16/08/2019 - 10:49

Kiến tạo một ĐBSCL thịnh vượng
Bài cuối: Xoay trục phát triển 

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” ngày 17-11-2017 với điểm sáng cốt lõi là tinh thần “thuận thiên”. Nghị quyết 120 cùng với Quyết định 593 của Chính phủ (2016) thí điểm về Liên kết vùng và Luật Quy hoạch (2017) hiệu lực từ ngày 1-1-2019, được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đánh giá là ba công cụ chính sách liên hoàn, hỗ trợ cho định hướng quy hoạch tích hợp phát triển vùng đồng bằng trong bối cảnh có nhiều thách thức về biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây còn là cơ sở để xoay trục phát triển ĐBSCL.

Mô hình sản xuất lúa giống thích nghi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện tại vùng ĐBSCL. Ảnh: B.T

Mô hình sản xuất lúa giống thích nghi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện tại vùng ĐBSCL. Ảnh: B.T

Thúc đẩy triết lý “thuận thiên”

Nghị quyết 120 nêu rõ các quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho ĐBSCL, đó là: phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do BĐKH và phát triển thượng nguồn sông Mekong. Xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực…

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Cơ hội và thách thức phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn vấn đề. Chẳng hạn đối với tình hình xâm nhập mặn, nếu nhìn cây lúa thì thấy thách thức nhưng nếu nhìn con tôm thì đó là cơ hội. Có nguy và có cơ trong phát triển. Nghị quyết 120 chúng ta đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên, tức là dựa vào quy luật tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu. Không phải thuận thiên là chấp nhận tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và mất đất”. Thủ tướng yêu cầu phải huy động triệt để công sức và trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Chỉ có sự tham gia của DN mới có thể trung hòa các xúc tác, tác động của BĐKH, nước biển dâng. Hiện vùng có khoảng 50.000 DN, chiếm 7% tổng số DN cả nước và trong số này, DN nông nghiệp chưa tới 10%. Do vậy, phải có cơ chế khuyến khích DN đầu tư mạnh hơn nữa vào nông nghiệp.

“Phương châm hành động của chính phủ là: Chính phủ thúc đẩy, DN hành động, người dân hưởng ứng”- Thủ tướng nói. Chính phủ thúc đẩy bằng kiến tạo, cơ chế và chính sách khuyến khích; bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn lực… DN và các trang trại lớn hành động bằng các dự án đầu tư hiệu quả. Người dân hưởng ứng cần tăng cường nhận thức và tham gia cùng cộng đồng DN, Chính phủ. Các địa phương chú trọng đào tạo lao động, để thích ứng với yêu cầu thị trường, tránh sự dịch chuyển. Trong sử dụng đất đai, cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai thích hợp với nhu cầu sản xuất; nghiên cứu tích tụ ruộng đất, nâng cao thu nhập trên mỗi héc-ta. Chính quyền phải tạo lập môi trường kinh doanh cho DN; thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách đối với phát triển kinh tế. 

Chính phủ đã hành động cụ thể bằng Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13-4-2019, phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, với 3 giai đoạn thực hiện. Từ nay đến 2020 ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo; rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới; thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt. Giai đoạn 2 (2021–2030), tập trung vào việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt; điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL; triển khai thực hiện các mô hình kinh tế hợp lý đã thí điểm thành công; tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực. Giai đoạn 3 (2031–2050), định hướng đến 2100: phát huy hiệu quả của hai giai đoạn trước, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện, cho rằng quá trình thực hiện Nghị quyết 120 tại ĐBSCL nên diễn ra dần dần để tránh xáo trộn và cần có lộ trình để tháo gỡ những vướng mắc ở cấp tư duy và ở thực địa. Cần có thêm nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tranh luận để làm rõ nội hàm của nghị quyết và những quan niệm về an ninh lương thực, phát triển bền vững, những quy luật tự nhiên của một vùng đồng bằng châu thổ như ĐBSCL cần được hiểu và tôn trọng, tránh việc diễn dịch khác nhau làm sai lệch đi ý nghĩa của nghị quyết. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các địa phương vùng ĐBSCL cần Trung ương hỗ trợ, thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xử lý sạt lở, đặc biệt là mời gọi DN tham gia vào phòng chống sạt lở. Có thể cho cơ chế nếu nhà đầu tư đầu tư bảo vệ được bờ biển, bờ sông thì nên giao phần đất phía trong cho nhà đầu tư đầu tư khai thác… 

Nhận thức rõ thách thức của BĐKH, TP Cần Thơ đã triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2030, tổng kinh phí dự toán gần 388 tỉ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, hộ dân... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, thích ứng BĐKH và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản”. Cần Thơ còn triển khai Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 chia thành 7 vùng cơ sở ở các quận huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Quy hoạch trên nhằm xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, tiến tới hoàn chỉnh để hạn chế tối đa các thiệt hại do ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Củng cố hệ thống thủy lợi nhằm chủ động kiểm soát nguồn nước, phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt.

Người dân cũng đang thay đổi, sống thuận thiên và thích ứng. Ông Phan Thiện Khanh, ấp Vĩnh Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chính quyền địa phương, các nhà khoa học hướng dẫn bà con những biện pháp thích ứng, sống chung với BĐKH. Không thể chống lại nó mà liên kết lại để sống chung. Nông dân chúng tôi liên kết vào Tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, ký hợp đồng với DN và cùng chia sẻ rủi ro”. Ông Võ Hồng Mạnh, ở ấp 5, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang  sản xuất 1ha lúa, được Nhà nước hỗ trợ bằng kết nối với DN thu mua. “Giao thông đường thủy, đường bộ đã được đầu tư hoàn chỉnh, xe 3-4 tấn hay ghe hàng chục tấn đi lại thuận lợi. Bà con chỉ mong đầu ra sản phẩm ổn định để yên tâm sản xuất”- ông Võ Hồng  Mạnh cho hay. 

Hợp sức hành động

Ông Robbert Moree, Điều phối viên Chương trình đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, cho biết: “Chỉ khi chúng ta có thể thay đổi, chúng ta mới có thể tồn tại. Nghị quyết 120 đã đặt ra những lựa chọn rõ ràng và mang tính bền vững. Thay đổi phải dẫn đến tăng khả năng phục hồi, làm cho đồng bằng bền vững. Là một đối tác phát triển, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam trên con đường này”. 

Ông Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng cho rằng, Quyết định số 417 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120 đã truyền đi tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Chính phủ trong ứng phó với BĐKH và phát triển phồn vinh ĐBSCL. Quy hoạch tổng thể tích hợp cho đồng bằng cho giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các đối tác đang thực hiện được kỳ vọng trở thành một khung duy nhất, xóa bỏ và chỉnh sửa 2.538 quy hoạch hiện có. Đồng thời là định hướng cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai của các Bộ, ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 13 địa phương ĐBSCL. UNDP cam kết mạnh mẽ rằng sẽ cùng với Chính phủ và các bên liên quan chính triển khai Nghị quyết 120 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nghiên cứu gần đây của Bộ KH&ĐT, UNDP và GIZ đã cho thấy đang có khoảng 32 tỉ USD huy động từ khu vực tư nhân vào năm 2025, tập trung vào bốn lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thủy sản, chế biến thức ăn và cơ sở hạ tầng môi trường. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết giai đoạn 2016-2020, Trung ương sẽ đầu tư bổ sung thêm cho đồng bằng khoảng 45.000 tỉ đồng ưu tiên các dự án cấp bách. Bộ đang trình Chính phủ thành lập Hội đồng vùng và quy chế hoạt động của hội đồng vùng. Đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở khuyến khích sự tham gia đầu tư của các DN trong và ngoài nước.        

BĐKH cũng mang đến cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho các công nghệ mới, thúc đẩy sáng tạo, tạo việc làm mới. Vì vậy, cần truyền thông cho người dân và DN biết về các tác động BĐKH để có thể thích ứng hiệu quả với sự thay đổi, giảm thiểu và chuyển dịch những rủi ro. Ngoài ra rất cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối ĐBSCL với TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ, bởi giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, chỉ có kết nối liên hoàn mới phát triển toàn diện ĐBSCL. Đồng thời, cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết 120; một động lực mới đặt ra đối với các địa phương trong vùng là đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn cao vì một ĐBSCL phát triển...

Gia Bảo - Lê Thanh - Hà Văn

Chia sẻ bài viết