13/10/2024 - 08:37

Lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 

Tính đến 30-9-2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9%, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 16%. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại KienlongBank Cần Thơ.

Tín hiệu tích cực

Theo NHNN, tính đến thời điểm 27-9-2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,1% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,4%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%). Ðây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì đà phục hồi, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng cải thiện hơn.

Từ cuối quý II-2024, NHNN chỉ đạo các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn. Tính đến tháng 8-2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8%-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Tín dụng cơ bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để hỗ trợ nền kinh tế hấp thụ vốn. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 30/45 TCTD đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405.000 tỉ đồng, lãi suất giảm từ 0,5%-2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, thanh khoản thị trường thông suốt. Trong giai đoạn áp lực gia tăng đối với tỷ giá, NHNN đã kịp thời bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản thị trường, bình ổn thị trường ngoại tệ. Tính đến tháng 9-2024, đồng Việt Nam mất giá so với đô-la Mỹ khoảng 1,66%. Theo lãnh đạo NHNN, đây là mức mất giá phù hợp, cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV khoảng 7,6-8% để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Với các điều kiện đi kèm là: cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng tích cực hơn; đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút và giải ngân vốn FDI giữ vững tăng tốc; thị trường nội địa và du lịch phục hồi vượt mục tiêu; trụ đỡ từ chính sách mới; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực quyết tâm của các Bộ, ngành và địa phương. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì vốn tín dụng - mạch máu nền kinh tế phải được khơi thông tốt hơn.

Tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu

Các tổ chức quốc tế dự báo, chính sách tài chính toàn cầu đang nới lỏng có lợi hơn với các nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất 0,5%, đưa lãi suất về khoảng 4,75-5% tại kỳ họp tháng 9-2024 đã đánh dấu bước chuyển chính sách tiền tệ sang nới lỏng trên phạm vi toàn cầu. Chủ tịch FED cũng phát thông điệp sẽ tiếp tục giảm lãi suất có lộ trình, dự kiến có thêm 2 lần giảm nữa trong năm 2024, với mức giảm mỗi lần 0,25%. Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất cơ bản thêm 0,25% về mức 3%. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Philippines, Mexico, Chile, Peru, Cộng hòa Séc… cũng đồng loạt cắt giảm lãi suất 0,25%. Những động thái này đang tác động tích cực lên các nền kinh tế châu Á và dự báo được đưa ra là các quốc gia này sẽ sớm có động thái hạ lãi suất thời gian tới.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các TCTD quý IV do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) thực hiện, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất cho vay năm 2024 sẽ giảm nhẹ 0,09 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Thanh khoản ngân hàng năm 2024 cũng cải thiện tốt hơn năm 2023. Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6% (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 86,2% ở kỳ điều tra quý III-2024); 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi và cũng có 15,9% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024.

Trong quý IV, các TCTD dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 4,8%. Có 71,9-76,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh khả quan hơn trong quý IV và cả năm 2024. Ðồng thời kỳ vọng mặt bằng rủi ro sẽ tiếp tục xu hướng “giảm nhẹ” trong quý cuối năm, rủi ro từ các nhóm khách được kỳ vọng giảm nhẹ hơn năm 2023. Tương tự như kết quả điều tra trước, nhân tố “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” cùng với “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị” tiếp tục được đa số các TCTD đánh giá là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý III và cả năm 2024. 

Chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều nền kinh tế phát triển, mới nổi đang tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra các dư địa phát triển mới. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng thường tăng trưởng mạnh vào các tháng cuối năm. Với đà tăng hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Ðây là động lực để tăng tốc sản xuất kinh doanh cuối năm.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết