15/08/2019 - 08:58

Kiến tạo một ĐBSCL thịnh vượng
BÀI 4: Lo lắng sinh kế và sự trù phú của đồng bằng 

Gia Bảo-Lê Thanh-Hà Văn

Sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ cho đồng bằng, mà còn cho cả nước và quốc tế. Đây là một trong những quan điểm được người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mới đây tại TP HCM. Nhưng một đồng bằng đang đứng trước nguy cơ chìm và loay hoay với bài toán chuyển đổi sinh kế. 

Nguy cơ đồng bằng đang chìm

Giai đoạn 2013-2017, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Chính phủ Nhật Bản và vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước đã bố trí 20.660 tỉ đồng cho 18 dự án đầu tư xây dựng và củng cố công trình kiểm soát lũ, mặn tại ĐBSCL. Ứng phó với sạt lở, từ năm 2010 đến nay, đã bố trí và có kế hoạch đầu tư 169 dự án xử lý sạt lở bờ sông bờ biển với tổng kinh phí 8.707 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA, Chương trình SP-RCC. Đặc biệt, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển tại vùng; hỗ trợ 7 triệu USD từ vốn kết dư dự án ADB đối với 2 dự án thuộc tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang… 

Ông Robbert Moree, Điều phối viên Chương trình đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, nhận định: “Các nguồn tài nguyên của ĐBSCL đang bị khai thác sử dụng thay vì được quản lý theo hướng bền vững. Kết quả là ĐBSCL dễ bị tổn thương do sụt lún đất, BĐKH, xói lở và khai thác quá mức tài nguyên của người dân. Vì vậy, phải thay đổi nếu chúng ta muốn có một đồng bằng an toàn và bền vững”. Với tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, tình hình xói lở nhiều hơn là bồi tụ; tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 37km, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống 250 hộ dân. Diện tích bãi bồi của tỉnh này bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60-300m. Xói lở bờ biển có nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền, sóng biển đã cuốn đi nhiều dãy rừng ngập mặn đang xanh tốt, một số đoạn bờ biển trên địa bàn huyện: An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương xói lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển phía trong, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến diện tích sản xuất và lan rộng một phần của huyện U Minh của tỉnh Cà Mau. Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả trong việc ứng phó sạt lở, nhưng suất đầu tư bình quân 20 tỉ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Số liệu quan trắc giai đoạn từ 2005-2017 toàn vùng ĐBSCL cho thấy: khoảng 6% diện tích đồng bằng không lún hoặc nâng lên; 29% diện tích lún dưới 5cm; 20% diện tích lún từ 5-10cm; 8% diện tích lún trên 10cm và khoảng 37% diện tích hiện chưa có số liệu quan trắc để ước tính tốc độ lún. TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH- Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Theo phỏng đoán đến cuối thế kỷ này, sẽ có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL có nguy cơ bị chìm ngập do nước biển dâng và lún sụt; khoảng 50-75% diện tích canh tác hiện nay bị nhiễm mặn mùa khô và khoảng 30-40% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được. Tổng diện tích đất bị nhiễm mặn với độ mặn 4 g/l là 1,3 triệu ha. Ngoài ra, nước biển dâng sẽ làm gia tăng việc mất đất rừng ven biển, xói lở, xâm thực bờ sẽ nghiêm trọng hơn làm giảm đất cư trú và canh tác”. Nguy cơ về một đồng bằng đang chìm là có thật và các giải pháp công trình hiện nay chưa giải quyết được vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn.

Gian nan chuyển đổi sinh kế

Nhiều ý kiến cho rằng, nền nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể bị mất bền vững; nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu sự sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và chiếm 33,5% GDP chung của vùng ĐBSCL. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực ĐBSCL (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỉ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực cả nước. Nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Giai đoạn 2015-2018, diện tích gieo trồng lúa của vùng giảm khoảng 195.000ha (từ 4,302 triệu héc-ta xuống 4,107 triệu héc-ta) nhưng chủ yếu do giảm vụ và hiện chiếm 26,4% trong cơ cấu nông nghiệp; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700ha lên 807.3000ha, chiếm tỷ trọng 42%; diện tích trái cây tăng từ 308.600ha lên 347.600ha, chiếm tỷ trọng 10,2% trong cơ cấu nông nghiệp… Song, sự chuyển đổi này là chưa đủ để tạo động lực lan tỏa.

Theo GS.TS Vò Tòng Xuân các địa phương đang rất lúng túng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nếu các bộ ngành Trung ương và các địa phương của ĐBSCL vẫn giữ khuynh hướng là tiếp tục xin Thủ tướng duyệt kinh phí khổng lồ đem nguồn nước ngọt rất giới hạn hiện nay về ngọt hóa các vùng mặn để trồng lúa thì thật là vô phước cho nông dân miền Tây Nam bộ!. Theo ông, để phá vòng lẩn quẩn cây lúa, các địa phương cần phải có tầm nhìn cao hơn và rộng hơn. Cần quy hoạch lại vùng trồng lúa, nơi nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Không có doanh nghiệp thì sẽ không có đầu ra cho sản phẩm của nông dân và Nghị quyết 120 cũng khó thành công.

Thời gian gần đây, các dự án kè chống sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu được thực hiện nhiều ở ĐBSCL. Trong ảnh: Bờ kè sông Ô Môn chống sạt lở bờ sông đang được xây dựng. Ảnh: B.T

Ông Trương Phú Quốc, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang  cho biết, đất canh tác ít, ông  chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông trên diện tích gần 2.000m2. “Tôi có nghe về các chính sách hỗ trợ con giống, vay tín dụng ưu đãi khi chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhưng tôi chưa được thụ hưởng. Tôi cũng nghe sản xuất thích ứng BĐKH mà ảnh hưởng của nó ra sao thì tôi chưa hiểu hết được. Chỉ biết thời tiết không như trước nữa, nắng gắt, mưa lớn, mặn sâu hơn; tháng 11-12 rồi mà vẫn xuất hiện lũ, từ đó phát sinh nhiều loại bệnh cho cây trồng vật nuôi. Nông dân  sản xuất chỉ cần có đầu ra ổn định. Cần Nhà nước hỗ trợ để người dân không lo được mùa mất giá nữa”…

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL theo 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, song, các địa phương đều gặp khó. Tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi sang cây rau, màu và cây ăn trái trên trên nền đất lúa tính đến nay khoảng 27.487ha. Nhưng diện tích chuyển đổi chưa đạt kế hoạch đề ra, do thị trường đầu ra chưa ổn định, các sản phẩm rau quả, cây ăn trái còn gặp một số rào cản về kỹ thuật và pháp lý. Diễn biến lũ bất thường, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố chủ quan như việc vận hành thủy điện thượng nguồn, gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo lũ hằng năm và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư Dự án Cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên chỉ tính mức đầu tư cho An Giang đã là 2.900 tỉ đồng, vốn lớn nên bố trí rất khó khăn.

 Kiên Giang, trong 2 năm qua đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi thủy sản được 32.864ha. Nhưng các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; việc huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi còn hạn chế; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng cho nhu cầu cho sản xuất…

Hiện nay tình trạng di dân cũng là thách thức cho ĐBSCL trong chuyển đổi sinh kế, phân bổ nguồn lực phát triển. Số liệu thống kê trong 10 năm gần đây, khoảng 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi vùng ĐBSCL; trong khi chỉ có 700.000 người chuyển đến sinh sống và làm việc tại vùng. Tỷ lệ di cư này gấp đôi trung bình cả nước, thậm chí cao hơn khu vực chịu tác động mạnh của BĐKH. Điều này tạo ra thách thức không chỉ cho đồng bằng mà còn là TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trước áp lực việc làm, sinh kế và an sinh xã hội.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “ĐBSCL hiện chiếm 20% thương mại gạo toàn cầu. Dự báo đến năm 2100, nước biển dâng gây ngập 40% diện tích của đồng bằng, ảnh hưởng sinh kế của người dân và tác động gián tiếp đến nhiều vùng, thế giới, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Sinh kế của hàng triệu người dân đồng bằng đang bị đe dọa rất lớn từ BĐKH. Các bộ, ngành và các địa phương phải xác định đồng bằng đang đứng ở đâu để đề xuất Chính phủ các giải pháp, đưa đồng bằng phát triển thịnh vượng”. Vì vậy, xoay trục phát triển là yêu cầu tất yếu và cấp bách để có một đồng bằng phồn thịnh.

Bài cuối: Xoay trục phát triển

Chia sẻ bài viết