Bài, ảnh: DUY KHÔI
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong đó phương án bổ sung văn nghệ sĩ của các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả ở lĩnh vực sân khấu vào diện để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) được sự đồng tình cao của các đại biểu và cử tri.

Một buổi ra mắt sách của các hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ.
Đại biểu Quốc hội đồng tình
Trước thềm kỳ họp này, Ðại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Ðông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đối với việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo bà Thu Ðông, Dự thảo Luật dành 5 Ðiều (từ Ðiều 65 đến 69) quy định về danh hiệu, giải thưởng, đối tượng, tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu hoặc giải thưởng cao quý dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, hoạt động văn hóa - nghệ thuật bao gồm 9 lĩnh vực (chuyên ngành): Ðiện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Văn học và Văn nghệ dân gian nhưng dự thảo luật lần này chỉ quy định đối tượng của 6 lĩnh vực. Còn 3 chuyên ngành Nhiếp ảnh, Kiến trúc và Văn học chưa được đề cập xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Mặt khác, trong 6 lĩnh vực đã được đề cập, đối tượng được quy định trong mỗi lĩnh vực không đầy đủ, chưa phù hợp.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, bà Trần Thị Thu Ðông đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là NSND, NSƯT vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo, thuộc chuyên ngành nghệ thuật. Bà Ðông lý giải, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân - thiện - mỹ.
Ðồng tình với đề xuất này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh) cho rằng: Sẽ là công bằng và hợp lý nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng danh hiệu vinh dự của nhà nước. Theo bà Hoa, không nên quá cứng nhắc trong việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với những đối tượng nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả bởi các lĩnh vực này có tính sáng tạo nghệ thuật cao. Họ không chỉ đơn thuần là người sáng tác mà còn là những nghệ sĩ đích thực với những tác phẩm không thể nào quên trong lòng công chúng.
Ðại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cũng nhấn mạnh: Không phân biệt nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, ông Thái cho rằng, phương án này được đông đảo văn nghệ sĩ thực sự trông mong, giúp xóa đi những sự phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và ý nghĩa vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Việc xét tặng NSND, NSƯT hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đang tập trung hướng tới đối tượng là biểu diễn và trình bày tác phẩm, chưa có đối tượng sáng tác, từ năm 1984 đến Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 cho đến nay. Trên cơ sở Quốc hội thảo luận, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo chủ tọa phiên họp và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.
Mong mỏi từ lâu
Thật ra, câu chuyện về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả, nhà văn... đã được nhắc đến từ lâu nhưng đây là lần đầu được thảo luận ở nghị trường. Thực tế trong lĩnh vực sân khấu, diễn viên, nghệ sĩ, thầy đờn... đều được xét tặng danh hiệu nhưng soạn giả thì không. Trong khi theo truyền thống sân khấu, soạn giả, xưa gọi là thầy tuồng, là người có vai trò quan trọng, bậc thầy trong một đoàn hát, tuồng diễn. Ðiển hình rõ ràng nhất là soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, người Cần Thơ, được tôn xưng là Hậu Tổ Cải lương. Ông tài hoa trong soạn tuồng, với nhiều kịch bản kinh điển, trở thành hình mẫu, và đào tạo ra bao thế hệ kế thừa. Ðến cả NSND Phùng Há còn tôn kính gọi ông là Cha, xem như là ông Tổ. Nhưng đến giờ này, soạn giả Mộc Quán vẫn chưa có một danh hiệu. Hay như cố NSND Viễn Châu, ông được phong tặng danh hiệu với tư cách là thầy đờn chứ không phải soạn giả. Trong khi ngoài ngón đờn, các tác phẩm của soạn giả Viễn Châu đã lưu danh hậu thế.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, không thể phủ nhận giá trị những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Ví như các tác phẩm của nghệ sĩ Võ An Khánh, Lý Wầy, Trần Giác... đã phản ánh sinh động cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân miền Tây Nam Bộ. Nhà báo Vũ Thống Nhất, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhắc lại bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” của nhiếp ảnh gia Võ An Khánh chụp tháng 9-1970, ghi lại khoảnh khắc bác sĩ, y sĩ ta lội trong rừng tràm ngập nước phẫu thuật cho cán bộ, chiến sĩ bị thương. Dưới tấm vải dù căng giữa rừng tràm, các thầy thuốc sẵn sàng phẫu thuật cứu người. Bức ảnh ra đời làm chấn động dư luận thế giới. 30 năm sau, bức ảnh được tờ The New York Times đăng lại trên số ra ngày 19-4-2000, với đánh giá là một tác phẩm xuất sắc. Ðó là một trong rất nhiều ví dụ, cho thấy cần thiết phải đưa nhiếp ảnh vào việc xét tặng danh hiệu. Tương tự, với lĩnh vực kiến trúc, văn học...
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Cần Thơ, rất phấn khởi với đề xuất của các đại biểu. Ông Kiên cho rằng, với việc bổ sung các đối tượng đề xuất, lợi ích ở 3 điểm căn bản: Cho thấy sự quan tâm sâu sát của Ðảng và Nhà nước đối với hoạt động văn học - nghệ thuật; tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến; qua đó vực vậy hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung, các chuyên ngành được bổ sung nói riêng, từng bước phát triển hơn nữa.
Soạn giả Nhâm Hùng, người có thâm niên trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Cần Thơ, vui khi biết được thông tin nhưng ông nói đầy “ngậm ngùi” rằng: “Ðã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không!”. Bởi đây là đề xuất từ rất lâu của những người làm nghề, nhưng chưa được thực hiện. Trải qua thời gian năm tháng, nhiều thế hệ đi trước đã không thể chờ đợi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Cần Thơ, cho biết, ông đã có gần 40 năm cầm máy và 30 năm là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông đã từng đề xuất việc đưa nhiếp ảnh vào danh sách các lĩnh vực xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT từ lâu, nay lại được Quốc hội thảo luận, nên rất vui. “Nếu được, đó sẽ là động lực rất lớn để anh em cầm máy hăng hái sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc trưng riêng nhưng có điểm chung là đều làm đẹp cuộc sống, phục vụ việc quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước nói chung”, ông Vũ nói.
Theo dự kiến chương trình làm việc, Dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 15-6 tới.