04/02/2008 - 21:17

Lạc quan cho tương lai

Đã một năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đánh dấu mốc thời gian này, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những đánh giá tốt đẹp của dư luận quốc tế về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Nhưng, bên cạnh đó vẫn có những lời góp ý, cảnh báo hết sức chân tình về những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn. Với doanh nhân trong nước, qua một năm gia nhập “sân chơi lớn WTO”, nhiều cơ hội đã được tận dụng để phát triển, nhiều bài học đã được rút ra để trưởng thành. Trước thềm năm mới, nhiều doanh nhân khu vực ĐBSCL đã chia sẻ với Báo Cần Thơ về những trải nghiệm trong một năm qua, tầm nhìn chiến lược và những trăn trở cho tương lai với một cái nhìn lạc quan nhưng không thiếu thận trọng.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô:  
Muốn đứng vững phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đầu tư thiết bị hiện đại

 

Sau khi nước ta gia nhập WTO, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN) may mặc xuất khẩu là không bị hạn chế hạn ngạch đi các nước. Năm 2007, May Tây Đô vẫn tiếp tục đạt 4 triệu sản phẩm/năm (đã qui đổi). Nhưng khác trước là các công ty vệ tinh đã trưởng thành và tự đứng vững trên đôi chân của mình, nên May Tây Đô đã chuyển giao khách hàng cho các đơn vị này. Do vậy, cũng là 4 triệu sản phẩm/năm như những năm trước nhưng thu nhập của công nhân cao hơn.

Gia nhập WTO, mọi DN đều bình đẳng. Nhưng khó khăn cơ bản nhất trong ngành may là trình độ người quản lý còn nhiều hạn chế. Đối với các đơn vị mà đội ngũ cán bộ điều hành có trình độ khá và chịu khó nghiên cứu WTO một cách cẩn thận thì nơi đó ít gặp khó khăn. Bởi vì, thực tế sau khi gia nhập WTO, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong đó, khó khăn rõ nhất là biểu thuế hàng nhập khẩu ngày càng giảm theo lộ trình Việt Nam đã cam kết, tạo điều kiện cho những thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển trong bối cảnh đó, May Tây Đô phải tái cấu trúc và ổn định cơ cấu nhân lực nhà máy theo tiêu chuẩn mới. Trong cơ chế thị trường hiện nay, muốn có lao động nhà máy phải có lương cao, và để có lương cao thì tay nghề công nhân phải giỏi. Yêu cầu lớn đang đặt ra là công ty phải huấn luyện cho tốt, nhà máy phải có một nguồn lực để “bù lỗ” trong giai đoạn này. Hội đồng quản trị sẽ hoạch định cho việc đào tạo lao động để họ có thể gắn bó với Công ty. Đây cũng là điều kiện để May Tây Đô “chơi” tốt hơn trên “sân” WTO.

Theo tôi, để DN có thể đứng vững trong môi trường WTO, việc đầu tư nhân lực và thiết bị hiện đại phải song song với nhau. Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu hiện nay, nguồn nhân lực ngày một hiếm đi, thiết bị tự động hóa giúp năng suất lao động tăng 20-30%. Nếu không tự động hóa, tiền lương người lao động sẽ giảm với tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nguồn nhân lực rất quan trọng. Một đơn vị sản xuất thành công cần phải có những con người giỏi quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh và cũng không thể thiếu một đội ngũ thợ thầy có tay nghề.

Chúng tôi cũng lấy làm tiếc khi hàng năm vốn Nhà nước đầu tư dạy nghề có hàng trăm tỉ đồng nhưng lao động thừa vẫn thừa mà thiếu cũng vẫn thiếu. Thiết nghĩ, nguồn vốn này cần được sử dụng đúng chỗ và có hiệu quả. Nếu dùng vốn này liên kết với các nhà máy đào tạo và sử dụng công nhân sẽ có hiệu quả hơn. Nhà máy sẽ không bị thiếu công nhân giỏi nghề mà bên ngoài lại không phải khủng hoảng thừa lao động do không có tay nghề.

Các DN dệt may đang rất cần những sự hỗ trợ thiết thực từ Hiệp hội ngành Dệt may Việt Nam, nhất là trong việc góp ý với Chính phủ những gì bất cập và cùng Chính phủ hoạch định chiến lược cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và qui hoạch vùng hay địa phương nói riêng. Từ đó có chính sách hỗ trợ thiết thực cho các DN, tránh cào bằng vùng sâu, vùng xa cũng như vùng thành thị.

