03/04/2022 - 08:37

Kinh tế Nga đang rơi vào suy thoái? 

ÐỨC TRUNG (Theo Reuters, CNN, Guardian)

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Mát-xcơ-va trong cuộc chiến tại Ukraine đang bắt đầu đẩy nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng suy thoái và đóng cửa như thời Chiến tranh lạnh. Ðó là nhận định của một quan chức (giấu tên) Bộ Tài chính Mỹ tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 1-4.

Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.  Ảnh: AFP

Nga trở thành nền kinh tế đóng

“Những hậu quả kinh tế mà nước Nga đang đối mặt là nghiêm trọng: lạm phát cao sẽ ngày càng cao hơn và suy thoái sâu sẽ chỉ sâu sắc thêm”, vị quan chức Mỹ phát biểu trước báo giới. Các nhà phân tích dự báo kinh tế Nga có thể suy giảm 10% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức suy thoái tồi tệ 2,7% năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Nga được công bố ngày 25-3 đã tăng lên 15,6%, mức cao nhất từ tháng 9-2015. Ngân hàng trung ương Nga, vốn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4%, hồi đầu tháng 3 đã tăng lãi suất lên 20% nhưng chưa ngăn được tình trạng giá cả tăng cao.

Theo quan chức tài chính Mỹ, các cường quốc phương Tây đã đóng băng khoảng phân nửa trong số 630 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga, cấm nhiều ngân hàng nước này sử dụng mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, phong tỏa tài sản của các nhà tài phiệt thân cận Tổng thống Vladimir Putin, cấm xuất khẩu công nghệ then chốt sang Nga. Mỹ cũng ngưng nhập khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm dầu mỏ của  Nga. Quan chức tài chính Mỹ cho rằng mục đích của các biện pháp cấm vận trên là làm suy yếu nền kinh tế Nga đến mức nước này suy giảm khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.

“Nga đã bị đẩy vào một góc để trở thành một nền kinh tế đóng cửa và Nga trên thực tế là một trong những quốc gia được trang bị kém nhất để hoạt động tốt như một nền kinh tế đóng. Là nền kinh tế đóng, Nga sẽ chỉ có thể tiêu thụ những gì họ sản xuất”, vị quan chức Mỹ bình luận. Tuy nhiên, dù là nhà sản xuất nhiều hàng hóa chính yếu và nguyên liệu thô, Nga không thể sớm tự sản xuất nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, kể cả thiết bị quân sự.

Tương lai của đồng rúp

Các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây lúc đầu đã khiến đồng rúp Nga mất giá khoảng phân nửa. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của Ngân hàng trung ương Nga như tăng lãi suất lên 20%, buộc các nhà xuất khẩu chuyển 80% ngoại tệ ra đồng rúp và hạn chế công dân chuyển tiền ra nước ngoài, giá trị đồng nội tệ Nga có lúc đã trở lại như trước chiến tranh. Các biện pháp can thiệp tiền tệ này của Nga bị phương Tây cho là phi thị trường và thiếu bền vững.

Dẫu vậy, Nga tiến thêm một bước là buộc các nhà nhập khẩu khí đốt từ các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng đồng rúp từ ngày 1-4. Theo tập đoàn khí đốt Gazprom, hiện có khoảng 58% lượng khí đốt bán cho châu Âu và một số nước khác được thanh toán bằng euro, 39% bằng USD và 3% bằng bảng Anh. Giao dịch hàng hóa trên toàn cầu cũng chủ yếu được tính bằng euro hoặc USD. Hai đồng tiền này chiếm tới 80% dự trữ ngoại hối quốc tế. Thế nhưng, nếu xuất khẩu khí đốt mang về euro hay USD vào thời điểm này với Nga ít có giá trị vì nước này bị cấm giao dịch qua SWIFT. Bản thân Ngân hàng trung ương Nga hiện cũng không thể bán một số dự trữ euro và USD để mua đồng rúp. Trong khi đó, nếu các nhà nhập khẩu khí đốt phải thanh toán bằng đồng rúp thì giá cả sẽ cao hơn nếu đồng tiền tệ này tiếp tục suy giảm. Không dừng lại đó, Nga có thể áp dụng biện pháp này đối với dầu mỏ, ngũ cốc, phân bón, than, kim loại và các hàng hóa chủ chốt khác.

Các khách hàng khí đốt của Nga đã phản đối mạnh mẽ biện pháp trên của Mát-xcơ-va. Trước mắt, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu từ ngày 1-4, cho dù nước này đã đặt ra thời hạn chót cho khách hàng phải thanh toán bằng đồng rúp. Ông Peskov khẳng định điều này chỉ ảnh hưởng từ nửa cuối tháng 4 và tháng 5 khi khách hàng thanh toán tiền. Tuy vậy, ông Peskov cũng cho biết Mát-xcơ-va có thể bỏ yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp nếu tình hình thay đổi, song “trong điều kiện hiện nay, đồng rúp vẫn là lựa chọn thích hợp nhất” đối với Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1-4 thông báo sẽ dành 300 triệu USD để hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng quốc phòng. Gói viện trợ này bao gồm các hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser, máy bay không người lái, đạn dược, thiết bị nhìn ban đêm, hệ thống liên lạc an toàn chiến thuật, vật tư y tế và phụ tùng thay thế. Ðây là gói viện trợ bổ sung ngoài khoản 1,6 tỉ USD mà Washington đã cam kết kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24-2.

Chia sẻ bài viết