08/04/2012 - 20:07

Kỳ vọng tăng chuỗi giá trị từ cây dừa

Sản phẩm từ cây dừa đang tạo thu nhập, việc làm cho hàng ngàn lao động tỉnh Bến Tre.  

Nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh Bến Tre đã phát triển mạnh, giá trị chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị từ cây dừa đem lại nguồn thu nhập chính, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân Bến Tre và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Bến Tre, năm 2011, diện tích trồng dừa của tỉnh 53.463ha, trong đó có 43.425ha đang cho trái. Diện tích dừa công nghiệp (dừa khô) chiếm 87,5%, năng suất 10.600 trái/ha/năm và 12,5% diện tích dừa tươi (dừa uống nước), năng suất 17.000 trái/ha/năm. Năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 495,1 triệu trái dừa, trong đó dừa tươi là 92,3 triệu trái và dừa khô 402,8 triệu trái. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa không ngừng gia tăng, năm 2011 đạt 140 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41,18% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Người trồng dừa quan tâm mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác để nâng cao năng suất, cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Năm 2011, giá dừa trái biến động lớn và cũng là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử đối với người trồng dừa trong tỉnh. Giá dừa từ 8.875 đồng/trái và tăng lên đến đỉnh điểm 11.900 đồng/trái, tương ứng 142.800 đồng/chục (12 trái). Một công đất trồng dừa, trung bình mỗi tháng cho trái thu hoạch chỉ từ 80 - 100 trái, cho thu nhập 952.000 - 1.190.000 đồng/tháng. Song, niềm vui đến với người trồng dừa chưa được bao lâu đã tắt, giá dừa khô đột ngột giảm còn 4.000 đồng/trái, thu nhập của người trồng dừa giảm sút, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Lý giải nguyên nhân biến động giá, Sở Công thương và Hiệp hội dừa Bến Tre cho rằng, trái dừa khô, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đang từng bước hòa nhập theo giá thế giới, nên chịu sự chi phối mặt bằng giá của các quốc gia có diện tích trồng dừa lớn. Qui luật cung- cầu cũng là yếu tố quyết định giá dừa thế giới, tình hình khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu, biến động chính trị ở các nước Trung Đông, Bắc Phi... làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có các sản phẩm từ dừa. Tháng 1 - 2012, giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm còn 2.000 USD/tấn và thị trường Bến Tre 1.650 USD/tấn. Giá xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của tỉnh Bến Tre luôn thấp hơn giá giao dịch thế giới, do phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu đều qua phân phối trung gian, không xuất trực tiếp.

Trước diễn biến giá dừa liên tục giảm từ cuối năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh làm kiến nghị lên Bộ Tài chính xin điều tiết cho tỉnh hơn 10 tỉ đồng từ nguồn thu thuế xuất khẩu dừa trái để lập Quỹ bình ổn giá và đầu tư cho phát triển cây dừa. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp thu mua dừa trái của nông dân, tạm trữ để phục vụ chế biến, tiêu thụ trong thời gian tới. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét đưa cây dừa là cây công nghiệp để có kế hoạch đầu tư lâu dài và có chính sách đầu tư cho người trồng dừa, ổn định nguyên liệu chế biến, đảm bảo đời sống cho người dân. Festival Dừa lần thứ III năm 2012 diễn ra ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, với qui mô cấp quốc gia, có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu dừa trong nước và các quốc gia trong cộng đồng dừa châu Á - Thái Bình Dương, kỳ vọng đặt ra là tạo tiếng nói chung, nhằm khẳng định vị trí cây dừa trong danh mục cây công nghiệp quốc gia. Mục tiêu mà tỉnh Bến Tre nhắm đến qua Festival Dừa lần này là tìm giải pháp để người nông dân trồng dừa, các nhà sản xuất, doanh nghiệp của tỉnh có thể làm giàu từ cây dừa, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dừa đầy tiềm năng và bền vững.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Chia sẻ bài viết