Kiên Giang đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, gắn với thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024…
Một dự án du lịch do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại TP Phú Quốc.
Thu hút đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Kiên Giang, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, song tình hình phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đứng thứ 3 vùng ÐBSCL; số dự án đăng ký mới tăng 38% so cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng 26,2% so cùng kỳ năm 2023…
Còn Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA) cho rằng, để thu hút đầu tư, thời gian qua Kiên Giang đã tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương cả trong và ngoài nước; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh kinh tế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tỉnh cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, kế hoạch, dự án tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời để tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tình hình phát triển doanh nghiệp của Kiên Giang khởi sắc. 9 tháng năm 2024, Kiên Giang thành lập mới 1.095 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 8.603,5 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, Kiên Giang có trên 12.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 213.628,6 tỉ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, Kiên Giang cũng cấp đăng ký đầu tư mới 11 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.753,7 tỉ đồng (tăng 3 dự án và tăng 5.100,8 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2023)… Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 745 dự án, tổng vốn đầu tư là 629.034,9 tỉ đồng. Ngoài ra, Kiên Giang cấp mới 2 dự án FDI, với tổng vốn 460,8 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 56 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,8 tỉ USD (44 dự án đã đi vào hoạt động)…
Cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Kiên Giang, bên cạnh các tín hiệu tích cực, Kiên Giang vẫn còn gặp khó khăn nhất định do ảnh hưởng chung từ tình hình thế giới, khu vực; cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... Từ đó, các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 4%, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; một số dự án chờ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, 1/500; tình trạng lấn chiếm, bao chiếm, xây dựng trái phép, khiếu nại, khiếu kiện khiến dự án chưa thể triển khai, chậm tiến độ và ảnh hưởng đến tình hình giải ngân...
Ðể thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, sớm triển khai thực hiện đầu tư và giải ngân vốn đầu tư dự án, ông Trần Ngọc Tính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Kiên Giang cho biết, thời gian tới Kiên Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư… Song song đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách; đôn đốc nhà đầu tư khởi công, thi công dự án hoàn thành thủ tục đầu tư, giao đất, cấp phép xây dựng để sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc KITRA cho hay, KITRA tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá, giới thiệu tiềm lực, lợi thế của tỉnh, tăng cường mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðặc biệt, Kiên Giang sẽ tập trung cải thiện và nâng cao các chỉ số PAPI, PCI nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả nhất. "Theo đó, Kiên Giang tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: Cải cách thủ tục hành chính - Công khai minh bạch - Trách nhiệm giải trình. Trong đó, tỉnh duy trì những chỉ số thành phần có thứ hạng cao và có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học cải thiện đối với những chỉ số thấp. UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…", bà Lụa nói.
Bà Phạm Thị Như Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Kiên Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang cho biết, về tổng quan Kiên Giang là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư, với các chính sách ưu đãi khá tốt, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng rõ ràng. Tuy nhiên tình hình sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư còn chưa được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân; thậm chí doanh nghiệp còn đánh giá Kiên Giang có điểm số thấp về môi trường đầu tư kinh doanh, điều này vô hình trung gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Do đó, để góp phần thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, bà Phượng đề xuất tỉnh quan tâm công tác đào tạo lao động, nhất là lao động có tay nghề; có thêm thông tin định hướng thị trường, kết nối xuất khẩu hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp; đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và nhất là văn hóa công vụ của cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính khi tiếp xúc doanh nghiệp rất cần trên tinh thần "đồng hành cùng phát triển"… Bởi, đây không chỉ là các chỉ số thành phần quan trọng góp phần cải thiện chỉ số PCI, PAPI của tỉnh; đồng thời, là một trong các yếu tố quan trọng tạo sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư…