14/12/2018 - 21:35

Kinh tế Nhật thiệt hại nặng vì chứng mất trí nhớ 

Việc người già mất trí nhớ ở Nhật Bản không có khả năng quản lý tài chính của bản thân đang ngày càng phổ biến, đe dọa khối tài sản trị giá nhiều ngàn tỉ yen.

Chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Rika Kambayashi, nhân viên xã hội tại Kyoto, cho biết bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân mất trí nhớ rút số tiền lớn nhưng bản thân họ lại không biết đang làm gì và tại sao lại rút tiền. Ví dụ như một phụ nữ tầm 90 tuổi từng rút tiền tiết kiệm đến 20 triệu yen (226.000 USD). “Cụ bà này nói rằng đã rút 9 hoặc 10. Mất một lúc sau tôi mới biết bà đang nói về nhiều xấp tiền”- Kambayashi chia sẻ. Một xấp là 100 tờ 10.000 yen.

Ở Nhật Bản, hiện có hơn 5 triệu người bị mất trí nhớ. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 7-8 triệu trường hợp, chiếm 6-7% dân số xứ sở hoa anh đào, theo ước tính của chính phủ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra dự báo thấp hơn là bệnh sẽ chỉ ảnh hưởng đến 3,8% dân số Nhật Bản vào năm 2037, nhưng vẫn cao nhất trong số 35 quốc gia OECD và bỏ xa mức trung bình 2,3% của tổ chức này. Mất trí nhớ liên quan nhiều đến tuổi tác và dự báo trong 12 năm tới, khoảng 31% dân số Nhật ở vào độ tuổi ít nhất 65. Tuổi thọ trung bình của dân Nhật hiện là 84, cao nhất thế giới.

Đáng nói, Viện Dai-ichi Life Research ước tính những người bị Alzheimer và các dạng mất trí nhớ khác ở Nhật sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá đến khoảng 215 ngàn tỉ yen (2.000 tỉ USD) vào năm 2030, so với 143 ngàn tỉ yen hiện nay. Những bệnh nhân này được cho đang ngồi trên núi tài sản bị “đóng băng”, tạo ra những tình thế khó xử cho người thân về việc làm thế nào để giải quyết số tiền đó. Viễn cảnh kinh tế Nhật Bản không mấy sáng sủa vì không thể sử dụng được khối tài sản khổng lồ trên. Quốc nạn này ảnh hưởng ở nhiều cấp độ. Thân nhân người bệnh thường cảm thấy nặng nề với trách nhiệm giải quyết tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư, còn các nhà hoạch định chính sách thì phải cân bằng giữa bảo vệ tiền tiết kiệm vừa đảm bảo chúng vẫn được sử dụng hiệu quả để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

 Trong khi đó, nhiều công ty hiện đối mặt với nguy cơ phải giao dịch với những người mất trí nhớ mà sau đó gia đình của họ có thể sẽ quay lại đòi hủy giao dịch, theo Jin Narumoto, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Kyoto. Qua khảo sát, Narumoto và 3 nhà nghiên cứu khác phát hiện khoảng 30% bệnh nhân mất trí nhớ và gia đình đã chịu thất thoát tài chính vì chứng bệnh này. Các nhân viên giao dịch ở các ngân hàng cũng thường xuyên tiếp xúc những người mất trí nhớ không thể sử dụng được máy ATM hoặc liên tục đặt những câu hỏi giống nhau.

Trong bối cảnh các ngân hàng sắp phải đón tiếp ngày càng nhiều bệnh nhân mất trí nhớ, các nhà băng phải đào tạo đội ngũ nhân viên về cách xử lý các giao dịch một cách công bằng và an toàn. Tại Thủ đô Tokyo, 5 thể chế tài chính đã chung tay thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Shinkin Seinenkouken Support để cung cấp các dịch vụ bảo hộ tài chính với chi phí thấp cho những bệnh nhân mất trí nhớ, hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương. Những người bảo hộ này được chỉ định bởi tòa án địa phương và hỗ trợ khách hàng kiểm soát tiền bạc một cách chuyên nghiệp. Họ cũng có thể thay mặt cho khách hàng thực hiện giao dịch và thậm chí hủy hợp đồng nếu cần. Nhưng quan trọng nhất là giúp các gia đình biết cách đối phó với bệnh tật, hướng dẫn họ đến với các dịch vụ an sinh xã hội.

Dù vậy, các hệ thống này từng để lại tiếng xấu. Trong giai đoạn 2010-2015, đã có gần 3.000 vụ lạm dụng, trong đó 21 tỉ yen đã bị các nhân viên bảo hộ đánh cắp. Còn trong 7 tháng đầu năm nay, những đối tượng xấu cũng đã lừa đảo chủ yếu người già để chiếm đoạt hơn 20 tỉ yen.

THANH BÌNH (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết