13/07/2017 - 16:21

Làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ở TP Cần Thơ?

TTH.VN - Cùng với TP Cần Thơ, nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng đã và đang nỗ lực xây dựng để khẳng định “thế mạnh” của những thành phố trực thuộc Trung ương.

* HÀ TRIỀU

Bài 1: Ì ạch do đâu? 
Bài 2: Cần các giải pháp đồng bộ

Bài 3: Quản lý các dự án đầu tư - kinh nghiệm từ các thành phố lớn

Cùng với TP Cần Thơ, nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng đã và đang nỗ lực xây dựng để khẳng định “thế mạnh” của những thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình này, việc quản lý các DA đầu tư như: thẩm định DA, đấu thầu, xây dựng cơ bản,… luôn luôn là vấn đề “nóng” cần phải giải quyết. Mới đây, tại TP Cần Thơ, các thành phố này vừa tổ chức Hội nghị “Kinh nghiệm tổ chức thực hiện quản lý DA đầu tư theo các nghị định của Chính phủ”. Chúng tôi xin lược ghi một số kinh nghiệm của đại diện Sở KH&ĐT của các thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý DA tại Hội nghị vừa nêu.

ÔNG NGUYỄN VĂN TỨ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT TP HÀ NỘI:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỜI GIAN XEM XÉT, CHẤP THUẬN QUY HOẠCH NGÀNH HOẶC QUY HOẠCH XÂY DỰNG

- Trong công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, Chính phủ có quy định: Các DA đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch trình các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công tác lập quy hoạch của các bộ, ngành địa phương đều chưa đáp ứng được yêu cầu “quy hoạch phải đi trước một bước”. Nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng chưa được lập và phê duyệt. Chính vì vậy, ở một số nơi, vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí do sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cấp tỉnh với quy hoạch cấp quận/huyện; quy hoạch của cả ngành, của cả nước với quy hoạch ngành của cấp tỉnh; quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng...

Vấn đề này trở nên cấp thiết đối với Hà Nội trong điều kiện địa giới hành chính của Thủ đô. Hiện nay, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mới đang tiến hành nghiên cứu, dự kiến, đến tháng 6-2010 mới có định hướng quy hoạch chung; các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của Hà Nội đều phải rà soát, điều chỉnh lại. Vì vậy, việc xác định một DA triển khai trên địa bàn Hà Nội có đáp ứng yêu cầu “phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền duyệt” là rất khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND TP Hà Nội có quy định: Đối với những DA đầu tư không có trong quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư báo cáo sở chuyên ngành để báo cáo UBND thành phố có văn bản gởi bộ quản lý ngành hoặc báo cáo UBND thành phố theo phân cấp xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền, hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi trình UBND các cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với DA đầu tư không có trong quy hoạch xây dựng hoặc chưa có quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng xem xét chấp thuận về vị trí, quy mô xây dựng trước khi trình UBND các cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư DA. Đồng thời, Hà Nội cũng đã quy định cụ thể về thời gian xem xét, chấp thuận về quy hoạch ngành hoặc quy hoạch xây dựng không quá 15 ngày làm việc.

ÔNG LÊ THÀNH ĐẠI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT TP HỒ CHÍ MINH:
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP RÕ RÀNG GÓP PHẦN RÚT NGẮN THỜI GIAN THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

- Hiện nay, việc phân công phân cấp quản lý các DA đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP HCM được thực hiện theo Quyết định 126/2007/QĐ-UBND. Trong Quyết định này, UBND TP HCM đã quy định nhiều nội dung cải tiến hơn so với trước đây và so với quy định hiện hành của Nhà nước.

Quyết định 126/2007/QĐ-UBND còn quy định: Phân cấp cho Giám đốc các sở chuyên ngành (Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Giao thông - Công chính) quyết định đầu tư các DA nhóm B, C sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trước đây các sở chỉ được ủy quyền quyết định đầu tư các DA nhóm C). Phân cấp cho Chủ tịch UBND quận/huyện quyết định đầu tư các DA nhóm C, bao gồm các DA sử dụng vốn phân cấp và các DA sử dụng vốn ngân sách thành phố do các đơn vị trực thuộc UBND quận/huyện làm chủ đầu tư sau khi các DA này đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư và được UBND thành phố bố trí vốn chuẩn bị đầu tư (trước đây Chủ tịch quận/huyện chỉ được phân cấp quyết định đầu tư các DA nhóm C sử dụng nguồn vốn phân cấp). Phân cấp cho các sở chuyên ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Giao thông - Công chính) phê duyệt kế hoạch đấu thầu của DA. Phân cấp cho các sở, chuyên ngành phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án; tách DA giải phóng mặt bằng để thực hiện trước. Ngoài ra, Quyết định 126/2007/QĐ-UBND còn quy định cụ thể thời gian thực hiện các công đoạn và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Phân công cho các đơn vị theo hướng tập trung về một đầu mối để thực hiện tất cả các nội dung có liên quan đến công việc quản lý đầu tư xây dựng (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định DA, quyết định đầu tư, quyết định các nội dung về đấu thầu) để rút ngắn thời gian chu chuyển hồ sơ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, làm mất thời gian một cách không cần thiết...

