27/07/2019 - 12:39

Kinh tế Hàn Quốc gặp khó vì trào lưu độc thân 

Baeck Ha Na (ảnh) hiện là một nhân viên kế toán. Vào những ngày cuối tuần, cô thường chia sẻ lên kênh YouTube cá nhân “Solo-darity” những video nói về cuộc sống độc thân. Hiện cô tham gia nhóm EMIF mà ở đó các thành viên quyết tâm không kết hôn và từ chối làm mẹ.

Áp lực việc làm và tài chính

“Xã hội đã khiến tôi cảm thấy không muốn trở thành người vợ, người mẹ ở tuổi 30. Thay vì thuộc về ai đó, tôi giờ đây có một tương lai nhiều tham vọng hơn” - Baeck cho biết. Cô và Jung Se Young, người đồng sáng lập kênh YouTube “Solo-darity”, cho rằng chính sách hiện tại của chính phủ đã khiến nhiều phụ nữ tức giận. Theo họ, nỗ lực nhằm làm tăng tỷ lệ sinh của xứ sở kim chi là một điều tồi tệ khi không đảm bảo công ăn việc làm cho các bà mẹ hoặc giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc nuôi con.

Chính quyết định không kết hôn của Baeck và nhiều phụ nữ Hàn khác đang tạo nên thách thức về nhân khẩu học và kinh tế cho chính phủ trong bối cảnh Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, cũng như đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn ngân sách chi trả lương hưu khi mà ngày càng ít người tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc chỉ còn 0,95 vào cuối năm ngoái, nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn thì chỉ có 95 trẻ em được sinh ra, trong khi để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh phải là 2,1.

Thời kỳ bùng nổ dân số đầu những năm 1970, có gần 1 triệu trẻ em Hàn Quốc được sinh ra mỗi năm, nhưng đến năm 2017, số trẻ em xứ kim chi sinh ra chỉ còn 357.700. Đáng lo ngại hơn khi dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc hồi tháng 4 cho thấy, số ca sinh tại đây tính đến tháng 2 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số người chết dự kiến vượt xa số người được sinh ra trong năm 2019. Một báo cáo khác của cơ quan này cho thấy, năm 2010, có tới 64,7% phụ nữ Hàn trả lời rằng hôn nhân là điều bắt buộc nhưng đến năm 2018, tỷ lệ này chỉ còn 48,1%. Một cuộc khảo sát đăng tải trên tờ The Korea Herald gần đây cho thấy, năm 2015 có tới 90% nam giới và 77% phụ nữ tuổi từ 25-29 chưa kết hôn, tỷ lệ này lần lượt là 56% và 33% đối với những người trong độ tuổi 30-34 và 40-45.

Nỗi lo về lực lượng lao động

Báo cáo mới nhất về dân số Hàn Quốc cũng đã chỉ ra một mối đe dọa đối với lực lượng lao động nước này. Theo đó, đến năm 2027, số người trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc sẽ giảm 2,5 triệu, trong khi dân số già sẽ tăng 4,5 triệu người. Đáng lo ngại hơn khi mà trong năm 2017, khoảng 37,6 triệu người Hàn Quốc tham gia vào lực lượng lao động nhưng đến năm 2067, con số này được dự đoán sẽ giảm hơn một nửa, xuống còn chỉ 17,8 triệu người.

Những thay đổi về nhân khẩu học đã có tác động đến một số ngành nghề ở Hàn Quốc. Theo một báo cáo, hơn 20% sảnh tiệc cưới ở thủ đô Seoul đã đóng cửa. Còn đầu năm nay, Văn phòng Giáo dục Seoul cho biết dự kiến sẽ đóng cửa 3 trường tiểu học và trung học cơ sở vào tháng 2-2020. Hiện một trường trung học cơ sở khác đang đóng cửa và sáp nhập vào một trường tiểu học đang trong tình trạng thiếu học sinh. Tại thành phố Busan, số học sinh tiểu học đăng ký theo học tại các trường giảm 26%, từ 199.407 học sinh vào năm 2010 xuống 147.340 học sinh tính đến tháng 3-2019. Số học sinh trung học cơ sở giảm 43% trong khi học sinh trung học phổ thông giảm 40%.

Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rõ về vấn đề trên. Do đó từ năm 2005, Seoul đã chi hơn 32 tỉ USD cho việc giảm bớt gánh nặng tài chính khi có con, trợ cấp chăm sóc trẻ em 268 USD/tháng cùng với các ưu đãi khác cho các gia đình trẻ. Nhiều biện pháp mới cũng được công bố hồi tháng 7 năm ngoái, chẳng hạn như kéo dài thời gian nghỉ phép của người cha khi có con từ 1 lên 2 năm và trong thời gian nghỉ phép, họ được hưởng 80% lương bình thường, tối đa là 1.338USD/tháng. Song, những nỗ lực này vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg, SCMP)

Chia sẻ bài viết