26/05/2009 - 20:43

Vụ hè thu 2009 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lại đứng trước nguy cơ lúa phẩm chất thấp khó tiêu thụ?

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến thời điểm hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gieo sạ trên 1 triệu ha lúa hè thu 2009. Tại một số tỉnh, giống lúa IR 50404 đã vượt ngưỡng qui định tối đa 20% trên tổng diện tích gieo sạ. Từ thực trạng đó, Bộ NN&PTNT lo ngại nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng tiêu thụ lúa khó khăn như đã từng xảy ra trong vụ hè thu 2008. Trong khi đó, hiện giá lúa ở ĐBSCL đang giảm mạnh…

Giống IR 50404 lại vượt ngưỡng!

Ngay từ đầu vụ hè thu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương phải khống chế tỷ lệ gieo sạ giống lúa IR50404 dưới 20% trên tổng diện tích gieo sạ, nhưng trên thực tế giống lúa này hiện vượt ngưỡng qui định. Do ở vụ đông xuân 2008-2009, lúa IR 50404 giá bán không thấp hơn bao nhiêu so với giống chất lượng cao, nên nông dân chọn giống này để gieo sạ. Mặt khác, vụ hè thu sâu bệnh nhiều, sản xuất giống lúa chất lượng cao sẽ tốn chi phí nhiều hơn... Đây là nguyên nhân làm cho diện tích giống IR 50404 tăng. Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp lo ngại tái diễn tình trạng ứ đọng lúa phẩm chất thấp như vụ hè thu năm trước. Mới đây, Bộ NN&PTNT tiếp tục có Công điện số 16 BNN/CĐ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo quyết liệt không để tăng thêm diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404 đối với khoảng 600.000 ha còn lại trong khung thời vụ (dự kiến khoảng 1,6 triệu ha lúa hè thu). Mặt khác, ngành nông nghiệp cần nắm chắc tỷ lệ diện tích giống lúa IR 50404 đã gieo sạ tại địa phương, diện tích còn lại sẽ xuống giống, việc cung ứng lúa giống và khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao trong cơ cấu giống đã xác định.

 Hạ giá thành sản xuất là mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa ĐBSCL. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật của Công ty Bayer Việt Nam hướng dẫn nông dân tỉnh An Giang cách sử dụng thuốc BVTV đúng cách trên cây lúa. Ảnh: THU HÀ

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, giá lúa IR 50404 ở mức khoảng 4.200-4.700 đồng/kg. Nhưng hơn 10 ngày qua giá giảm mạnh, tại TP Cần Thơ lúa IR 50404 giá chỉ còn 3.600-3.700 đồng/kg. Hiện nay, lúa IR 50404 vụ đông xuân trong dân còn không nhiều. Ở quận Thốt Nốt đã thu hoạch hơn 100 ha lúa hè thu sớm và khoảng 1 tháng nữa sẽ bước vào cao điểm, nhưng giá lúa đang giảm, nông dân sẽ gặp khó”. Theo ông Quỳnh, giá lúa giảm là do thị trường chứ không phải lúa tồn đọng trong dân nhiều, bởi vụ đông xuân đã kết thúc và lúa hè thu sớm cũng không nhiều. Vụ hè thu 2009, TP Cần Thơ xuống giống khoảng 84.000 ha, trong đó giống lúa IR 50404 chiếm khoảng 17% diện tích (tập trung chủ yếu ở Ô Môn, Thới Lai), Jasmine chiếm 10%, còn lại là các giống lúa chất lượng cao như: OM 2517, OM 4900...