XUÂN QUYÊN (thực hiện)

Bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía - Đường - Cồn Long Mỹ Phát:
Vận động nông dân cùng sát cánh với doanh nghiệp trong quá trình phát triển

 

Theo cam kết gia nhập WTO, nước ta vẫn được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường với mức thuế trong hạn ngạch tương đương mức thuế MFN hiện hành: đường thô 25%, đường tinh 50-60%. Ngành mía-đường nước ta được đánh giá là nhỏ lẻ, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, giá thành cao nhưng chúng ta có lợi thế về lao động, sản xuất tiêu thụ tại chỗ, không phải chịu chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu. Do đó, nếu nhà máy đường và nông dân hợp tác tốt, cùng chung sức nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm thì ngành mía đường sẽ trụ vững trong tương lai. Để làm được điều này, cả doanh nghiệp và nông dân đều phải tạo dựng niềm tin lẫn nhau.

Chính thức đi vào hoạt động giữa tháng 9-2007 đến nay, Công ty TNHH Mía-Đường - Cồn Long Mỹ Phát đã nhanh chóng tạo dựng được lòng tin của nông dân và khách hàng qua việc minh bạch đo chữ đường (CCS), mua mía giá luôn nhỉnh hơn, nhưng giá bán đường lại thấp hơn nhiều nhà máy khác. Chúng tôi quan niệm nhà máy phải nương nông dân và ngược lại nông dân cũng phải “thương” nhà máy thì ngành đường mới phát triển được. Nhờ xây dựng quy trình mua tận gốc, bán tận ngọn từ khâu nhập nguyên liệu cho tới mua sắm trang thiết bị bỏ qua các chi phí trung gian không cần thiết nên công ty giảm được chi phí.

Từ khi hoạt động đến nay Nhà máy Mía-Đường-Cồn Long Mỹ Phát đã sản xuất hơn 5.000 tấn đường RS và khoảng 100.000 lít cồn, doanh thu hơn 55 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn sản phẩm cồn được xuất bán sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Bước đầu nhà máy đã đạt lợi nhuận vượt kế hoạch, mức lương tối thiểu của công nhân đạt trên 1 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nhà máy đang lắp đặt thêm các dây chuyền sản xuất 200 tấn đường RE/ngày, 15.000 lít cồn/ngày, 15.000 tấn phân vi sinh/năm và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Theo tôi, để trụ vững trên “đấu trường” lớn WTO, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và xây dựng thương hiệu mạnh. Chiến lược giảm giá thành của doanh nghiệp chúng tôi được xác định gồm 4 giải pháp: Quản lý chặt chi phí đầu vào, chi phí sản xuất phải hợp lý, phát triển sản phẩm phụ sau đường và vận động nông dân cùng đồng hành phát triển bằng việc giảm giá thành sản xuất mía.

HUỲNH VĂN (thực hiện)

Ông Đặng Văn Quận - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quận Nhuần (Trà Vinh):
Các doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau

 

Thông tin từ ngành thương mại, sau một năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam tăng đáng kể. Tuy nhiên, trở ngại mà ngành thủy sản Việt Nam đang gặp phải chính là rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm do sản phẩm thủy sản xuất khẩu tồn dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Để tránh tình trạng này, Doanh nghiệp tư nhân Quận Nhuần đã trực tiếp đứng ra đầu tư, hỗ trợ cho các chủ nuôi thủy sản, các trang trại nuôi tôm từ vài chục triệu đồng/hộ đến trên 1 tỉ đồng/trang trại để bà con có vốn tổ chức mô hình nuôi tôm một cách bài bản, hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ theo dõi qui trình sản xuất tại chỗ nuôi, quản lý được nguồn gốc, xuất xứ của tôm nguyên liệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến xây dựng thành một vùng nuôi, tiêu thụ sản phẩm sạch mang tính khép kín từ khâu chọn giống đến thu mua, xuất bán. Doanh nghiệp tư nhân Quận Nhuần là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thu mua thủy sản duy nhất trong tỉnh Trà Vinh được Sở Thủy sản kiểm tra, công nhận đạt tiêu chuẩn loại A về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay, giữa các doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Trà Vinh đang cạnh tranh với nhau một cách hết sức quyết liệt nhưng thiếu sự liên kết. Theo tôi, nếu ngay trên “sân nhà” mà các doanh nghiệp không liên kết được thì rất khó nói đến chuyện liên kết để cùng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện nay là rất cần thiết. Hiệp hội này sẽ tập hợp tất cả các công ty, doanh nghiệp trong ngành thủy sản tham gia vào quá trình thu mua, chế biến và xuất khẩu cùng hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản xuất khẩu tỉnh nhà.

