(CTO) - Ngày 4-6, Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với BV Chợ Rẫy tổ chức Hội nghị khoa học Cập nhật điều trị bàn chân đái tháo đường vì một cộng đồng đái tháo đường khỏe mạnh.
Các diễn giả chia sẻ tiến bộ mới trong lĩnh vực điều trị biến chứng đái tháo đường. Ảnh do BV cung cấp.
Hội thảo với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết đến từ BV Chợ Rẫy và BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, chia sẻ những tiến bộ trong lĩnh vực kiểm soát và điều trị biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.
Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 5,5% và khu vực ĐBSCL có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất 7,2%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp đái tháo đường là một trong 5 bệnh không lây ảnh hưởng đến toàn cầu.
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng như: tim mạch, thận, thần kinh, mạch máu và bàn chân. Trong đó, biến chứng thường gặp và tốn kém chi phí điều trị là loét bàn chân. Khoảng 25% bệnh nhân đái tháo đường sẽ tiến triển đến loét chân vào một thời điểm nào đó trong đời, 70% bệnh nhân có vết loét bàn chân đái tháo đường tử vong trong 5 năm.
Ở nước ta, 50% số ca cắt cụt chi dưới là do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tính chung trên toàn thế giới cứ 30 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chân. Biến chứng này gây ra những tổn thất nặng nề về mặt tâm lý, sức khỏe, kinh tế cho bệnh nhân nói riêng và là gánh nặng cho ngành y tế nói chung.
Cán bộ y tế BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đo chỉ số đường huyết cho người bệnh.
Hội nghị với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các bác sĩ, điều dưỡng hoạt động trong lĩnh vực nội tiết - đái tháo đường - nội khoa vùng ĐBSCL. Qua đó, Ban tổ chức mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng về các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường; đồng thời, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ trong việc quản lý bệnh đái tháo đường và những biến chứng liên quan đến đái tháo đường như tim, thận, bàn chân... từ đó cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Chương trình cũng truyền đi thông điệp cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Thời gian qua, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh đái tháo đường hôn mê nguy kịch do không tuân thủ phát đồ điều trị, tự ý mua thuốc uống theo toa cũ. Theo các bác sĩ, điều trị bệnh đái tháo đường mang tính chất lâu dài, thuốc điều trị có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng và đường huyết hiện tại. Người bệnh cần đi khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra các chỉ số cận lâm sàng và từ đó điều chỉnh thuốc phù hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thường xuyên theo dõi đường huyết tại nhà, đồng thời có chế độ ăn uống hợp lý và tái khám định kỳ, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
THU SƯƠNG