Hiện nay, ĐBSCL đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân, một số địa phương cũng đang thu hoạch lúa hè thu sớm và chỉ gần một tháng nữa sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Trong khi giá lúa đang ở mức thấp và liên tục sụt giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tạm ngưng thu mua lúa do giá gạo xuất khẩu thấp. Tính đến 25-5-2009, tại tỉnh Đồng Tháp, nông dân đã thu hoạch hơn 9.200 ha lúa hè thu sớm, tập trung ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Tháp Mười và Lai Vung, năng suất ước đạt 5,34 tấn/ha. Còn tại TP Cần Thơ cũng thu hoạch hơn 100 ha tại quận Thốt Nốt... Cuối tháng 4-2009, giá lúa hàng hóa tại ĐBSCL ở mức 4.500- 4.700 đồng/kg tùy theo chất lượng giống. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến ngày 25-5-2009, giá lúa khu vực ĐBSCL dao động từ 4.100- 4.300 đồng/kg; gạo nguyên liệu loại I 5.600- 5.630 đồng/kg, gạo loại II 5.100- 5.200 đồng/kg tùy từng địa phương. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn khoảng 6.850-6.900 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.400-6.450 đồng/kg, gạo 25% tấm ở mức 5.600-5.700 đồng/kg.

Vụ hè thu 2008, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,5 triệu ha và đến vụ thu hoạch, giá lúa giảm mạnh, nhiều nông dân trồng lúa IR 50404, OM 517 điêu đứng một phen vì không ai mua lúa. Còn hiện tại, một số địa phương bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm và khoảng 1 tháng nữa đến mùa thu hoạch rộ, trong khi giá lúa nội địa đang tuột dốc, thị trường xuất khẩu giảm, lúa từ Campuchia đổ vào nội địa. Các chuyên gia dự báo, nếu không có sự điều tiết hợp lý, tình trạng lúa tồn đọng có thể xảy ra. Mặt khác, sản xuất lúa hè thu chi phí đầu tư cao, nhưng phẩm chất hạt gạo thấp so với vụ đông xuân và nông dân cũng không thể trữ lúa chờ giá do điều kiện tài chính.

Giảm rủi ro thị trường

Tại hội thảo “Tìm kiếm chiến lược và giải pháp phát triển nông thôn ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức vào giữa tháng 5-2009 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều chung quan điểm: sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, nhưng vốn đầu tư vào khu vực này rất thấp. Trong khi dự báo 20 năm tới, sản lượng lúa của vùng vẫn dao động ở mức 20-21 triệu tấn/năm; năng suất từ 5-6 tấn/ha và sản lượng gạo xuất khẩu cả nước cũng chỉ 4-5 triệu tấn/năm. Do vậy, giải pháp là đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa ĐBSCL, đồng thời có ý kiến đưa ra là trồng lúa lai để đạt năng suất cao. Song, các chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL cũng nêu ra cảnh báo, nếu trồng lúa lai có thể đạt năng suất 8-10 tấn/ha, nhưng phải đầu tư chi phí cao vì sâu bệnh trên giống lúa lai nhiều hơn giống lúa hiện có của vùng.

Hiện nay, theo ước tính của ngành nông nghiệp, giá thành sản xuất vụ hè thu dao động từ 2.600-3.000 đồng/kg. Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, cho biết: “Với giá thành sản xuất này, giá lúa hàng hóa phải từ 4.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lời”. Ngành nông nghiệp sẽ giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, cũng như khuyến cáo nông dân không nên sử dụng các giống lúa chất lượng thấp như IR 50404 trong các vụ lúa có mưa nhiều. Theo ông Quỳnh, do vùng ĐBSCL chưa xây dựng xong các kho tạm trữ lúa gạo, nên vào lúc thu hoạch rộ lượng lúa hàng hóa trên thị trường nhiều, thường bị DN thu mua ép giá. Nếu có kho tạm trữ lúa gạo, đợi giá lúa có lợi mới bán thì nông dân sẽ bớt thiệt thòi hơn...

