13/11/2011 - 10:27

Làm gì để nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo Việt Nam?

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011, lượng gạo xuất khẩu dự kiến đạt 7,5 triệu tấn, ước đạt 3,7 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại hội thảo quốc tế: “Con đường phát triển lúa, gạo chất lượng cao- Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động Festilval lúa gạo Việt Nam lần II tại Sóc Trăng, nhiều diễn giả cho rằng: Giá trị lúa gạo Việt Nam sẽ khó tăng mạnh thêm nhờ tăng năng suất, sản lượng..., chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam còn phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt giữa các nước xuất khẩu. Do vậy, để nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo, cần phát triển lúa gạo chất lượng cao (CLC) và đẩy mạnh hiện đại hóa sản xuất...

Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm gạo đặc sản, cao cấp tại Hội chợ triển lãm Festival lúa gạo Việt Nam lần II tại Sóc Trăng. Ảnh: V. CÔNG 

Do đã từng xảy ra tình trạng các loại gạo cấp thấp giá rẻ lại khó tiêu thụ nên những năm qua nhiều địa phương trong nước, đặc biệt là ở ĐBSCL đã quan tâm phát triển sản xuất các loại gạo CLC. Đến nay, việc sản xuất lúa CLC đã chiếm từ 60-70%, thậm chí 90% trong cơ cấu giống sản xuất lúa tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Tuy nhiên, thực tế cho thấy do quá trình sản xuất bộc lộ nhiều hạn chế, nên dù sử dụng giống CLC, nhưng lúa gạo của nhiều nông dân làm ra chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với giá bán lúa của nhiều nông dân chưa được cải thiện. Ngoài ra, chưa kể tình trạng nhiều nông dân chưa có điều kiện tiếp cận với các giống lúa tốt, đảm bảo chất lượng. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh,Viện Trưởng Viện lúa ĐBSCL, gạo CLC Việt Nam đang hướng đến là các loại gạo trắng, dài hạt trong, ít bạc bụng (gạo 5% tấm, 15% tấm) để nâng cao giá trị, hạn chế sản xuất các giống lúa cho gạo cấp thấp và trung bình. Riêng đối với gạo thơm đặc sản và gạo cấp cao, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng và khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan còn hạn chế, nên trước mắt chỉ nên phát triển ở mức 15-25% trong cơ cấu giống.

Để phát triển con đường lúa gạo CLC, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng: Bên cạnh những cơ chế, chính sách cho nông dân trồng lúa, ngành nông nghiệp cần đầu tư lớn thủy lợi, giao thông vùng trồng lúa, công tác giống và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, đặc biệt khi gia nhập thị trường thế giới, vấn đề sản xuất ra hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đồng đều đang là một trở ngại lớn. Giải quyết vướng mắt này, việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, liên kết “4 nhà” là một vấn đề được đặt ra. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, ngành nông nghiệp đã đưa ra mô hình nông hộ nhỏ, cánh đồng mẫu lớn để cuối cùng nông dân có được tập quán sản xuất liên minh, liên kết hợp tác để ra cánh đồng lớn. Thực hiện được vấn đề này mới làm được hạt gạo chất lượng tốt. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng năng suất, CLC, chống chịu được sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện đất phèn, mặn, vấn đề chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cần được xem là nhân tố tác động, thúc đẩy sản xuất lúa gạo CLC. Bởi cơ cấu mùa vụ chịu tác động của điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn và là yếu tố quyết định trong việc giảm áp lực rầy nâu cũng như các loại dịch hại khác. Trong sản xuất lúa 3 vụ, áp lực sâu bệnh sẽ ngày càng gia tăng, nên sắp xếp lịch thời vụ phải tập trung và thời gian xuống giống của mỗi vụ cũng phải ngắn lại. Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trong phát triển thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đặc biệt chú trọng đến sự hợp tác giữa “4 nhà”. Về góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân khâu mua máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ sản xuất giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng, cấp “Chứng nhận nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng”, cấp kinh phí cho Dự án xây dựng mô hình phát triển giống lúa thơm mới... Song song đó, chính quyền địa phương luôn làm tốt vai trò là chất keo kết nối nông dân - doanh nghiệp-kỹ thuật - tín dụng...”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, sản xuất lúa đạt CLC, sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa người nông dân, doanh nghiệp, các bên liên quan và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường đang là hướng đi cần được thúc đẩy bằng các giải pháp tổng hợp. Trong đó, công tác giống, kỹ thuật sản xuất, công nghệ sau thu hoạch phải được đặc biệt quan tâm. Phát triển theo xu hướng này, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nông nghiệp và tiếp tục có các ưu đãi về lãi suất tiền vay cho nông dân đẩy mạnh hiện đại hóa sản xuất. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: “Sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến, lưu thông phân phối và thị trường. Làm được như thế cộng thêm sự hỗ trợ khoa học công nghệ của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT, Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho hạt gạo”.

VĂN CÔNG - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết