25/09/2019 - 13:47

Lạm bàn chuyện đón du khách 

"Du lịch là tìm sự mát mẻ cho những tâm hồn nóng bức,

tìm sự lạc quan cho những tâm hồn vừa chớm bi quan(*).

Những đoàn du khách đến Cần Thơ thăm bảo tàng "Vietnamese Museum of Tarot and Occult" của Philippe Ngo (do UNESCO công nhận), đều đặt chỗ trước và phần lớn là người am hiểu về lĩnh vực này.

Quảng bá món ngon lành từ nông trại Cantho Farm.

Một bữa tiệc khác thường

Philippe Ngo (TS Ngô Hồ Anh Khôi) lấy bằng tiến sĩ ngành AI tại Pháp, từ lâu nuôi dưỡng thú vui sưu tập hiện vật "kỳ bí" và bất ngờ. Từ những bộ sưu tập gốm sứ Nam bộ, đá quý cho tới sắc bùa, Tarot là bảo tàng duy nhất ở châu Á và là 1 trong 6 bảo tàng được vinh danh trên toàn cầu. Bảo tàng Tarot và Occult là dòng sông ngầm của những sự tích, những câu chuyện đang cuộn chảy. Và những huyền bí đang được nhiều nhà nghiên cứu giải mã. Gắn liền với dòng chảy đó là những du khách từ nhiều nền văn hóa khác muốn trò chuyện với Philippe Ngo, cùng tìm kiếm lời giải trước những hiện vật có gốc tích, thách đố khi giấu mình trong lịch sử thời gian.

Thật trùng hợp giữa Philippe Ngo, Antoine Tran (INSAP- ReciBase - 76 rue de la Pompe, Paris) và những người khai thác lợi thế kinh tế số để hướng dẫn du khách khi mọi người xây dựng "big data" theo hướng tăng giá trị để du khách có thể truy cập trên Internet.

Với cách xây dựng dữ liệu kỳ công và nghiêm túc, những du khách rất thích dấu ấn khiến họ phải kể cho người khác nghe kỷ niệm nơi vừa đi qua. Gần đây, Philippe Ngo thử mở một bữa tiệc "Cuốn" dành riêng cho ông bà J.J Rousselle, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt,  thành phố Tours, tại không gian Bảo tàng Tarot.

Bà Trần Thị Hoa và ông Phạm Bửu Việt, chủ quán Ẩm thực Ven Sông chế biến bò pía, gỏi cuốn và chả giò rế từ nguồn nguyên liệu đặc sản ĐBSCL trước mắt thực khách. Ông bà J.J Rousselle dùng bữa và cùng đàm đạo với những người bạn mới quen, uống trà với kẹo chuối cuộn trong bánh tráng. Những nghệ nhân Câu lạc bộ đờn ca tài tử quận Ô Môn như ông Lê Văn Bảy, Huỳnh Đức Thủ, chị Nguyễn Thị Bích Liên vừa trò chuyện về món ăn, văn hóa sông nước vừa xướng lên những bài ca vọng cổ: Vọng Kim Lang, Tình anh bán chiếu... Bữa ăn sử dụng sản vật địa phương gắn với những chuyện kể về lịch sử, cách phối hợp hết sức tinh tế từ bếp núc.

"Là khoảng không gian gia đình hay lớn hơn cho một nhóm tối đa 50 người là phù hợp; Sẽ có một Video clip trình chiếu để trong khoảng 2-3 phút, khách phương xa hiểu họ nên chọn lựa nơi nào? Món gì? Để giải tỏa sự hiếu kỳ" - Philippe Ngo nói về kế hoạch dài hạn cho những bữa tiệc có chủ đề riêng.

Hôm đó là thời điểm quan trọng khi Hiệp định thương mại châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết. "Wow!", những nguyên liệu có thể nhìn thấy ở chợ châu Âu thì tại đây, trên bàn ăn không chỉ là những món ngon mà là màu sắc văn hóa lung linh trong bữa tiệc "Cuốn".

 "Tôi đã đi nhiều nơi, tham gia nhiều buổi giao lưu văn hóa, ẩm thực nhưng chưa từng trải nghiệm những bữa ăn như thế này" - ông J.J Rousselle khen: "Những món ăn ở kết hợp rau mùi, có dược tính thực sự ấn tượng. Sự kết hợp khéo léo các loại gia vị tạo thành nước chấm, kết hợp thế mạnh của bột, hải sản, trái cây trong mỗi món cuốn. Và, giá mà có nhiều thời gian nhiều hơn để được nghe những câu chuyện thú vị về những món ăn này".

Thời của "kinh tế trải nghiệm"

 Bà Nguyễn Phi Vân, tác giả sách Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới, từng là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, thành viên sáng lập và điều hành Công ty Retail & Franchise Asia, nói rằng nền kinh tế trải nghiệm đang thịnh, cần được nhận diện và ứng dụng một cách thông minh với những du khách.

Xu hướng du lịch một mình hoặc từng nhóm theo nhu cầu cá nhân hóa đang phát triển. Nhiều công ty du lịch đang nhận ra điều này và thay vì chỉ dẫn những tour cầm cờ, đi loanh quanh mua sắm, ăn uống theo kiểu "đánh nhanh, rút lẹ", sẵn sàng đón nhận tour 0 đồng để có "số liệu" thì nhiều công ty bắt đầu để ý tới cách sống, giá trị lịch sử, nét văn hóa và khả năng tích hợp những giá trị để biến thành một gói dịch vụ vừa bất ngờ vừa gần gũi tại những điểm đến.

Không ai có thể dàn dựng giá trị sống, không có kịch bản nào cho những nụ cười "công nghiệp" để lấy tiền bền vững… tất cả là nghệ thuật giao tiếp không gượng gạo, không phải bằng mọi giá để thu tiền mà là chứng minh cách ứng xử, sinh kế, truyền thống, tập tục và lòng tốt… Mọi giá trị ẩn hiện trong con người, cách sống, cách nuôi dưỡng kỹ năng, ngành nghề và những câu chuyện kể chân thực khi mua bán, gần gũi như đón người thân khi mọi thứ còn khiếm khuyết. Đôi khi những dặn dò ngày trở lại - nào mùa dâu chín, mùa vú sữa, mùa nước nổi hay đầu mùa mưa cùng soi nhái xào lá nghệ non… mộc mạc nhưng là thông điệp phải nhớ để trở về. Có thể còn khiếm khuyết so sơn hào hải vị, nhưng mọi người trở lại để cùng nhau trải nghiệm để một ngày, một tuần, một tháng trôi qua ở xứ này là những kỷ niệm phải kể cho ai đó nghe.

Món ngon.

Phải mất thời gian khá dài để tìm ra triết lý đó. Nhà Văn Sơn Nam từng viết trên tạp chí Hương Quê mong mỏi ngày bình yên, du lịch phát triển ở miền Hậu Giang từ những năm 60 thế kỷ trước: "Hậu Giang năm 2001". Ông trích dẫn trong Bách khoa thế giới tầm nguyên đại tự điển, quyển thứ 163, chương 14, trang 1214, như sau:

"Du lịch là tìm sự mát mẻ
cho những tâm hồn nóng bức,

tìm sự lạc quan cho những tâm hồn vừa chớm bi quan"

Góp nhặt câu chuyện tại vườn

 Trò chuyện với ông chủ nhỏ vườn sinh thái Xẻo Nhum mới thấy chính những giá trị tưởng chừng rất đơn sơ nhưng lại khó tái hiện, khó gầy dựng. Có hai lý do: 1/ Con người đã thay đổi quá nhiều khi rời bỏ giá trị sống cùng nhau sang chạy đua vì hơn thua. Và những quán nhậu sân vườn phải nghe giọng điệu người có tiền, cách mặc cả hoa hồng dẫn khách và quá nhiều chiêu thức để có doanh số từ đám đông mà không cần lắng nghe cảm xúc của du khách; 2/ Người thực sự có tâm huyết, có ý tưởng sáng tạo và đủ nghị lực theo đuổi ý tưởng tạo dựng những giá trị theo cách làm "Trong nay có xưa, trong xưa có nay" để khách tới chơi, ra đi hẹn ngày trở lại… không nhiều lắm.

Vậy phải làm gì? Phải xây dựng một lộ trình, không nôn nóng hái ra tiền khi cây còn gầy guộc, không thể vội vàng tính
lời - lỗ khi đội ngũ chưa được huấn luyện, khi những con người muốn gầy dựng lại giá trị và nhóm sáng tạo để làm mới những câu chuyện ở điểm đến còn chưa liên kết được, theo ông chủ Vườn sinh thái Xẻo Nhum.

"Xẻo Nhum từng đón những đoàn du khách từ ngoài bắc vào, từ nước ngoài về, từng doanh nghiệp tổ chức Team building, từng cuộc chơi theo nhóm rất lịch sự, nhưng cũng đã từng bị chê trách khi không để cho khách kéo loa vô ca "hét", không vui như những quán nhậu sân vườn…"Ông chủ nhỏ nói rằng mọi thứ cần tập hợp, cần liên kết để làm điều gì đó có giá trị bền vững hơn.

Ở Mekong Rustic Homestay, huyện Phong Điền, có một lớp học tiếng Anh cho trẻ trong làng du lịch suốt ngày thứ bảy và Chủ nhật. Trưởng nhóm là một nữ sinh lớp 12 trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh đã "bảo vệ" thành công dự án và nhận được tài trợ đủ để duy trì một khóa học suốt 12 tuần. Bọn trẻ dạy nhau cách nói chuyện lễ phép với khách, biết biểu đạt suy nghĩ rất mộc của mình bằng tiếng Anh và có thể giúp du khách trên đường đi.

Bên cạnh những ồn ào là dòng chảy nhẹ nhàng, là những bếp hồng củi lửa từ bữa tiệc của những nhà vườn làm du lịch là những câu chuyện. "Cuộc sống quê mùa vậy mà nhiều Việt kiều về thấy lò củi nói để em nhúm lửa cho chị. Rồi vừa chụm củi vừa kể, má em từng dặn chất củi vầy nè", một chủ vườn làm du lịch kể: Nhìn hai mắt đỏ hoe, nghe nói khói bếp làm cho em
nhớ mẹ.

Đôi khi cái bếp củi lửa cũng có thể làm được điều kỳ diệu, vấn đề là làm sao để nhận ra trong dòng du khách ấy ai là người muốn sống chậm lại một chút với ký ức quê nhà, muốn "tìm sự mát mẻ khi tâm hồn nóng bức, muốn tìm sự lạc quan khi tâm hồn vừa chớm bi quan"?

Châu Lan

Chia sẻ bài viết