là cách chăm sóc, kỹ thuật trong canh tác. Ðối với các loại cây trồng mới, cần tìm hiểu kỹ, chịu khó chăm sóc thì sản xuất mới đạt hiệu quả cao” - ông Trình nói.
Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, ông Trình còn là hạt nhân trong chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay và vận động bà con nông dân trong vùng cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có triển vọng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông được chính quyền địa phương đánh giá là hướng đi hiệu quả để bà con nông dân học tập, đồng thời góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Theo ông Nguyễn Thành Ðức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Giục Tượng, 4 năm qua, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Trình là mô hình điểm để bà con trong vùng học hỏi. Vừa qua, ngành Nông nghiệp xã phối hợp với huyện Châu Thành tổ chức lớp chuyển đổi cây trồng, mời ông Trình tới dự và chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên nông dân. Ông Trình đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền và là tấm gương để bà con trong vùng học hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: VIỆT QUANG