17/05/2019 - 19:28

Làm gì để phòng ngừa mất trí nhớ? 

Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị hiệu quả chứng mất trí nhớ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra những lời khuyên nhằm giúp trì hoãn hoặc làm chậm khả năng tấn công của bệnh.

 Ảnh: LA Times

 Ảnh: LA Times

Tuổi tác được cho là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến chứng mất trí nhớ, nhưng bệnh này không phải là hậu quả không thể tránh khỏi của tình trạng lão hóa. Qua phân tích các nghiên cứu, WHO xác định 12 yếu tố nguy cơ lớn (liên quan đến lối sống và bệnh tật) làm tăng đáng kể nguy cơ mất trí nhớ. Danh sách này bao gồm lười vận động ở tuổi trung niên, hút thuốc, áp dụng chế độ ăn không tốt cho sức khỏe, “nhậu” quá nhiều, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hàm lượng cholesterol cao và béo phì. Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra mối liên quan giữa mất thính giác, thụ động về nhận thức và trầm cảm với chứng mất trí nhớ. Mặc dù có sự liên quan đáng kể với mất trí nhớ, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sử dụng máy trợ thính hoặc thuốc điều trị trầm cảm ngăn chặn hoặc trì hoãn bệnh.

Từ những yếu tố nguy cơ trên, WHO ngày 14-5 đã công bố những khuyến nghị đầu tiên nhằm giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ trên toàn cầu, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, giảm bớt rượu bia, duy trì huyết áp ở mức an toàn và áp dụng chế độ ăn lành mạnh, nhất là chế độ ăn Địa Trung Hải chứa 400gr trái cây và rau củ/ngày. Theo hướng dẫn, những đối tượng trên 65 tuổi nên tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút/tuần kết hợp với hoạt động tăng cường cơ bắp. Song song đó, tổ chức này cũng cảnh báo bổ sung các chất dinh dưỡng chẳng hạn như vitamin B, E, bạch quả, chất chống ôxy hóa và omega-3 không giúp phòng tránh suy giảm nhận thức và mất trí nhớ. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động giúp rèn luyện não bộ và tương tác xã hội nhiều nhất có thể.

Những khuyến nghị trên là một phần trong Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO, ra đời nhằm kéo giảm hậu quả của chứng mất trí nhớ trên thế giới trong giai đoạn 2017-2025. Trên thế giới hiện có xấp xỉ 50 triệu người sống chung với mất trí nhớ. Mỗi năm có khoảng 10 triệu trường hợp bị mất trí nhớ mới và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng gấp 3 lần.

Mất trí nhớ được xác định là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc ở người lớn tuổi. Nó có thể tàn phá cuộc sống và gia đình của bệnh nhân, ảnh hưởng đến cả những người chăm sóc họ. Theo báo cáo dài 78 trang của WHO, bệnh mất trí nhớ cũng gây tổn thất lớn về kinh tế, trong đó ước tính đến năm 2030 chi phí chăm sóc người bệnh sẽ tăng lên tới 2 ngàn tỉ USD/năm.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Telegraph)

Chia sẻ bài viết