13/08/2011 - 08:24

"Kinh tế hóa" vấn đề chính trị

Bộ Nội vụ Israel ngày 11-8 đã thông qua giấy phép xây dựng 1.600 căn nhà định cư mới cho người Do Thái tại khu Ramat Shlomo thuộc phía Bắc Đông Jerusalem, đồng thời thông báo “trong vài ngày tới” sẽ tiếp tục phê chuẩn quyết định xây dựng thêm 2.700 căn nữa, trong đó có 2.000 căn ở khu vực phía Nam Givat Hamatos và 700 căn tại khu Đông Bắc Pisgat Zeev cũng đều thuộc Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn chọn làm thủ đô của nhà nước tương lai. Tuần trước, họ cũng đã bật đèn xanh cho phép xây dựng 900 ngôi nhà mới cho người định cư Do Thái tại khu Har Homa thuộc Đông Jerusalem.

Lý giải cho các quyết định trên, người phát ngôn Bộ Nội vụ Israel Roei Lachmanovich nói rằng đây là “biện pháp kinh tế” trong bối cảnh nước này đang đối mặt với lạm phát nhà ở, chứ không phải là vấn đề chính trị gì. Tuy nhiên, lâu nay việc xây dựng khu định cư Do Thái của Israel tại khu vực của người A-rập sinh sống ở Đông Jerusalem luôn vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của người Palestine, mà cả cộng đồng quốc tế. Israel đã chiếm đóng phần còn lại của khu Bờ Tây trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước này trong một động thái không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mỹ cũng chỉ trích Israel xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, đặc biệt là ở Đông Jerusalem và kêu gọi ngừng hoàn toàn hoạt động này.

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry nói, việc Israel bất chấp phản đối của dư luận để mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng trái phép của người Palestine là hành động khiêu khích hòng phá hoại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán và đặt ra hướng đi tích cực vào tháng 9, thời điểm mà Đại hội đồng LHQ xem xét công nhận nhà nước Palestine độc lập. Đối với Israel, việc Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết như vậy dù không có tính ràng buộc, nhưng có tác động cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine.

Cho nên chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên khi một số nhà phân tích nhận định Israel đang “kinh tế hóa” vấn đề chính trị, một mặt nhằm hạ cơn sóng biểu tình chống chính phủ, đòi cải thiện đời sống đang dâng cao trong công chúng Israel, nhưng mặt khác là tiếp tục kéo lùi tiến trình hòa bình Trung Đông, ngăn cản nỗ lực của người Palestine trên con đường đấu tranh thành lập một quốc gia độc lập.

KIẾN HÒA (Theo Xinhua, Al-Jazeera, Haaretz)

Chia sẻ bài viết