CAO DƯƠNG (thực hiện)

Ông Nguyễn Văn Nhu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sáu Nhu (Bến Tre):
Bài học chủ động nghiên cứu thị trường từ sự cố chỉ xơ dừa xuất khẩu

 

Công ty Sáu Nhu xuất khẩu chỉ xơ dừa, than thêu kết có mức doanh thu năm 2006 đạt gần 130 tỉ đồng. Năm 2007, doanh thu của công ty tăng lên 150 tỉ đồng. Dù có theo dõi thông tin về việc Việt Nam gia nhập WTO, kể cả những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về thời cơ và thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt, nhưng do cung cách kinh doanh của công ty chủ yếu theo “mối mang” nên chưa quan tâm lắm. Và ngay trong năm 2007, công ty đã phải trả giá cho sự chủ quan này khi giá chỉ xơ dừa xuất khẩu thời điểm cuối năm đột ngột giảm mạnh từ 270 USD/tấn tháng 11-2006, xuống còn 180USD/tấn trong tháng 11-2007. Trong khi hàng năm, từ tháng 6 đến cuối năm, giá chỉ xơ dừa xuất khẩu luôn tăng cao, ổn định. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp phải thua lỗ nặng do từ đầu năm các doanh nghiệp thu mua dự trữ hàng xuất khẩu cuối năm. Ngoài ra, đối tác đòi hỏi sản phẩm chỉ xơ dừa xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn độ ẩm dưới 20%. Trong khi năm 2006 đối tác chấp nhận độ ẩm ở mức 35%. Tính cả hai khoản này, một tấn chỉ xơ dừa xuất khẩu công ty bị mất 190 USD so với năm 2006.

Khi gặp khó mới đi tìm hiểu thị trường, chúng tôi mới vỡ lẽ là Việt Nam đã không còn độc quyền xuất chỉ xơ dừa cho Trung Quốc mà còn có các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Ấn Độ... Nguyên nhân do một doanh nghiệp ở Việt Nam đã bán công nghệ máy tước chỉ xơ dừa của ta sản xuất cho các nước này và họ nhân rộng ra để sản xuất chỉ xơ dừa đại trà. Bài học rút ra: Chúng ta chưa ra tới “biển”, “biển” đã ở dưới chân. Nếu các công ty sản xuất chỉ xơ dừa không ỷ lại vào thế độc quyền mà tổ chức nghiên cứu thị trường, các đối thủ tiềm năng, giữ bí mật công nghệ và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì sẽ chủ động ứng phó với bất trắc từ thị trường.

Từ sau sự cố này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chỉ xơ dừa, than thêu kết đã thức tỉnh: nhanh nhạy nắm bắt thị trường để điều chỉnh sản xuất phù hợp ở từng thời điểm, luôn quan tâm đến chất lượng, uy tín và nghiên cứu mở rộng thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp sản xuất chỉ xơ dừa cạnh tranh nhau quyết liệt, đặc biệt là về giá mà không có sự liên kết với nhau. Trong khi ở Trung Quốc có thành lập hẳn hiệp hội chỉ xơ dừa để cùng bàn bạc cách thu mua, khống chế giá cả.

Một vấn đề khó khăn khác trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chỉ xơ dừa là chính sách thuế chưa nhất quán. Trong năm 2007 các doanh nghiệp phải liên tục lo cho việc đóng thuế, được miễn thuế đầu vào, rồi thay đổi thuế làm cho doanh nghiệp bị rối, không biết đường đâu mà đàm phán với khách hàng. Bây giờ đã gia nhập WTO rồi, doanh nghiệp phải năng động nắm bắt thị trường để cạnh tranh nhưng cơ quan quản lý thuế cũng cần làm việc theo tinh thần “cạnh tranh” như vậy thì mới có thể hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, không trở thành “lực cản” đối với bước tiến của doanh nghiệp.

CAO DƯƠNG (thực hiện)

Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp An Giang (ANTESCO):
Quản lý chất lượng nông sản từ cánh đồng đến bàn ăn để cạnh tranh

 

Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, có không ít ý kiến lo ngại về sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam do những hạn chế về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa ổn định và đồng bộ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm chưa được quan tâm... Tuy nhiên, qua một năm gia nhập WTO, thành tích của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã chứng tỏ Việt Nam vẫn là quốc gia có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả chế biến, sẽ phát triển mạnh. Hiện nay, phần lớn các khách hàng EU, Mỹ, Nga, Canada... đang chuyển hướng sang chọn nguồn cung từ Việt Nam với số lượng tăng so với những năm trước đây.

Antesco sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực rau quả đông lạnh và đóng hộp - ngành hàng có tính đặc thù về vị trí địa lý thổ nhưỡng. Vì vậy, chúng tôi có nhiều cơ hội phát triển thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi mà thuế suất được cắt giảm đối với hàng nông sản Việt Nam, doanh nghiệp có cơ hội tốt hơn để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Để khắc phục điểm yếu về chất lượng nông sản, công ty đã áp dụng triệt để hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2000, HACCP trong sản xuất. Gần đây nhất, công ty đã thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn BRC Food toàn cầu. Đây là tiêu chuẩn của Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc được các khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới chấp nhận. Tiêu chuẩn BRC Food toàn cầu giúp quản lý được nguồn thực phẩm một cách toàn diện nhất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm “từ cánh đồng đến bàn ăn”.

Trong năm 2007, ngoài danh hiệu Sao vàng đất Việt 2007 - Top 100 thương hiệu Việt Nam, Antesco còn đạt danh hiệu “Hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại” cho 3 sản phẩm bắp non, đậu nành rau và khóm đông lạnh IQF, đạt chứng nhận BRC Food toàn cầu... Sản lượng rau quả xuất khẩu của công ty tăng 20%, giá trị xuất khẩu tăng 18% so với năm 2006. Ngoài phát triển sản phẩm mới từ hàng rau quả đông lạnh và đóng hộp, công ty còn phát triển sản phẩm từ thủy sản nước ngọt như: cá linh kho mía và cá linh sốt cà đóng hộp được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa.

Về chiến lược phát triển, đến năm 2008, công ty sẽ nhanh chóng hoàn tất việc cổ phần hóa từ quý I-2008; đồng thời huy động thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, Antesco đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ với phương châm “chất lượng là uy tín là sự tồn tại và phát triển công ty”. Theo đó, công ty sẽ tiến tới triển khai áp dụng hệ thống quản lý ISO 14000 về môi trường. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị trong nước trong ngành hàng sản xuất rau quả, nhất là đẩy mạnh hợp tác với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu sạch, an toàn phục vụ sản xuất và chế biến.

ANH KHUYÊN (thực hiện)

Ông Lương Văn Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (PHARIMEXCO):
Nuôi ước mơ trở thành “đại gia” trong ngành dược

 

Sau khi nước ta gia nhập WTO, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng và có hiệu lực thi hành ngay trong năm 2007 và 2008 như: Luật về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, dược và Luật DN... Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm, khi Việt Nam gia nhập WTO đã có cơ hội tiếp cận với các đối tác chuyên nghiệp để hợp tác sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất và mở rộng kinh doanh không ngừng.

Bên cạnh thời cơ, cũng có nhiều thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO. Đó là sự am hiểu thị trường thế giới, luật pháp quốc tế, năng lực quản trị điều hành và công nghệ lạc hậu... Các doanh nghiệp ngành dược cũng gặp không ít khó khăn. Muốn tồn tại, bắt buộc doanh nghiệp dược phải đầu tư công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi vốn đầu tư cao. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp dược Việt Nam tiềm lực tài chính có hạn nên việc phát triển sản xuất kinh doanh rất khó khăn, không thể khắc phục nhanh chóng. Các doanh nghiệp ngành dược trong nước rất khó cạnh tranh với các công ty dược phẩm nước ngoài có sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành dược trong nước còn gặp phải những trở ngại về giá cả và nguồn cung ứng nguyên liệu do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Chính sự phụ thuộc về nguyên liệu đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của ngành dược Việt Nam.

Năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO-PHARIMEXCO đạt tổng doanh thu tăng 13,23% so với kế hoạch và tăng 19,32% so với năm 2006; lợi nhuận ước đạt 40,5 tỉ đồng, tăng 91,73% kế hoạch và tăng 135,47% so với năm 2006, tỷ suất lợi nhuận ước đạt 10%/tổng doanh thu và đạt 58% vốn điều lệ, cổ tức dự kiến chia cho cổ đông là 25%. Đây là những thành quả đáng mừng nhưng để phát triển vững chắc, đòi hỏi PHARIMEXCO phải có chiến lược đầu tư hợp lý và hiệu quả. Năm 2008, chúng tôi sẽ xây dựng thêm 2 nhà máy mới là nhà máy capsule II và nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh thế hệ mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 178 tỉ đồng. PHARIMEXCO cũng sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu, thành phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Từ đó, sản xuất được nhiều loại, nhiều dạng sản phẩm có chất lượng tốt, quy mô lớn, giá thành hạ, có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tiến tới mục tiêu thay thế dần hàng nhập khẩu, giữ vững thị phần, từng bước mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Đông Nam Á và phát triển một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước tiên tiến. Chúng tôi đang quyết tâm xây dựng PHARIMEXCO trở thành một trong những công ty dược phẩm lớn của Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

ANH KHOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết