18/02/2012 - 20:31

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp lệnh ưu đãi người có công

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Tại TP Cần Thơ, công tác chăm lo cho người có công được quan tâm thường xuyên, tạo sự an tâm, phấn khởi cho các đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên, các cuộc giám sát mới đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ về thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn về chính sách đối với người có công.

* Quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống cho người có công

  Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công được các địa phương quan tâm. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Thới Lai bàn giao Nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Kim Sô (ngụ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) nhân dịp 27-7. Ảnh: P.LAM.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Bình Thủy, cho biết: “ Đi đôi với việc tổ chức, quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công đều được đưa vào nghị quyết hàng năm của HĐND quận, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh từ quận đến phường. Nhờ đó, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trong những năm qua được bảo đảm, kịp thời”. Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi có sửa đổi bổ sung về chế độ bảo hiểm y tế- mai táng phí đối với người tham gia kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến, tạo sự an tâm, phấn khởi cho các đối tượng được thụ hưởng. Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi cũng đã bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nhằm nâng cao mức sống cho người có công như: bổ sung chế độ ưu tiên giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi để sản xuất, hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sĩ, đảm bảo cuộc sống bằng mức trung bình của xã hội... Chế độ chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạnh ngày càng hoàn thiện, như: mua bảo hiểm y tế cho con thương binh (con dưới 18 tuổi hoặc 18 tuổi nhưng vẫn còn đi học) có tỷ lệ mất sức lao động 81% trở lên; thương binh có tỷ lệ thương tật 81% trở lên được giải quyết chế độ ăn thêm 11 ngày lễ, Tết; con của người có công với cách mạng được miễn giảm học phí... Hiện nay, hầu hết gia đình chính sách và người có công trên địa bàn quận Bình Thủy đều có mức sống bằng hoặc cao hơn đối với mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi đối tượng sinh sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương cũng nhận thấy những khó khăn nhất định, như: cán bộ thương binh - xã hội cấp phường chưa có biên chế, thường xuyên thay đổi nên việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách cơ bản đã xong, nhưng nhiều căn nhà cất lâu nên đã xuống cấp, quận đang điều tra, khảo sát để kiến nghị thành phố bổ sung kinh phí xây dựng lại...

Theo thống kê, hiện nay thành phố có 32.150 người có công đã và đang hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước; trong đó, có 8.840 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho thấy: Thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, việc xác nhận và giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; chính sách đối với thân nhân liệt sĩ; hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người có công... được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể trong thành phố quan tâm thực hiện. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người có công đều được phổ biến rộng rãi và được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức thực hiện tốt. Quyền lợi của người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời; bằng nhiều nguồn vốn, thành phố đã đầu tư xây dựng và tặng 1.128 căn nhà tình nghĩa cho người có công; đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng người có công được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hiện nay, có trên 65% hộ gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên...

* Vẫn còn bất cập, vướng mắc...

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận những tồn tại, yếu kém, như: cán bộ chuyên trách thương binh- xã hội, phường không ổn định, do không có biên chế trong bộ máy của cơ quan hành chính cấp xã; công tác tuyên truyền, triển khai nội dung các văn bản về chế độ, chính sách đến người dân ở vùng nông thôn còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc lập hồ sơ, kéo dài thời gian thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công... bên cạnh đó, thành phố cũng chưa ban hành quy chế quản lý kinh phí ưu đãi đối với người có công; nhiệm vụ tự kiểm tra ở các cơ sở chưa được quan tâm thường xuyên, có địa phương còn để xảy ra sai xót; vẫn còn người hoạt động kháng chiến chưa được hưởng chế độ người có công;...

Để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về người có công, UBND quận Bình Thủy kiến nghị tăng cường biên chế cán bộ phụ trách công tác thương binh – xã hội cấp phường; đồng thời, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về chính sách người có công để cán bộ này phục vụ lâu dài. Còn ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến thành phố Cần Thơ, kiến nghị: “Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tiếp tục xét hồ sơ tù đày còn tồn đọng và cần đơn giản hóa các thủ tục làm hồ sơ. Đồng thời, cần xem xét, có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp người bị tù đày đã chết trước ngày 1-1-1995. Bởi Pháp lệnh người có công có quy định, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách cho hưởng trợ cấp thường xuyên đối với người bị địch bắt tù đày. Đặc biệt là những người hưởng chế độ 1 lần. Vì những người hưởng 1 lần mà có lương hưu thì cuộc sống khá tốt, nhưng những trường hợp hưởng 1 lần mà không có lương hưu thì cuộc sống rất khó khăn. Đề nghị những người bị tù đày được xem xét hưởng chế độ như thương binh”. Bà Trần Liên Kiều, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cần Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí thành phố, cũng có những kiến nghị xác đáng: “Đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét mua tặng bảo hiểm y tế đối với con của nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam để chia sẻ khó khăn đối với những nạn nhân này”. Bên cạnh đó, bà Trần Liên Kiều, cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét để người già từ 80 tuổi trở lên có lương không hưởng chế độ người cao tuổi như những đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương để tạo công bằng giữa các đối tượng. Mặc dù, chế độ không nhiều (180.000 đồng/tháng), nhưng đó là niềm động viên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi có công với cách mạng...

Theo Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng nói chung và việc thực hiện Pháp lệnh người có công với cách mạng nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng vẫn còn những vấn đề vướng mắc nhất định. Xuất phát từ đó, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng tại các địa phương, nhằm tìm hiểu, đánh giá những mặt được, chưa được. Qua đó, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Người có công, nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.

QUANG KHUÊ

Chia sẻ bài viết