 

 TP Cần Thơ trên đường phát triển đô thị hiện đại. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Việc phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác quản lý kế hoạch và đầu tư cũng như trong việc tổ chức, quản lý thực hiện các DA đầu tư đã tháo gỡ tình trạng “thắt cổ chai” trong công tác thẩm định và phê duyệt DA, phê duyệt đấu thầu. Qua đó, đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng nên các chủ đầu tư đã không còn phản ánh nhiều về thời gian thụ lý hồ sơ của các ngành.

ÔNG LÊ THANH SƠN, GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT TP HẢI PHÒNG:
XÂY DỰNG QUỸ NHÀ, QUỸ ĐẤT ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÁI ĐỊNH CƯ CỦA CÁC DỰ ÁN

- Trên thực tế, có rất nhiều DA triển khai trong nhiều năm nhưng luôn khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Để công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả, đúng tiến độ, trước hết cần nâng cao hiệu quả về quản lý và sử dụng đất, quản lý mặt bằng các DA của cấp chính quyền địa phương. Các địa phương phải rà soát hiện trạng đất trên địa bàn để có biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý, tạo điều kiện cho các DA khi vào lấy đất có thể tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh, trong đó cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý sử dụng đất của các cấp cơ sở, doanh nghiệp; công khai về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các DA... Việc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải gắn liền với việc tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm kỷ cương giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương và các ngành chức năng...

Một trong những vấn đề cơ bản thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là giải quyết nhu cầu tái định cư phục vụ triển khai các DA. Để đáp ứng nhu cầu tái định cư của các DA cần có kế hoạch xây dựng quỹ nhà, quỹ đất trong từng năm và từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chí của đô thị mới...

Nhiều địa phương vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì khiếu kiện của người dân đã rút ra bài học kinh nghiệm: coi trọng công tác tuyên truyền vận động, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác giải phóng mặt bằng triển khai theo hướng: nơi nào chuẩn bị tốt về công tác vận động quần chúng, chuẩn bị tốt về tình hình đất đai thì giải phóng mặt bằng trước. Các cơ quan, đoàn thể đều gắn trách nhiệm của đơn vị phục vụ nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân hiểu, thực hiện quyền và nghĩa vụ về Luật Đất đai. Từ sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở, các chủ trương chính sách của cấp trên mới có thể triển khai thuận lợi, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

BÀ ĐỒNG THỊ BÍCH CHÍNH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT TP ĐÀ NẴNG:
LỰA CHỌN NHÀ THẦU PHẢI ĐẢM BẢO NĂNG LỰC VÀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH

- Việc lựa chọn nhà thầu nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng công trình trước mắt và lâu dài, chứ không chỉ tập trung vào việc cố gắng giảm chi phí phải trả cho từng gói thầu; lựa chọn nhà thầu đảm bảo năng lực và chất lượng công trình thực sự.

Hiện nay, một số nhà thầu có năng lực không đảm bảo nhưng đã dự thầu với giá trị đấu thầu thấp nhằm giành được quyền thực hiện gói thầu. Mặt khác, một số chủ đầu tư, bên thầu chưa thật sự mạnh dạn trong việc đánh giá, đề xuất kết quả đấu thầu nên thường chấp thuận cho các nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất được trúng thầu. Điều này vô hình trung dẫn đến tâm lý các nhà thầu tham dự đấu thầu đã cố gắng trúng thầu bằng giá dự thầu thấp nhất mà không quan tâm đến hiệu quả và năng lực thực hiện gói thầu của mình, dẫn đến kết quả là công trình được xây dựng với chất lượng thấp, giảm hiệu quả đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng luôn rà soát chặt chẽ các quy trình thực hiện công tác đấu thầu của từng DA, từng gói thầu, kiểm tra chặt chẽ các nội dung của hồ sơ mời thầu, nội dung đánh giá, xét thầu. Kiểm tra hướng dẫn các chủ đầu tư và bên mời thầu tập trung thực hiện công tác đấu thầu theo đúng quy định hiện hành, căn cứ chặt chẽ vào hồ sơ mời thầu để làm cơ sở xem xét, đánh giá, lựa chọn nhà thầu thực hiện công trình đảm bảo hiệu quả đầu tư của DA.

Chia sẻ bài viết