Theo phản ánh của DN xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm. Giá gạo xuất bình quân tháng 5-2009: gạo 5% tấm 410 USD/tấn (giảm 40USD/tấn so với tháng 4-2009), gạo 10% tấm 400 USD/tấn (giảm 40USD/tấn), gạo 25% 380USD/tấn (giảm 20USD/tấn). Do giá gạo trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh và có thông tin Thái Lan, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh bán gạo dự trữ. Bên cạnh đó, giá sàn gạo xuất khẩu Hiệp hội Lương thực Việt Nam qui định cao hơn giá gạo đang giao dịch trên thị trường thế giới và thời gian giao hàng phải lùi đến tháng 6-2009, nên một số doanh nghiệp không ký được hợp đồng mới, đồng thời mất nhiều khách hàng. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu trên địa bàn thành phố khoảng 337.000 tấn; đạt 63,6% kế hoạch năm và tăng hơn 67% so cùng kỳ.

Còn tại tỉnh Long An, tính đến giữa tháng 5-2009, các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn đã thu mua được 406.400 tấn qui lúa (tăng 42% so với cùng kỳ năm trước) và đã xuất khẩu 154.858 tấn gạo các loại, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, Công ty Lương thực Long An xuất khẩu trực tiếp và ủy thác, cung ứng xuất khẩu hơn 107.219 tấn; Công ty Mecofood 6.222 tấn; Công ty Thịnh Phát 4.542 tấn... Nhằm góp phần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa trong lúc thị trường xuất khẩu thế giới đang có nhiều biến động và tham gia bình ổn thị trường lương thực trên địa bàn tỉnh, Công ty Lương thực Long An còn tham gia thị trường nội địa với tổng lượng bán lẻ 180.000 tấn gạo và tấm các loại, đạt doanh số hơn 1,9 tỉ đồng. Theo Sở Công thương Long An, nhằm chủ động tạo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong những tháng sắp tới, các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh mua vào nhằm tăng sản lượng dự trữ. Ngoài việc tổ chức thu mua tại 6 đơn vị cơ sở trực thuộc, Công ty còn duy trì việc triển khai các trạm mua lưu động tại các khu vực trọng điểm lúa gạo trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, bình quân khoảng 1.000 – 1.200 tấn qui gạo/ngày.

Trên thực tế, theo phản ánh của một số DN xuất khẩu gạo, gạo chất lượng cao của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường nước ngoài không nhiều, gạo thơm càng khó bán do không cạnh tranh lại với gạo Thái Lan, Campuchia. Trong khi gạo Việt Nam xuất khẩu phần lớn sang thị trường Philippines, châu phi... và ở thị trường này nhu cầu chủ yếu là gạo chất lượng thấp (25% tấm). Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến ngày 22-5-2009, đã xuất khẩu 2.769.066 tấn, trong khi kế hoạch xuất khẩu từ 4-5 triệu tấn năm 2009. Một DN kinh doanh lương thực cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2009, các DN đã xuất khẩu gần hết lúa thường và sản lượng này gần đủ với nhu cầu của những thị trường chủ lực tiêu thụ gạo Việt Nam. Song, trên thực tế là giống phẩm chất thấp (như lúa IR 50404) lại được nông dân chọn trồng khá nhiều trong vụ hè thu 2009. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ Trần Phước Thuấn nói: “Để tránh tình trạng lúa tồn đọng, Nhà nước cần có chính sách phù hợp và lo đầu ra cho nông dân, DN phải bỏ bớt các khâu nhằm hạ giá thành sản xuất và cho ra sản phẩm đồng nhất, có phân loại rõ ràng, hướng đến việc xây dựng thương hiệu chung cho hạt gạo Việt Nam”.

Theo ý kiến của chuyên gia và DN, các ngành chức năng cần đánh giá lại lượng cung lúa hàng hóa trên cơ sở tính toán nhu cầu tiêu dùng nội địa và xem xét tính cả nguồn lúa gạo bổ sung từ Campuchia theo đường nhập khẩu tiểu ngạch để tránh tình trạng dư thừa, ứ đọng lúa gạo nguồn cung xuất khẩu. Do thị trường vẫn còn những yếu tố biến động khó lường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần thực hiện tốt công tác điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2009, công tác xúc tiến thị trường, đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu gạo.

GIA BẢO- ANH KHOA

Chia sẻ bài viết